Tài sản của nhiều quỹ đầu tư “bốc hơi”

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 khiến giá trị tài sản ròng của nhiều quỹ đầu tư cổ phiếu suy giảm, một số quỹ đang dịch chuyển cơ cấu tài sản sang trái phiếu.
Tài sản của nhiều quỹ đầu tư “bốc hơi”

Sự suy giảm về mặt điểm số cũng như thanh khoản trên thị trường chứng khoán khiến thị giá nhiều cổ phiếu nằm trong danh mục của các quỹ đầu tư cổ suy giảm.

Ðiều này dẫn đến giá trị tài sản ròng (NAV) của nhiều quỹ rơi vào tình cảnh liên tục giảm, hiện chưa biết đến khi nào mới thoát cơn “bĩ cực”, do tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.

Tại kỳ giao dịch ngày 6/3 so với nhiều mốc thời gian, giá trị tài sản ròng của Quỹ đầu tư cổ phiếu Techcom (TCEF) do Công ty cổ phần Quản lý quỹ Kỹ thương (Techcom Capital) quản lý có nhiều thời điểm giảm mạnh. Cụ thể, so với 2 năm trước, NAV của TCEF giảm 20,81%, so với 6 tháng trước giảm 2,45%, so với 3 tháng trước giảm 3,57%, so với 1 tháng trước giảm 1,37% và so với 1 tuần trước giảm 0,92%.

TCEF là quỹ mở, tập trung đầu tư vào cổ phiếu của các công ty đầu ngành, vốn hóa lớn. Tính đến ngày 6/3, tỷ trọng cổ phiếu FPT chiếm 17% tổng giá trị tài sản của Quỹ, tiếp đến là cổ phiếu VCB (11%), PPC (6,3%), PNJ (6%)...

Ngoài ra, TCEF giải ngân vào 2 trái phiếu doanh nghiệp gồm NPM11804 (ngành tài nguyên cơ bản) và VPL11810 (bất động sản) đều có tỷ trọng 5% tổng giá trị tài sản.

Giá trị tài sản ròng của cả hai quỹ đầu tư cổ phiếu do Công ty TNHH Quản lý quỹ Bảo Việt quản lý cũng trong tình cảnh suy giảm.

Tại kỳ giao dịch ngày 5/3, giá trị tàn sản ròng của Quỹ đầu tư cổ phiếu năng động Bảo Việt (BVFED) và Quỹ đầu tư cổ phiếu triển vọng Bảo Việt (BVPF) lần lượt giảm 0,54% và 4,53% so với tuần trước đó, lần lượt giảm 4,2% và 8,1% so với đầu năm.

Kinh nghiệm nhiều năm điều hành hệ thống quỹ đầu tư đa dạng của Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) cũng không giúp các quỹ đầu tư cổ phiếu do VFM quản lý thoát khỏi tình trạng suy giảm, dù danh mục đầu tư bao gồm cả trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, tại kỳ giao dịch ngày 9/3, giá trị tài sản ròng của Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFMVF1) giảm 5,77% so với 1 tuần trước đó và giảm 9,37% so với đầu năm.

Có mục tiêu đầu tư vào các doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề như năng lượng, vật liệu, khai khoáng, tài chính, ngân hàng, viễn thông, cơ sở hạ tầng, bất động sản, hàng tiêu dùng…, nhưng giá trị tài sản ròng của Quỹ đầu tư doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VFMVF4) tại kỳ giao dịch ngày 9/3 cũng giảm 6,67% so với kỳ giao dịch liền trước và giảm 12,27% so với đầu năm.

Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, phó tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ cho rằng, khó khăn của thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp, khó lường.

Ðiều này khiến nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ phải cơ cấu lại danh mục tài sản nắm giữ theo hướng giảm tỷ trọng tài sản có tính rủi ro cao là cổ phiếu, tạo sức ép giảm giá. Chỉ khi việc kiểm soát dịch trên phạm vi toàn cầu có kết quả rõ nét thì thị trường chứng khoán mới phục hồi.

Hiện tại, một số công ty quản lý quỹ đang tìm cách xoay xở để giảm thiểu những tác động tiêu cực.

“Cùng với cắt giảm tỷ trọng phân bổ tài sản vào quỹ đầu tư cổ phiếu, chúng tôi đang dịch chuyển tài sản sang các quỹ đầu tư trái phiếu trong bối cảnh nhu cầu tìm đến các tài sản ít rủi ro hơn của nhà đầu tư đang gia tăng. Chiến lược này giúp kìm hãm đà giảm giá trị tài sản ròng của quỹ đầu tư cổ phiếu, nhưng vẫn duy trì được lượng cơ cấu tài sản hợp lý để đón đầu cơ hội khi thị trường cổ phiếu phục hồi, đồng thời gia tăng cơ hội kiếm lời từ thị trường trái phiếu”, lãnh đạo một công ty quản lý quỹ chia sẻ.

Ðược biết, khối công ty quản lý quỹ cũng đang phân bổ tài sản đầu tư nhiều hơn vào các doanh nghiệp có chất lượng quản trị tốt, hiệu quả kinh doanh cao, nhất là tận dụng được cơ hội mới từ thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rọng trên phạm vi toàn cầu.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục