Nhà nhỏ, trải nghiệm lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sở hữu chỗ ở khang trang, ấm áp… là ước mơ của bao người lao động tại các thành phố lớn. Dù diện tích có thể rất nhỏ nhưng căn nhà đầu tiên nơi đất khách luôn chứa đựng những trải nghiệm, những kỷ niệm lớn đi theo suốt cuộc đời.
Hạnh phúc đong đầy khi có một chốn đi về của riêng mình nơi phố thị Hạnh phúc đong đầy khi có một chốn đi về của riêng mình nơi phố thị

1. Trừ số ít những người gia thế rất có điều kiện, gần như bất cứ ai từ mọi miền đất nước mới vào TP.HCM học tập, làm việc, trước khi mua một căn nhà đều có thời gian ở trọ. Có thể nói, ở trọ tại TP.HCM may rủi như một thương vụ xổ số, khi internet chưa phát triển, sinh viên tìm trọ chủ yếu quanh khu trường học, theo lời hướng dẫn của bạn bè, mấy "bà tám" đầu xóm hoặc những biển chỉ dẫn dán tòng teng trên các trụ điện.

Sau này nhờ app, mạng xã hội, việc tìm trọ trở nên dễ dàng hơn. Ấy vậy nhưng, lần đầu mới vào TP.HCM, sinh viên ai chẳng đôi lần phải đóng tiền "học phí" cho mấy chủ trọ làm ăn gian dối. Cho thuê nhà với những điều khoản mập mờ về tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh…, cuối cùng số tiền mỗi tháng mà sinh viên phải đóng cao hơn nhiều so với thỏa thuận trước đó, chủ yếu “bắt chẹt” tân sinh viên.

Cũng chính vì lẽ đó mà anh Luân (35 tuổi, quê ở Nam Định), vào TP.HCM sinh sống và làm việc được 9 năm thì đã chuyển trọ trên dưới 10 lần. Có nơi an yên, hàng xóm hòa thuận, đường phố sạch sẽ, chủ nhà không hạnh họe mà cuối tháng chỉ xuề xòa: "Bao giờ có tiền gửi cô sau", thì anh ở được hơn năm. Nhưng có nơi chuyển vào vài tháng, hàng xóm lục đục, nhậu nhẹt say xỉn, hát hò ầm ĩ suốt ngày suốt đêm…, cố gượng lắm thì sang tháng thứ 3 anh cũng đành “khăn gói lên đường”.

“Ở TP.HCM cũng như bao nơi khác thôi, ở trọ vẫn có chuyện này chuyện kia. Không vứt rác đầu hẻm, hay mất cắp vặt thì cũng gặp cảnh hàng xóm ở thiếu ý thức…; chưa kể nhiều khu vực tại thành phố này còn ‘đặc sản’ thường xuyên bị ngập mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường dâng cao”, anh Luân nói.

Nhớ lại những kỷ niệm khi ở trọ, anh Luân nói, có lần sống trong khu trọ của những lao động miền Tây, gần Khu chế xuất Tân Thuận. Khu đó có hơn 10 phòng gồm hai dãy. Lối đi ở giữa bốc mùi và chỉ đủ một xe chạy vào, muốn trở ra phải dẫn lùi chứ không thể quay đầu xe.

Cây quạt máy nhỏ xíu luôn được mở số lớn nhất chỉ làm không khí ngột ngạt của căn phòng giảm bớt. Chỗ nấu ăn và sàn nước ngay trước phòng vệ sinh, trên tường kê tấm gạch đựng bếp gas và nồi cơm điện. Phía dưới đặt kệ bếp chèn chật chén đĩa, bao gạo. Quần áo đi làm và rổ, nồi, xoong, chảo… được treo lên vách để tiết kiệm diện tích.

“Diện tích phòng nhỏ, không gian bí bách nên trong nhà lúc nào cũng ám mùi thức ăn, hay nồng nặc mùi xà phòng sau khi tắm giặt…”, Luân kể.

2. Mệt mỏi cảnh “ở tạm” với đủ thứ hỗn độn, Luân đặt quyết tâm phải “cày cuốc” để gom tiền mua một căn nhà riêng. Rồi đầu năm 2023, với số tiền tiết kiệm 600 triệu đồng trong tay, anh quyết định vay mượn thêm để mua căn hộ có diện tích 41 m2 thuộc một dự án tại TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Dù diện tích căn nhà không lớn nhưng cũng đầy đủ công năng. Thiết kế mở giữa phòng khách, bếp, khu vực ăn uống cùng với hệ thống kính rộng giúp cho không gian ngôi nhà luôn tràn ngập ánh sáng mặt trời. Không gian phòng khách được thiết kế đơn giản, nhẹ nhàng với cây xanh hiện hữu trong và ngoài cửa sổ.

Nối liền phòng khách là không gian nhà bếp và khu vực bàn ăn. Điều đáng chú ý ở căn hộ này chính là cách sử dụng tủ thấp với kiểu dáng dài nhưng đem lại không gian lưu trữ khá nhiều cho người sử dụng. Bên trong phòng ngủ tuy nhỏ nhưng khá thông thoáng và có hẳn một góc làm việc tiện nghi. Trần nhà còn được tận dụng để trang bị một hệ thống kệ để sách gọn gàng.

Khu vực khiến Luân ưng ý và dành nhiều tâm huyết để trang trí nhất chính là khu vực ban công. Nơi đây chỉ rộng hơn 5 m2 nhưng đủ để anh nghỉ ngơi, hóng gió và ngắm nhìn về Sài Gòn sau những giờ làm việc căng thẳng.

Ngoài ra, trải nghiệm mà chưa bao giờ Luân thấy được ở những khu trọ chính là có thể sử dụng tất cả tiện ích như: siêu thị, bể bơi, nhà hàng, thể thao, giải trí… chỉ trong vài bước đi.

Một ưu điểm rất dễ nhận thấy nữa đó là không gian chung rất sạch sẽ và trong lành. Việc dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc, cắt tỉa cây, diệt trừ côn trùng… được thực hiện thường xuyên. Đội ngũ bảo vệ cũng luôn túc trực 24/24, hệ thống camera an ninh trang bị khắp nơi… vì thế, những vấn đề như trộm cắp ít khi hoặc hầu như không còn xảy ra.

“Đến nay, tôi đã chuyển về đây ở được một năm. Hàng ngày đi làm có xa hơn một chút, tiền vay ngân hàng cũng chưa trả hết…, nhưng đây là động lực để tôi cố gắng hơn trong cuộc sống. Khi đã an cư, tôi tin mình sẽ vượt qua được những khó khăn và sóng gió ngoài kia sẽ dừng sau cánh cửa căn phòng dù chỉ vỏn vẹn 41 m2”, Luân tâm sự.

3. Những trường hợp như anh Luân không phải là hiếm gặp tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, song việc giảm giá nhà để người lao động nghèo có chỗ an cư nơi trung tâm là bài toán khó, nếu không nói là bất khả thi trong hoàn cảnh mọi thứ đều tăng, trừ lương như vài năm qua.

Trao đổi với người viết, một vị lãnh đạo doanh nghiệp rất tâm huyết với việc phát triển dự án để đáp ứng nhu cầu của các cặp vợ chồng trẻ tại các thành phố lớn cho hay, có rất nhiều khó khăn mà doanh nghiệp địa ốc gặp phải khi đề cập tới việc giảm giá thành sản phẩm. Bởi trên thực tế, các loại chi phí doanh nghiệp cần chi trả đều tăng cao qua mỗi năm.

Đơn cử như chi phí về đất. Chi phí này chiếm khoảng trên dưới 15% giá thành đối với dự án nhà chung cư; trên dưới 30% đối với dự án nhà phố; trên dưới 20% đối với dự án nhà biệt thự. Trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch hiện nay thường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khấu trừ khoảng trên dưới 70% chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã bỏ ra. Phần chi phí thực còn lại chưa được khấu trừ thì được coi là lợi nhuận và doanh nghiệp còn phải nộp thêm 20% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Chưa kể với "chi phí không tên" và giá trị các khoản này không hề nhỏ với các doanh nghiệp. Cuối cùng, chi phí này đều được tính vào giá bán mà khách hàng phải “gánh” khi mua nhà.

Vì vậy, để giá nhà phù hợp hơn với khả năng chi trả của nhóm khách hàng này thì các doanh nghiệp sẽ giảm diện tích căn hộ và tìm kiếm các khu vực xa trung tâm để phát triển dự án. Và đây đang là xu hướng nổi bật của thị trường chung cư trong năm vừa qua, đặc biệt là tại khu vực phía Nam.

Nhiều chuyên gia cho rằng, những nỗ lực giảm giá nhà đến mức gần như “tự cắt máu” của mình là nỗ lực lớn của các chủ đầu tư trong bối cảnh thị trường khó khăn, giá bất động sản neo cao. Và kết quả thật đáng ghi nhận khi trong quý IV/2023, doanh số bán hàng của nhiều doanh nghiệp đã có sự tăng trưởng rõ nét.

Ngoài ra, cũng theo các chuyên gia, bên cạnh xu hướng tìm đến các căn hộ có diện tích nhỏ, thì mức độ quan tâm của người mua và doanh nghiệp còn hướng đến các căn hộ được xây dựng ở khu vực ngoại thành, xa trung tâm. Điều này vừa giúp các chủ đầu tư có quỹ đất dồi dào hơn, vừa giúp người mua nhà bớt đi gánh nặng giá cả.

Điều quan trọng hơn cả là những người lao động tại các đô thị có chỗ ở khang trang, sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi. Nhà đúng nghĩa là nơi để về sau những bộn bề của cuộc sống, dù diện tích có nhỏ nhưng có trải nghiệm lớn.

Việt Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục