1. Cách đó vài tháng, khi công ty mà anh mới vào làm từ đầu năm quyết định giảm 1/2 lương cứng, thay đổi sang chế độ áp doanh số, anh cũng đã có tính toán tới việc nghỉ, bởi nếu làm tiếp cũng không dễ, mà chủ trương cắt giảm nhân sự cũng đã bắt đầu xuất hiện trong hệ thống công ty.
Anh làm ở mảng marketing, vì thế, dù anh không nghỉ thì nhiều khả năng nhóm anh cũng sẽ bị sa thải, bởi doanh số đang bắt đầu trượt giảm. Anh kể: “Kinh tế khó, mọi người cắt giảm những nhu cầu không thực sự thiết yếu và dễ hiểu lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp của mình không dễ cạnh tranh trong bối cảnh hiện tại”.
Thế nhưng, anh đã có kế hoạch từ trước, nên tâm thế cũng không thực sự là quá nặng nề như giai đoạn Covid. Thậm chí, anh đã nhận triển khai dự án ngoài cho một số doanh nghiệp khác nên thực sự không ảnh hưởng quá lớn câu chuyện tiền nong cho Tết năm nay.
Tuấn chia sẻ, dù dứt khỏi công việc, nhưng mọi thứ thực sự không quá tệ khi anh chuyển sang làm dạng freelancer (nghề tự do), gia đình vì thế cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Thậm chí, anh có thêm thời gian quý báu để nạp lại năng lượng cho bản thân và chăm sóc cho gia đình nhỏ của mình.
“Trước đây, mình chỉ nghĩ công việc là nhất, nhưng giờ hóa ra có nhiều thứ ý nghĩa hơn công việc”, Tuấn kể.
Anh tính năm nay có nhiều thời gian hơn, anh sẽ dùng khoản tiền tích lũy vài năm qua để đầu tư cho cuộc sống. Có thể xây lại căn nhà 2 tầng cũ mà vợ chồng anh cùng 2 đứa con đang sinh sống, hoặc có thể bán đi để chuyển sang chung cư, thay đổi môi trường sống khác. Đây là cách để anh “refresh” bản thân sau chuỗi ngày quay cuồng với công việc.
Tuấn kể, ngày xưa anh rất thích đi ăn uống với bạn bè, nhưng mấy năm qua thì vội vàng ăn cho xong để còn làm việc, vì thời gian không cho phép. Giờ, anh muốn trở lại ngày xưa.
2. Hôm nọ, rất hiếm hoi tôi mới hẹn được cuộc gặp với ông anh là một doanh nhân lớn ở Hà Nội. Sau gần 20 năm gây dựng sự nghiệp, anh đã đủ thứ: có nhà biệt thự trung tâm, các con học ở trường quốc tế... Bất cứ ai nhìn vào cũng đều thán phục xen lẫn ganh tị.
Nhưng không ai hiểu rằng, chính anh lại cảm thấy ngột ngạt và chán ngắt với cuộc sống của mình, khi phần lớn thời gian là ở trên ô tô, máy bay. Thậm chí, ăn không theo ý, mặc không theo mong muốn. Công việc bận rộn khiến nhiều lúc anh cảm thấy stress.
Gia đình, bạn bè không ít lần khuyên anh bớt tham việc để lo cho bản thân. Anh cũng có lúc tính chuyện buông bớt, nhưng rồi lại bảo phải xong dự án A, dự án B… và cứ thế, mãi chẳng bao giờ buông được.
“Thực sự là mình muốn buông lắm, nhưng mình mà buông thì hệ thống sẽ ra sao?”, nhấp ngụm cà phê, anh trầm ngâm.
3. Là người ngoài cuộc, tôi khó và thực ra cũng không đủ trải nghiệm để nhìn nhận và đánh giá quyết định hai người trên là đúng hay sai. Tìm kiếm hạnh phúc là nhu cầu chính đáng của mỗi người, nhưng đánh đổi lại là câu chuyện của kế sinh nhai, của trách nhiệm… và của rất nhiều thứ.
Nhưng với tôi, thành công xuất hiện từ những câu chuyện đời thường nhất, khi ta biết buông điều gì đó, biết thay đổi một điều gì đó, để dịch chuyển cuộc sống theo hướng ấm áp, chân thành. Đôi khi, đó có thể là sự kết nối lại với các thành viên trong cách xưng hô bố mẹ, vợ chồng trò chuyện, tương tác nhiều hơn, dành nhiều hơn thời gian cho con cái, thay vì cúi mặt vào điện thoại, máy tính tối ngày, hay có khi chỉ đơn giản là dành nhiều hơn thời gian để kết nối với bạn bè, đồng nghiệp...
Nhắc tới những điều này, tôi lại thích thú với cách xả stress của bà chị tôi quen, đó là dọn nhà và trang trí lại nhà cửa. Chị quan niệm: “Hạnh phúc bắt nguồn từ tổ ấm, và khi mình thoải mái trong chính ngôi nhà của mình, thì lúc đó mình đã bắt đầu hạnh phúc rồi đó”.
Tóm lại, hạnh phúc có lẽ đơn giản là một thái độ sống được bạn lựa chọn và thực hiện mỗi ngày, chứ không phải đích đến hay kết quả!