Nhà nước đẩy mạnh thoái vốn, cách nào hút người mua?

(ĐTCK) Trong bối cảnh danh mục bán vốn nhà nước liên tục được công khai ra thị trường, các tổ chức đầu tư nhìn nhận, đây là cơ hội đầu tư mới cho giới đầu tư trong và ngoài nước, song phải có cách bán hợp lý mới hút được người mua. 
Nhà nước đẩy mạnh thoái vốn, cách nào hút người mua?

Lượng cung dồn dập tăng

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định 1232/QĐ-TTg phê duyệt danh mục doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn và tỷ lệ thoái vốn tối thiểu theo từng năm của doanh nghiệp có vốn Nhà nước giai đoạn 2017-2020. Sau thời gian dài chờ đợi, thị trường cũng như giới đầu tư trong và ngoài nước đã có trong tay kịch bản thoái vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp.

Theo đó, từ nay đến năm 2020, Nhà nước sẽ thoái vốn ở 406 lượt doanh nghiệp, với tổng số vốn dự kiến thoái theo mệnh giá khoảng 65.000 tỷ đồng. Ngoài ra, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đến năm 2020”, với số lượng doanh nghiệp mà SCIC bán vốn nhà nước lên tới 132 công ty, trong đó có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, có hoạt động đặc thù như SCIC, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco); Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)...

Tổng hợp bức tranh thoái vốn có thể thấy, lượng vốn nhà nước cần bán ra thị trường đang tăng mạnh, làm gia tăng sức ép lên phía cầu, trong bối cảnh các chính sách cải thiện sức cầu chưa đủ mạnh để có thể hấp thụ tốt nguồn cung lớn này.

Thực tế cũng cho thấy, trong khi dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán còn hạn chế, nhưng vẫn bị phân tán sang các mảng khác như trái phiếu chính phủ, chứng khoán phái sinh (2 tuần giao dịch đầu tiên, giá trị giao dịch trên thị trường này đạt 787 tỷ đồng)…, việc tìm dòng tiền mới có khả năng hấp thụ tốt lượng cung lớn đang là bài toán khó cho bên bán vốn.

Hút người mua, cách nào?

“Việc triển khai các danh mục thoái vốn sẽ mang lại cơ hội đầu tư mới hấp dẫn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong bối cảnh họ đang có nhu cầu đầu tư vào các mặt hàng mới. Chúng tôi sẽ xem xét nghiêm túc các cơ hội đầu tư mới, để khi nhà nước công bố và triển khai kế hoạch thoái vốn sẽ tính toán tham gia. Chúng tôi cũng sẽ cập nhật thông tin đến các nhà đầu tư tiềm năng, để giúp họ đón bắt, lựa chọn các cơ hội đầu tư…”, ông Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Bông Sen cho biết.

Cũng theo ông Tài, từ danh mục thoái vốn trên, các cấp quản lý cần thúc đẩy triển khai các phương án thoái vốn cụ thể, để giúp nhà đầu tư nhận diện rõ cơ hội đầu tư, trên cơ sở đó mới có thể hiện thực hóa kế hoạch mua hàng.

Cùng quan điểm, ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán An Phát cho rằng, để gia tăng tính hấp dẫn cho các cơ hội đầu tư, qua đó thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, điều quan trọng là các cấp quản lý nhà nước cần chốt tỷ lệ bán vốn ở tỷ lệ tối đa, đồng thời thông tin và kế hoạch thoái vốn phải minh bạch, công bằng, bên bán vốn phải thực sự cầu thị, tôn trọng, giữ chữ tín với bên mua, thì mới thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.

Ông Hà phân tích, cùng một thời điểm mà bán đồng loạt vốn tại 10-20 doanh nghiệp, nhưng tỷ lệ vốn bán ra thấp thì sẽ khó thu hút nhà đầu tư, có chăng chỉ là các nhà đầu tư tài chính tham gia, nên không giúp nhiều trong cải thiện chất lượng quản trị, cũng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp hậu thoái vốn.

“Thay vào đó, Nhà nước nên bán 3-5 doanh nghiệp trong cùng một thời điểm, nhưng tỷ lệ bán vốn ở mức tối đa, mà nếu nhà đầu tư mua được, họ có quyền kiểm soát doanh nghiệp, thì mới hấp dẫn nhà đầu tư bỏ lượng vốn lớn ra đầu tư. Điều này vừa giúp Nhà nước thoái vốn được giá, vừa giúp doanh nghiệp ‘làm mới’ chất lượng quản trị nhờ có cơ hội được làm chủ mới tại doanh nghiệp hậu thoái vốn, qua đó cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Hà khuyến nghị.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục