Nhà đầu tư vẫn tự tin rót tiền vào chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà đầu tư vẫn có điểm tựa niềm tin để tiếp tục rót vốn vào các tài sản đầu tư, trong đó có chứng khoán.
Nhà đầu tư vẫn tự tin rót tiền vào chứng khoán

Với việc lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh, giới đầu tư toàn cầu xôn xao trước nỗi lo lạm phát quay lại. Theo đó, thị trường chứng khoán chịu những ảnh hưởng tiêu cực. Dù vậy, lạm phát có thể tăng nhưng không nhanh và mạnh như tín hiệu lợi suất trái phiếu Mỹ chỉ ra. Nền kinh tế đang phục hồi tích cực và chính phủ nhiều quốc gia đều đang dự tính những gói hỗ trợ quy mô lớn trong thời gian tới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2021 nhìn chung ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay.

Tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản được đẩy mạnh trong điều kiện tương đối thuận lợi. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng cao, tổng kim ngạch ước đạt 95,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,3 tỷ USD, tăng 25,9%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Trong đó, xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,3 tỷ USD, tăng 25,9%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Giải ngân vốn FDI ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ. Tình hình đăng ký doanh nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp...

Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh khiến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chịu những tác động tiêu cực, Việt Nam vẫn đang thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ người dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần đón bắt thời cơ, đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,5% năm 2021. Bên cạnh việc phát huy vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước, cần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và đầu tư công, trong đó công tác giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng phát triển lâu dài.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng cần rà soát, điều chỉnh các gói hỗ trợ hiện tại và sớm đề xuất gói hỗ trợ đợt 2 để giúp doanh nghiệp và người dân vượt khó, phát huy thế mạnh các trụ cột, đầu tàu tăng trưởng, nhất là Hà Nội, TP.HCM, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh trọng điểm khác ở miền Đông Nam Bộ.

Trên tinh thần này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp. Trước hết là thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đẩy mạnh việc mua và nghiên cứu vắc-xin; triển khai tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19. Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát.

Theo Bộ trưởng, dự báo dịch Covid-19 sẽ vẫn ảnh hưởng đến kinh tế thế giới trong ít nhất nửa đầu năm 2021 và cho đến khi việc tiêm chủng được phổ biến rộng rãi, do vậy, cần duy trì chính sách tiền tệ, tài khóa mở rộng; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và giá cả nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Với việc Việt Nam tập trung thực hiện các chính sách tăng trưởng kinh tế bên cạnh kiểm soát đại dịch, Fitch Solutions vừa nâng mức dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam từ 8,2% lên 8,6% trong năm 2021. Tổ chức xếp hạng toàn cầu này cho rằng, đà tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian qua được thúc đẩy nhờ sự hồi phục của toàn bộ nền kinh tế, nhưng mạnh mẽ nhất là ngành công nghiệp và xây dựng.

Bên cạnh đó, nhờ việc vắc-xin bắt đầu được đưa vào sử dụng trên toàn cầu, Fitch Solutions kỳ vọng 2021 sẽ chứng kiến nền kinh tế thế giới hồi phục, tạo điều kiện hơn nữa cho nhu cầu sử dụng hàng hoá. Đây là yếu tố rất tích cực với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do với châu Âu (EVFTA).

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục