Nhà đầu tư Thái Lan tăng cường đầu tư ra nước ngoài bất chấp Covid-19

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Tại Việt Nam, Công ty Gunkul Engineering của Thái Lan đã bỏ ra 1,26 tỷ bạt (39,9 triệu USD) để tiếp quản nhà máy điện mặt trời Phong Điền II ở Thừa Thiên Huế.

Nhà đầu tư Thái Lan tăng cường đầu tư ra nước ngoài bất chấp Covid-19

Niềm tin đầu tư tăng cao dù Covid-19

Theo bản tin thị trường Thái Lan do Bộ Công Thương vừa cập nhật ngày 7/12, Thái Lan đang tăng cường đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt chú trọng phát triển lĩnh vực y tế và công nghệ sinh học. Động thái này nằm trong chiến lược đưa Thái Lan trở thành trung tâm phát triển công nghệ sinh học của ASEAN.

Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) đã phê duyệt các dự án đầu tư lĩnh vực y tế và công nghệ sinh học mới trị giá 56,4 tỷ bạt. Cụ thể, từ năm 2018 đến tháng 9/2020, BOI phê duyệt 129 dự án lĩnh vực y tế trị giá 30,8 tỷ bạt, 51 dự án lĩnh vực công nghệ sinh học trị giá 25,4 tỷ bạt và 26 dự án phòng thí nghiệm khoa học trị giá 1,9 tỷ bạt.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, có 65 dự án liên quan đến ngành y tế (14,7 tỷ bạt) và 7 dự án phòng thí nghiệm (351 triệu bạt) và 5 dự án công nghệ sinh học (649 triệu bạt) được các doanh nghiệp nộp hồ sơ chờ BOI phê duyệt.

Trong số các công ty nộp hồ sơ đề nghị được cấp ưu đãi về thuế, Công ty Baiya Phytopharm đã đầu tư 3,94 tỷ bạt vào phát triển công nghệ sinh học, mục đích sản xuất protein từ thực vật và xuất khẩu 70% sản lượng sản xuất ra. Công ty sử dụng cây thuốc lá giống Úc làm "vật chủ" để nuôi cấy protein, sau đó chiết xuất từ ​​lá của chúng và tinh chế. Protein này là tiền chất cho các ngành dược phẩm và mỹ phẩm.

Công ty Baiya Phytopharm cũng đang nghiên cứu vắc-xin phòng chống virus SARS-CoV-2. Nếu thành công, vắc-xin này sẽ được sử dụng tại Thái Lan vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022, công suất đạt 2 triệu liều/tháng và dự kiến bán với giá 500 bạt/liều.

Theo kết quả khảo sát của BOI, có đến 96% nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Thái Lan tin tưởng vào tiềm năng của đất nước và có kế hoạch mở rộng, hoặc ít nhất là tiếp tục duy trì các hoạt động đầu tư hiện tại. Điều này là nhờ các ưu đãi đầu tư hấp dẫn, chuỗi cung ứng công nghiệp phụ trợ mạnh và sự sẵn có của nguyên liệu thô cũng như linh kiện, phụ tùng.

Trong số 600 công ty được khảo sát, 19,33% cho biết họ có kế hoạch tăng đầu tư vào Thái Lan, trong khi 76,67% khác kỳ vọng sẽ duy trì mức đầu tư hiện tại.

Về mức độ tác động của dịch Covid-19, tỷ lệ doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng vẫn duy trì hoạt động là 63,17%; tỷ lệ doanh nghiệp bị tác động mạnh nhưng vẫn có thể tiếp tục hoạt động là 29,17%; số không bị ảnh hưởng, vẫn hoạt động như bình thường là 7,5%. Trong khi đó, chỉ có 0,17% ngừng hoạt động.

Về đầu tư nước ngoài và Thái Lan trong 9 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đăng ký đã giảm 15% so với cùng kỳ năm 2019, xuống còn 223,7 tỷ bạt (7,2 tỷ USD), do quy mô đầu tư của các dự án nhỏ hơn trong bối cảnh đầu tư toàn cầu giảm do dịch Covid-19. Các đơn đăng ký FDI đóng góp 60% tổng số dự án và 53% tổng giá trị cam kết đầu tư, dẫn đầu theo đối tác đầu tư là Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc).

Rót vốn vào lĩnh vực năng lượng mặt trời tại Việt Nam

Công ty Gunkul Engineering của Thái Lan đã bỏ ra 1,26 tỷ bạt (39,9 triệu USD) để tiếp quản nhà máy điện mặt trời Phong Điền II ở Thừa Thiên Huế. Giám đốc điều hành Sopacha Dhumrongpiyawut của Gunkul cho biết, Công ty đã trở thành cổ đông duy nhất của Công ty cổ phần Đầu tư Đoàn Sơn Thủy (DST) có trụ sở tại TP. Huế và sẵn sàng vận hành nhà máy điện mặt trời Phong Điền II với công suất 50 MW.

Bà Sopacha Dhumrongpiyawut chia sẻ, thương vụ M&A được ký kết vào tuần trước bao gồm việc mua 49% cổ phần từ Bangjak Green Energy Co, công ty con của BS Industry Service Co có trụ sở tại Bangkok và 51% cổ phần từ hai cổ đông cá nhân Việt Nam.

Việc mua lại cổ phần của Công ty Đoàn Sơn Thủy nằm trong chiến lược đầu tư lĩnh vực năng lượng mặt trời tại Việt Nam của Công ty Gunkul Engineering, đồng thời góp phần mở rộng hoạt động kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á và thúc đẩy tăng trưởng về quy mô tài sản cũng như hoạt động của công ty.

Bốn tập đoàn lớn của Thái Lan bao gồm B.Grimm Group, Amata Corporation, PTT và Global Power Synergy đã ký kết thỏa thuận phát triển khu công nghiệp rộng 800 km2 tại Myanmar.

Vai trò của B.Grimm là vận hành một nhà máy điện trong khu công nghiệp, cung cấp năng lượng chủ yếu tại khu công nghiệp và bán năng lượng dư thừa cho chính phủ Myanmar. Lĩnh vực kinh doanh điện của Tập đoàn B.Grimm sẽ là động lực chính mang lại doanh thu trong 8 năm tới, mục tiêu đặt ra đạt tổng doanh thu 150 tỷ bạt vào năm 2028.

B.Grimm điều hành các doanh nghiệp điện tại Thái Lan, Lào và Việt Nam, với hệ thống truyền tải điện ở Campuchia. B.Grimm hiện có tổng công suất đang hoạt động là 3.019 MW được cung cấp từ năng lượng mặt trời, dự trữ năng lượng cho kinh doanh điện và năng lượng từ chất thải.

Ông Hardld Link, Chủ tịch của B.Grimm cho biết, B.Grimm đang nghiên cứu tính khả thi của chiến lược tăng thêm 3.000 MW tại Việt Nam và hợp tác với một công ty Hoa Kỳ để cung cấp 2.000 MW. Ngoài ra, tập đoàn có kế hoạch triển khai hệ thống lưu trữ năng lượng trong các khu công nghiệp cho cả nhà máy hiện tại và nhà máy mới, cũng như liên doanh phát triển một nhà máy điện khí tự nhiên ở Malaysia.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục