Bài 4: Tia sáng cuối đường hầm, nhưng vẫn cần gỡ rào cản
Một số doanh nghiệp lớn đã và đang lên kế hoạch xây dựng hàng loạt nhà ở xã hội với giá rẻ bất ngờ. Đây được xem là tia sáng cuối đường hầm. Tuy nhiên, để có thể đáp ứng nhu cầu nhà ở quá lớn của người lao động với mức sống khá thấp hiện nay, cần phải cân bằng bài toán cho cả loại hình nhà/phòng trọ, khu lưu trú.
Bài toán nhà ở xã hội: Cú đột phá Becamex IDC và lời hứa Vinhomes
Như đã phân tích, với nhà ở xã hội có mức giá 1,2 - 1,6 tỷ đồng/căn (tính toán của cơ quan chức năng TP.HCM) cùng thời hạn trả góp chỉ 15 năm, thì công nhân có khi đến cuối đời mới có thể có chốn an cư.
Tuy nhiên, trong khi cơ quan chức năng hay doanh nghiệp còn loay hoay tính toán, thì tại Bình Dương, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Becamex IDC (Becamex IDC) đã thành công với mô hình xây dựng nhà ở xã hội giá thấp bất ngờ, chỉ 100 - 150 triệu đồng/căn bán cho công nhân.
Cụ thể, trên diện tích 10 ha, cụm nhà xã hội Định Hòa của Becamex IDC được xây dựng quy mô 20 block. Block nhỏ nhất có 57 căn hộ, lớn nhất có 157 căn hộ, với diện tích sàn 20 m2 và một gác lửng 10 m2, mức giá từ 100 triệu đồng/căn. Đây đã trở thành nơi an cư cho hàng ngàn người lao động từ nhiều nơi tìm đến Bình Dương làm việc.
Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Bình Dương) cho biết, Bình Dương không đặt nặng việc xây nhà lưu trú cho công nhân, mà chuyển sang xây nhà giá rẻ bán cho người lao động. Thế nên, tỉnh này có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi như dự án xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn ngân sách được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; khuyến khích hộ gia đình, cá nhân áp dụng tiêu chuẩn nhà ở xã hội, nhằm nâng cao chất lượng nhà cho thuê.
Trong khi đó, một thông tin gây sốc là tại đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức mới đây, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết, trong 5 năm tới, doanh nghiệp này sẽ xây dựng khoảng 500.000 căn nhà ở xã hội (Happy Home), tập trung tại khu vực vùng ven những đô thị lớn, như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, với giá bán dự kiến chỉ 300 - 950 triệu đồng/căn hộ, cùng hứa hẹn sẽ giúp “nâng tầm” nhà ở xã hội với hệ sinh thái đầy đủ tiện ích như công viên, khu vui chơi trẻ em, sân chơi thể thao…
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của Vinhomes là “bom tấn”, bởi có ảnh hưởng rất lớn tới thị trường bất động sản hiện nay, cả về số lượng và giá cả. Với kế hoạch xây dựng 500.000 căn nhà ở xã hội trong 5 năm, trung bình mỗi năm, doanh nghiệp này sẽ cung cấp ra thị trường 100.000 căn. Đây là “mục tiêu trong mơ” của cả ngành xây dựng Việt Nam, bởi kết quả phát triển nhà ở xã hội thời gian qua ở mức rất thấp.
Bài toán nhà trọ, khu lưu trú: Nỗ lực của TP.HCM
Dù nhà ở xã hội giá rẻ của Becamex IDC (120-280 triệu đồng/căn hộ) hay cao hơn như Vinhomes (300-950 triệu đồng/căn), thì với mức thu nhập hiện nay, người công nhân cũng mất tối thiểu 10 năm tích cóp. Như vậy, trong quãng thời gian đó, nhu cầu thuê phòng trọ vẫn rất lớn đối với người lao động.
Ngoài dự án nhà ở xã hội giá rẻ đã bán, Becamex IDC đang xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội với tổng mức đầu tư 9.500 tỷ đồng tại Khu VietSing (TP. Thuận An); khu Định Hòa (TP. Thủ Dầu Một); khu Mỹ Phước (thị xã Bến Cát); khu Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) với dự kiến đưa vào sử dụng đợt I vào cuối năm 2023.
Để người lao động có nhiều lựa chọn, chủ đầu tư đã thiết kế nhà ở xã hội rất linh hoạt với nhiều loại sản phẩm, giá bán từ 120 đến 280 triệu đồng/căn, hoặc loại cao cấp hơn với giá từ 200 đến 500 triệu đồng/căn. Loại căn hộ cho thuê có giá 750.000 đồng/căn/tháng, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người lao động.
Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, để giải bài toán trên, bên cạnh việc xây nhà ở xã hội để bán, thì phát triển nhà trọ cho thuê là một chính sách đặc biệt, căn cơ mà TP.HCM tính tới trong phương án về nhà ở cho công nhân.
Minh chứng là, mới đây, UBND TP.HCM đã quyết định phân bổ chỉ tiêu tín dụng 15,7 tỷ đồng cho chương trình cho vay ưu đãi mua, thuê nhà ở xã hội, xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở trong năm 2022. Số tiền này được phân bổ cho 22 quận, huyện, trong đó cao nhất là 1,35 tỷ đồng, thấp nhất là 300 triệu đồng.
Trong Dự thảo Chương trình Phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đề nghị mở rộng chính sách hỗ trợ - cho vay đối với các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà trọ đạt chuẩn cho công nhân, người lao động.
Như vậy, doanh nghiệp bị loại khỏi các chính sách hỗ trợ này. Căn nguyên là, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP chỉ cho phép hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội riêng lẻ, trong đó có các nhà trọ, phòng trọ, nhưng không cho phép doanh nghiệp được đầu tư loại hình này.
Chính quy định như vậy dẫn đến các khu nhà trọ, phòng trọ không đảm bảo chất lượng, nhanh xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy, trật tự xã hội, dù rằng có sự quản lý, giám sát cấp phép của cơ quan chức năng.
Để giải bài toán này, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở 2014 theo hướng cho phép doanh nghiệp được đầu tư phát triển phòng trọ, nhà trọ.
Cũng liên quan hỗ trợ công nhân, hàng triệu người lao động đã rất phấn khởi khi ngày 28/3/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà.
Thực hiện chính sách này, TP.HCM đã triển khai gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân, người lao động với kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng cho hơn 1,1 triệu người lao động trong diện thụ hưởng. Tuy nhiên, gần 2 tháng qua, Bảo hiểm Xã hội TP.HCM mới nhận xác nhận hồ sơ cho trên 1.400 doanh nghiệp và trên 15.000 người lao động, bằng 0,01% con số dự kiến.
Rào cản nào? Tại công văn mới đây gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cho hay, Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định, trong 2 ngày kể từ ngày nhận được kinh phí của UBND, doanh nghiệp phải chi ngay cho người lao động. Tuy nhiên, quyết định này không đề cập việc xử lý vi phạm nếu người sử dụng lao động chậm chi cho người lao động. Trong khi đó, có nhiều doanh nghiệp đông công nhân tới giờ vẫn đang loay hoay thống kê.
Theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, đối tượng được hỗ trợ tiền thuê nhà phải đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ.
Nhưng một số trường hợp đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, không phải đóng bảo hiểm xã hội, gồm người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản, người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng. Do vậy, chưa xác định rõ 2 nhóm này có thuộc đối tượng được hỗ trợ không…
Khu lưu trú trong Khu công nghiệp: Hiến kế của Bộ Xây dựng
Bộ Xây dựng cho rằng, theo pháp luật nhà ở hiện hành, chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội, áp dụng chung cho 10 loại đối tượng theo quy định tại Điều 49, Luật Nhà ở năm 2014. Hiện có sự chưa thống nhất về quy hoạch bố trí quỹ đất dự án xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp giữa Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Trong khi đó, nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội (trong đó có công nhân khu công nghiệp) vẫn còn thiếu. Một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chưa quan tâm cho đầu tư phát triển nhà ở dành cho công nhân khi lập quy hoạch đầu tư xây dựng khu công nghiệp.
Vì thế, Bộ Xây dựng cho rằng, về lâu dài, cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 và các luật có liên quan, trong đó có cơ chế, chính sách riêng về khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Theo đó, trong quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất xây nhà lưu trú cho công nhân thuê; giao chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc các doanh nghiệp khác hoặc phối hợp với liên đoàn lao động đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân; miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng; chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu nhà ở công nhân được hạch toán vào chi phí giá thành hạ tầng chung của cả khu công nghiệp.
Đề xuất này của Bộ Xây dựng được nhiều địa phương ủng hộ.
(Còn tiếp)