Nhà mạng rục rịch thử nghiệm 5G

Viettel, MobiFone, VNPT đang bắt đầu thử nghiệm triển khai công nghệ mới 5G tại Hà Nội và TP.HCM.
Mạng 5G kết nối vạn vật - hạ tầng quan trọng nhất của cách mạng công nghiệp 4.0. Mạng 5G kết nối vạn vật - hạ tầng quan trọng nhất của cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhà mạng “lên bệ phóng” 5G

Trong một diễn biến mới nhất, Viettel đã trở thành nhà mạng đầu tiên có giấy phép thử nghiệm mạng 5G. Giấy phép thử nghiệm 5G của Viettel có giá trị trong vòng 1 năm, từ ngày 22/1/2019 đến ngày 21/1/2020.

Theo Giấy phép số 26/GP-BTTTT, Viettel được thử nghiệm để đánh giá tính năng kỹ thuật và khả năng triển khai hạ tầng viễn thông sử dụng công nghệ di động thế hệ thứ 5 - IMT 2020. Phạm vi thử nghiệm 5G của Viettel là tại 2 thành phố là Hà Nội và TP.HCM. Quy mô thử nghiệm dịch vụ sẽ không vượt quá 73 vị trí.

Trong quá trình thử nghiệm 5G, Viettel sẽ không được thu cước của đối tượng tham gia thử nghiệm.

"Sau một năm thử nghiệm, Tập đoàn Viettel có trách nhiệm hoàn trả tài nguyên viễn thông được cấp phép thử nghiệm. Viettel cũng sẽ phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư, đồng thời báo cáo thường xuyên và đột xuất kết quả thử nghiệm theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông", Giấy phép số 26/GP-BTTTT ghi rõ.

Trong khi đó, thông tin từ MobiFone cho biết, MobiFone đã gửi văn bản lên Bộ Thông tin và Truyền thông, xin thử nghiệm 5G tại Hà Nội và TP.HCM để đánh giá về công nghệ và thị trường trước khi triển khai chính thức.

Ông Nguyễn Đăng Nguyên, phụ trách chức vụ Tổng giám đốc MobiFone cho biết, MobiFone đã đặt vấn đề xin cấp phép thử nghiệm 5G lên Bộ Thông tin và Truyền thông khá sớm, từ cuối tháng 9/2018. Sau đó, MobiFone đã nộp hồ sơ lên Bộ Thông tin và Truyền thông để xin phép thử nghiệm 5G. MobiFone đang làm việc với các nhà cung cấp thiết bị để chuẩn bị cho việc thử nghiệm này. Dự kiến, đầu quý II/2019, thiết bị 5G sẽ về Việt Nam và sau đó lắp đặt thử nghiệm.

Với VNPT, nhà mạng này đã chuẩn bị cho lộ trình triển khai thử nghiệm và kinh doanh 5G từ khá sớm. Hồi tháng 10/2018,  trong chương trình thăm và làm việc tại châu Âu, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, VNPT và Nokia đã ký hợp tác nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm triển khai công nghệ 5G, IoT. Dự án này dự kiến được thực hiện trong vòng 3 năm, với tổng giá trị khoảng 15 triệu USD.

Theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT, cuối năm 2018, VNPT đã trình hồ sơ lên Bộ Thông tin và Truyền thông cho mạng VinaPhone thử nghiệm 5G. Việc thử nghiệm này để VNPT làm chủ công nghệ và quy hoạch mạng lưới trong  thời gian tới. Bên cạnh đó, VNPT cũng thử nghiệm để chuẩn bị sản xuất các thiết bị mạng 5G.

Lựa chọn tần số nào?

Việc sử dụng băng tần nào cho 5G để làm sao vừa sử dụng hiệu quả, không lãng phí tài nguyên, đồng thời đáp ứng được nhu cầu lớn về 5G cho các doanh nghiệp là vấn đề đặc biệt quan trọng.

Trong giấy phép thử nghiệm, Viettel sẽ được sử dụng các đoạn băng tần 2.575 - 2.615 MHz, 3.700 - 3.800 MHz và 26.500 - 27.500 MHz để triển khai thử nghiệm theo quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia và các quy định về quản lý tần số vô tuyến điện.

“Việc chuẩn bị sớm có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà mạng, giúp nhà mạng sớm có sự chuẩn bị về thiết kế, thiết bị phù hợp, nhằm đáp ứng tần số mà Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến sử dụng cho 5G. Thế giới cũng có quy hoạch về băng tần 5G, ví dụ băng 2.300 MHz, thậm chí có băng 2.600 MHz, 3.500 MHz. Độ rộng của băng tần 5G lớn hơn rất nhiều so với 4G, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông rất khẩn trương để quy hoạch tần số, sẵn sàng chuẩn bị kế hoạch cho 5G”, ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Đăng Nguyên, công nghệ 5G có ưu điểm về độ trễ thấp, có tốc độ data vượt trội so với 4G. Vì vậy, việc thử nghiệm này là bước quan trọng để MobiFone đánh giá về công nghệ và thị trường trước khi triển khai cung cấp dịch vụ chính thức.

“MobiFone cũng đề nghị Bộ thông tin và Truyền thông cho phép các nhà mạng sử dụng băng tần mà các nước đang lựa chọn như 3.5 - 3.8 GHz, 26 GHz. Bên cạnh đó, MobiFone cũng nghiên cứu phát triển các sản phẩm, hệ sinh thái cho 5G để có thể khai thác hiệu quả các tính năng ưu việt của công nghệ mạng 5G”, ông Nguyên nói.

Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết, đơn vị này đang tích cực nghiên cứu, sẵn sàng cho triển khai 5G. Trên cơ sở được Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép, VNPT sẽ thực hiện thử nghiệm 5G trong năm 2019 với trên 200 trạm tại các tỉnh, thành phố lớn trên toàn quốc, sẵn sàng triển khai cung cấp dịch vụ thử nghiệm vào năm 2020 khi được cấp phép chính thức. 

Theo đại diện Cục Tần số vô tuyến điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), Bộ đã quy hoạch và bổ sung băng tần để phát triển 5G. Đó là một phần băng tần 700 MHz và các băng tần 3.500 MHz, 26.000 MHz. Trong đó, băng tần 3.400 - 3.800 MHz được nhiều nước đưa vào quy hoạch và thử nghiệm 5G. Tuy nhiên, tại Việt Nam, băng tần này đang được sử dụng cho vệ tinh viễn thông VINASAT-1, do vậy chưa thể sử dụng.

Chính vì vậy, dự kiến các băng tần để triển khai 5G tại Việt Nam trong giai đoạn đầu sẽ là 24.250 - 27.500 MHz và băng tần 14.270 - 15.180 MHz (đang được quy hoạch sẵn dành cho 4G và 5G); trong giai đoạn tiếp theo sẽ sử dụng băng tần 27.500 - 29.500 MHz.

Muốn đi đầu trong cách mạng 4.0 thì mạng 5G phải đi trước

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, mạng 5G là hạ tầng kết nối vạn vật - hạ tầng quan trọng nhất của cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam muốn đi đầu trong cách mạng 4.0 thì mạng 5G phải đi trước và đi đầu. Mạng lưới phải có trước, hạ tầng kết nối phải có trước, đầu tư trước kinh doanh sau, đây phải là triết lý kinh doanh của tất cả các nhà mạng.

Mạng 5G cho kết nối vạn vật của Việt Nam phải vào loại tốt nhất trên thế giới. Số lượng trạm BTS cho 5G sẽ phải lớn hơn rất nhiều so với các công nghệ trước đó. Do vậy, dùng chung hạ tầng, chia sẻ hạ tầng viễn thông với các hạ tầng điện, nước, giao thông là rất quan trọng để giảm chi phí xã hội.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục