NHNN tăng mạnh giá bán USD
Từ sau Tết Nguyên đán, tỷ giá trung tâm tăng rất mạnh. Tính tới giữa tuần này (ngày 19/2/2025), tỷ giá trung tâm đã tăng 291 VND, tương đương tăng 1,2% so với phiên giao dịch đầu năm. Nếu so với mức tăng 469 VND (1,97%) của cả năm 2024, đây là mức tăng đầy bất ngờ của tỷ giá trung tâm.
Giá USD bán ra của NHNN cũng tăng mạnh. Tại ngày 19/2/2025, giá USD bán ra tại Sở giao dịch NHNN là 25.782 VND/USD, tăng 1,3% so với đầu năm. Trước đó, từ ngày 11/2/2025, NHNN đã nâng giá bán USD theo sát tỷ giá trung tâm sau khoảng thời gian dài duy trì giá bán ở mức 25.450 VND/USD. Diễn biến của tỷ giá trong nước cũng trái chiều với xu hướng giảm giá của USD từ đầu năm đến nay (Chỉ số DXY giảm 2,2% từ đầu năm đến nay).
Sáng 19/2, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu: tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, tốc độ tăng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân lên 4,5 - 5%... Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho rằng, việc nâng mục tiêu kiểm soát CPI đã tạo thêm không gian cho điều hành chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, việc NHNN tăng tỷ giá trung tâm và tăng giá bán USD cho thấy, nhà điều hành chấp nhận mức mất giá cao hơn của VND nhằm tạo “hiệu ứng tin ra” để hạ nhiệt tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ tăng giá, đồng thời bảo vệ dự trữ ngoại hối (đang ở dưới ngưỡng khuyến nghị và hỗ trợ xuất khẩu).
Cũng theo các chuyên gia, trước Tết Nguyên đán, NHNN đã bơm ròng mạnh ra thị trường để hỗ trợ thanh khoản và “neo” giá bán USD ở mức 25.450 VND/USD để ổn định thị trường. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, tình hình thị trường đã khác, nên việc điều chỉnh tỷ giá trung tâm và giá USD bán ra là cần thiết.
Ông Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc WiGroup nhận xét, trước Tết, trong một thời gian dài, NHNN phải “ghìm” tỷ giá. Nếu tiếp tục ghìm, thì NHNN sẽ phải bán dự trữ ngoại hối, hút VND về, khiến ngân hàng tiếp tục chịu áp lực về thanh khoản. Do đó, diễn biến như hiện nay là vận hành khá đúng quy luật.
Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với biến động tỷ giá
Theo các chuyên gia phân tích, năm nay, áp lực tỷ giá sẽ rất lớn, không chỉ là áp lực từ bên ngoài mà còn từ trong nước. Trong bối cảnh các ngân hàng cần huy động lượng vốn lớn để phục vụ tăng trưởng, lãi suất huy động có nguy cơ tăng, gây áp lực lên tỷ giá.
Ngoài ra, việc NHNN chủ động điều chỉnh tỷ giá gần đây, ông Đinh Quang Hinh cho là nhằm phù hợp với các chỉ tiêu kinh tế sửa đổi gần đây.
Đầu tiên, việc điều chỉnh này có thể giúp điều tiết kỳ vọng thị trường. Cuối năm ngoái, việc chênh lệch giữa giá bán can thiệp 25.450VND/USD và tỷ giá “chợ đen” liên tục gia tăng đã thúc đẩy tâm lý găm giữ USD chờ tăng giá. Khi tăng giá bán can thiệp và tỷ giá trung tâm, NHNN đã để cho tỷ giá tăng lên trong kiểm soát, thúc đẩy hoạt động chốt lời của các vị thế găm giữ chờ tăng giá trước đó.
Bên cạnh đó, nới tỷ giá sẽ mở ra không gian để NHNN linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ. Cuối năm ngoái, khi áp lực tỷ giá tăng vọt sau đà tăng của Chỉ số DXY hậu bầu cử Tổng thống Mỹ, NHNN đã phải bán thêm khoảng 2,6 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong tháng 12. Giờ đây, việc NHNN chấp nhận một mức mất giá cao hơn trong kiểm soát của VND sẽ cho phép NHNN bảo vệ nguồn dự trữ ngoại hối, hiện dưới ngưỡng khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đồng thời hỗ trợ khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam.
“Nhìn chung, dù áp lực tỷ giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát ở thời điểm hiện tại, việc NHNN chủ động nâng tỷ giá trung tâm và giá bán can thiệp phản ánh nỗ lực của nhà điều hành trong việc điều chỉnh lập trường chính sách tiền tệ để phù hợp hơn với các chỉ tiêu kinh tế sửa đổi mới đây”, ông Đinh Quang Hinh nhận xét.
Trong bối cảnh tỷ giá năm 2025 có thể biến động mạnh hơn, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, doanh nghiệp phải có giải pháp phòng ngừa rủi ro.
Theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, để hạn chế thiệt hại do biến động tỷ giá gây ra, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, sử dụng các sản phẩm bảo hiểm rủi ro tỷ giá, lập quỹ dự phòng biến động rủi ro tỷ giá, thanh toán trước hạn các khoản vay bằng USD…
Trong khi đó, ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp cũng nỗ lực đa dạng hóa đồng tiền thanh toán, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng như sử dụng các sản phẩm phòng ngừa rủi ro ngoại tệ do ngân hàng cung cấp để giảm tác động tiêu cực do biến động tỷ giá mang lại.
Linh hoạt trong điều hành tỷ giá
- Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect
Việc Chính phủ trình Quốc hội nâng mục tiêu tăng trưởng lên ít nhất 8% đòi hỏi nhiều hỗ trợ từ cả chính sách tài khóa và tiền tệ. Bên cạnh đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát được nâng lên 4,5-5,0% cũng giúp tăng tính linh hoạt trong việc điều hành tỷ giá giai đoạn tới.
Về việc tăng giá bán USD can thiệp, mốc 25.450 VND/USD bán can thiệp trước đó vào năm 2024 nhằm kiềm chế VND không mất giá quá 5% so với đầu năm đã không còn phù hợp khi bước sang năm mới và định hướng tăng trưởng đã có nhiều thay đổi. Chúng tôi cho rằng, việc NHNN có động thái tăng tỷ giá trung tâm và nâng giá bán USD can thiệp nhằm đạt được cùng lúc nhiều mục tiêu.