Nhà phố triệu USD ế khách thuê

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hàng loạt căn nhà phố mặt tiền ở vị trí đẹp trung tâm TP.HCM, hay những dãy shophouse tại nhiều dự án đô thị khu vực ven trung tâm… vẫn trong tình trạng “cửa đóng then cài”.
Căn nhà 2 mặt tiền nằm trên đường Trương Định và Lý Tự Trọng (quận 1) đã bỏ trống hơn một năm nay. Ảnh: Trọng Tín Căn nhà 2 mặt tiền nằm trên đường Trương Định và Lý Tự Trọng (quận 1) đã bỏ trống hơn một năm nay. Ảnh: Trọng Tín

Cả loạt mặt tiền nhà phố, shophouse ế ẩm

Căn nhà 2 mặt tiền nằm trên đường Trương Định và Lý Tự Trọng (quận 1, TP.HCM) trước đây từng là một nhà hàng Nhật nổi tiếng, tấp nập thực khách, thì nay cửa đóng im ỉm, bên ngoài dán chi chít số điện thoại của môi giới, nhiều số đã phai màu không còn đọc được.

Theo giới thiệu trên một trang web nhà đất, căn nhà này có diện tích 20 x 25 m, kết cấu 5 tầng với tổng diện tích sàn lên tới 1.800 m2, phù hợp cho các tập đoàn, thương hiệu lớn trong lĩnh vực F&B (tiêu dùng nhanh) mở nhà hàng, phòng khám đa khoa, trung tâm thẩm mỹ... Giá chào thuê là 1,2 tỷ đồng/tháng, còn thương lượng.

Có vị trí đắc địa là vậy, nhưng do bị bỏ trống quá lâu, hạ tầng căn nhà đã có dấu hiệu xuống cấp, khu vực tường bao xuất hiện nhiều vết bong tróc. Đường dây điện hư hỏng, treo lơ lửng ở các góc tường, bên ngoài cửa sắt bị vẽ nguệch ngoạc. Phần vỉa hè trước mặt bằng được người dân giăng dây, bất đắc dĩ trở thành nơi nghỉ chân cho người lao động.

Cách đó không xa, một mặt bằng nằm đối diện khu trung tâm thương mại Vincom Center Đồng Khởi cũng được tận dụng trở thành điểm bán đồ ăn vặt cho nhóm khách nhân viên văn phòng, các bạn trẻ và du khách trong thời gian chờ đợi khách thuê.

Liên hệ qua số điện thoại được giới thiệu là chính chủ, chúng tôi được chào thuê căn nhà với giá 20.000 USD/tháng, bao gồm một trệt và một lầu. Người này còn giới thiệu thêm một mặt bằng khác hiện đang bị bỏ trống tại góc đường Lý Tự Trọng và Thủ Khoa Huân với giá 21.000 USD/tháng, ưu tiên dành cho khách hàng ký hợp đồng thuê lâu dài.

Ngoài tuyến đường này, những tuyến đường sầm uất khác như Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Minh Khai, Pasteur... cũng có nhiều mặt bằng khóa kín cửa trong thời gian dài, tờ rơi quảng cáo cho thuê dán chi chít trước mặt tiền, thậm chí một số mặt bằng kinh doanh đắt đỏ còn trở thành nơi chứa rác.

Không chỉ nhà phố mặt tiền khu vực trung tâm thành phố, thị trường shophouse liền thổ trong các dự án đô thị ngoài trung tâm cũng chịu chung số phận. Đơn cử, tại khu vực Thủ Thiêm, nhà phố dọc theo trục đường Nguyễn Cơ Thạch đang khó kiếm khách thuê, dù giá thuê không tăng so với trước và có cam kết giảm giá, ở quanh mức 130-140 triệu đồng/tháng. Trên thị trường thứ cấp, giá bán dòng sản phẩm này dao động từ 75-80 tỷ đồng/căn.

Tương tự, các căn shophouse dọc theo trục đường Đồng Văn Cống (TP. Thủ Đức) có giá bán từ 27-35 tỷ đồng/căn, giá thuê từ 30-58 triệu đồng/tháng cũng bỏ trống hàng loạt. Cả dãy shophouse nối dài chỉ lác đác một vài căn được khai thác, còn lại đều cửa đóng then cài. Cách đó không xa, những căn shophouse tại khu Cát Lái giá chào bán chục tỷ đồng mỗi căn, giá thuê dao động từ 18-20 triệu đồng/tháng, song cũng không ai thuê.

Một trong những lý do khiến những dãy shophouse trên lâm vào tình cảnh ế ẩm là do khu vực xung quanh ít có người đến ở. Chưa kể, việc di chuyển trên tuyến đường này cũng bất tiện khi hàng ngày có cả trăm chiếc xe container nối đuôi nhau ra vào cảng Cát Lái, gần đó là nút giao thông Mỹ Thủy vốn bị xem là “điểm đen” về tai nạn giao thông.

Cả dãy shophouse trên đường Đồng Văn Cống (hướng ra cảng Cát Lái) trong tình trạng cửa đóng then cài vì không có người thuê. Ảnh: Lê Toàn

Cả dãy shophouse trên đường Đồng Văn Cống (hướng ra cảng Cát Lái) trong tình trạng cửa đóng then cài vì không có người thuê. Ảnh: Lê Toàn

Xu hướng dạt ra khỏi trung tâm

Theo các chuyên gia, những mặt bằng nằm tại các tuyến đường có vị trí “vàng” tại trung tâm thành phố phần lớn hướng tới đối tượng khách hàng là doanh nghiệp nước ngoài và khách du lịch.

Tuy nhiên, thời gian qua, dịch bệnh đã tác động mạnh đến ngành du lịch, nhiều nước vẫn duy trì các biện pháp hạn chế đi lại để phòng chống dịch, doanh nghiệp nước ngoài cũng dè dặt hơn khi mở rộng thị trường. Bởi vậy, những doanh nghiệp kinh doanh trong nước đang thay đổi chiến lược để tiếp tục duy trì hoạt động, thay vì đổ tiền vào mặt bằng tại những vị trí trung tâm.

Ông Lê Đình Hiếu, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở Công thương TP.HCM) lý giải, sức mua ở hầu hết ngành hàng đều đang ở mức thấp là do chịu tác động từ nhiều yếu tố.

“Nhiều doanh nghiệp bị suy giảm đơn hàng, nên công nhân cũng giảm việc, dẫn đến thu nhập vơi đi. Bên cạnh đó, hiện nay, lãi suất vay ngân hàng đang ở mức cao, đặc biệt là với vay tiêu dùng, vay tín chấp. Những yếu tố này đã làm cho sức mua của người dân giảm đi trong thời gian qua”, ông Hiếu phân tích, đồng thời chia sẻ thêm, sau nhiều thiệt hại, thua lỗ do dịch, nhiều chủ nhà hàng đã không dám trở lại với các mặt bằng quá tốn kém, thay vào đó, họ chuyển dần sang hình thức mua bán online, từ đó dẫn đến việc mặt bằng khó cho thuê, dù nằm ở vị trí đẹp.

“Các phương thức kinh doanh qua mạng xã hội, qua các trang web… ngày một phát triển và đa dạng, cho nên người dân có xu hướng chuyển dần qua mua hàng online, mà ít trực tiếp đến chợ hay trung tâm thương mại hơn để mua sắm hơn và xu thế này ngày một rõ nét hơn”, ông Hiếu nói.

Do đó, trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, ông Hiếu cho rằng, bên cạnh những chính sách cởi mở từ Nhà nước, các hộ kinh doanh, bên cho thuê hay bên thuê cần có sự thấu cảm, điều chỉnh linh hoạt, nếu không thì những mặt bằng dù ở vị trí “vàng” cũng khó có sức hấp dẫn.

“Các khu chợ, khu trung tâm thương mại… nếu kinh doanh ế ẩm kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế nói chung”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Sức mua yếu, trong khi giá thuê mặt bằng tại nội đô thành phố rất cao đang khiến xu hướng dạt ra khỏi trung tâm rõ nét hơn. Báo cáo mới đây của CBRE Việt Nam dự báo, nguồn cung mặt bằng bán lẻ trong 2 năm tới đều nằm ở các khu vực ngoài trung tâm với diện tích khoảng 132.000 m2 sàn. Giá thuê mặt bằng khu vực ngoài trung tâm có xu hướng tăng từ 1-1,5%/năm.

Do nguồn cung mới tại khu vực trung tâm hạn chế và giá thuê tăng cao, CBRE Việt Nam nhận định, các nhà bán lẻ sẽ tìm kiếm nhiều không gian hơn ở các khu vực ngoài trung tâm để ra mắt các cửa hàng bán lẻ tạm thời trong khoảng thời gian ngắn.

Bà Võ Thị Phương Mai, Trưởng bộ phận Mặt bằng bán lẻ, CBRE Việt Nam cho biết, mặt bằng trống ở khu vực trung tâm không chỉ giá cao, mà còn có những vấn đề liên quan đến pháp lý. Đây là lý do quan trọng khiến nhiều nhà bán lẻ dè dặt, bởi sau khi dồn tiền đầu tư sẽ dễ gặp rủi ro, khó xin giấy phép kinh doanh, giấy phép phòng cháy chữa cháy... Theo bà Mai, xu hướng dịch chuyển mặt bằng cho thuê ra các khu vực xa trung tâm, sẽ còn diễn ra trong thời gian tới.

“Ở đâu có dân cư, ở đâu mang tính thương mại thì họ mở. Ở đâu khó thì họ chuyển sang khu vực ít khó hơn. Khi họ có nhu cầu mở rộng mà trong trung tâm không mở được thì đương nhiên phải đi ra ngoài, hướng tới những khu vực rìa trung tâm, vì khu vực này mặt bằng nhiều nên tỷ lệ lấp đầy còn thấp và giá thuê cạnh tranh”, bà Mai nói.

Trọng Tín

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục