Từ mối lo an cư
Trong căn phòng trọ trống huơ trống hoác rộng chưa đầy 15 m2 tại phường Trảng Dài (Biên Hòa, Đồng Nai), chị Nguyễn Thị An đang trông đứa con nhỏ gần 1 tuổi của mình. Dãy nhà trọ hơn 10 phòng cũ kỹ với tường vôi, lợp mái tôn… không chỉ xuống cấp sau cả chục năm sử dụng, mà còn kèm theo sự nóng nực lẫn mùi ẩm mốc. Cuộc sống 2 vợ chồng công nhân lương thấp vốn đã vất vả, lại thêm vướng bận đứa con nhỏ, với chị An, đủ ăn hàng ngày đã là tốt, chứ chưa dám nghĩ tới chuyển tới khu trọ mới rộng rãi, khang trang hơn.
Tương tự chị An, vào lập nghiệp ở Bình Dương từ hơn 3 năm trước, thế nhưng tới nay nỗi lo về chỗ ở vẫn luôn canh cánh với anh Nguyễn Văn Trung. Xa quê, cả năm tích cóp gửi tiền về cho mẹ để trả nợ dần, nên số tiền còn lại cũng chỉ đủ để chi tiêu dè xẻn hàng ngày.
Đã có ý định thành gia lập thất, nhưng tới giờ anh vẫn lưỡng lự bởi nếu lấy vợ thì phải chuyển sang chỗ mới rộng rãi hơn, chứ không thể ở tại căn phòng trọ chưa đến 10 m2 vốn dĩ được cải tạo từ cái chuồng lợn cũ của chủ nhà như hiện nay được.
Nhưng với căn phòng trọ rộng khoảng 30 m2 thì mức giá thuê hiện tại lên tới gần 3 triệu đồng/tháng, lại phải nộp tiền theo quý nên quá sức đối với thu nhập từ mức lương công nhân hiện tại, chưa kể còn khoản nợ ở quê chưa trả xong. Anh cũng tính lấy vợ xong rồi quay trở về quê ở Bắc Giang lập nghiệp, thế nhưng Covid ập đến khiến Trung phải tính lại.
Những hoàn cảnh trên thực tế khá phổ biến, cho thấy những bất cập về an sinh xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay. Câu nói “an cư, lạc nghiệp” vốn mang ý nghĩa cuộc sống muốn ổn định thì trước tiên cần có nơi ở yên ổn, nhưng với phần đa công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên khắp cả nước, an cư là một giấc mơ có phần xa xỉ khi nhu cầu thiết yếu này chưa được quan tâm đúng mức.
Lễ khánh thành một khu nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Cầm, Đà Nẵng |
Nhìn lại cách “dọn tổ đón đại bàng”
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, cả nước hiện có 369 khu công nghiệp được thành lập (gồm cả các khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế) tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích gần 114.000 ha. Bên cạnh đó là 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đất liền với tổng diện tích khoảng 766.000 ha và 18 khu kinh tế ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực ven biển với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853.000 ha.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có những đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước, thế nhưng, như chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông tại Hội thảo Báo cáo tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp và khu kinh tế vừa tổ chức, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế thời gian qua bộc lộ không ít hạn chế.
“Tại một số nơi, quy hoạch và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút đầu tư, chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường; việc tập trung các khu công nghiệp tại một số địa phương, tuyến quốc lộ gây áp lực lớn về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực xung quanh khu công nghiệp; chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư và hiệu quả sử dụng đất tại khu công nghiệp, khu kinh tế còn chưa cao…”, Thứ trưởng nói.
Năm 2011, một trong những mục tiêu chính trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia là đến năm 2020 phải có khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở. Tuy nhiên, trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội hồi đầu tháng 11/2020, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện nguồn cung mới đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu nhà ở dành cho công nhân.
Chưa kể, một thực tế như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp chỉ đơn thuần là san lấp mặt bằng và chờ nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, mà chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề phát triển nhà ở, ổn định an sinh xã hội cho công nhân, thậm chí có khu công nghiệp còn không có đường giao thông để phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa… được thuận lợi.
Trong khi đó, việc đảm bảo về an sinh xã hội trong khu công nghiệp là yếu tố được quan tâm của những nhà sản xuất lớn khi lựa chọn địa điểm đặt nhà máy, bên cạnh những ưu đãi khác... Hồi đầu năm, một nhà sản xuất đồ nội thất Nhật Bản cho thương hiệu Muji từng chia sẻ rằng, hoạt động sản xuất bị trì hoãn do thiếu lao động mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ thiếu nơi ở cho công nhân, nếu có thì ở quá xa nơi họ làm việc.
Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp được nhìn nhận trong thời kỳ “ăn nên làm ra” khi Việt Nam đang đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ từ bên ngoài. Như đánh giá của bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), bất động sản công nghiệp Việt Nam đang trong thời kỳ “dọn tổ đón đại bàng”, là thời cơ để Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút nhiều dòng vốn đầu tư…
“Nhưng muốn vậy, bất động sản công nghiệp cũng phải có sự chuyển mình một cách rõ ràng, đặc biệt là thay đổi các mô hình phát triển theo hướng sinh thái, bền vững, tích hợp cùng với phát triển đô thị để đảm bảo nhu cầu an sinh xã hội của công nhân, chuyên gia đang sinh sống và làm việc trong các khu công nghiệp”, bà Minh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu như trước đây bất động sản công nghiệp được hiểu là “xây tường, cắt đất cho thuê”, thì nay phát triển bất động sản công nghiệp phải hướng tới những hệ sinh thái khu công nghiệp tầm cỡ. Trong đó, cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ có mối liên hệ mật thiết trên cùng một lợi ích, cùng hướng tới một hoạt động mang tính xã hội, kinh tế và môi trường chất lượng cao, thông qua sự hợp tác trong quản lý các vấn đề môi trường và tài nguyên. Đặc biệt, việc thúc đẩy hoàn thiện và đồng bộ các chính sách mới về phát triển nhà ở gắn liền với khu công nghiệp cần là yếu tố được lên hàng đầu.
“Tại các địa phương ở khu vực Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương…, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia vào việc thúc đẩy phát triển các mô hình nhà ở quanh khu công nghiệp sinh thái, vấn đề còn lại là khung chính sách và những ưu tiên trong việc giải quyết vấn đề thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tận dụng triệt để các cơ hội”, ông Thành nói.