Nhà đầu tư tha thiết với điện gió ngoài khơi

0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp đến từ Đan Mạch, Anh hay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đang rất hào hứng với dự án điện gió ngoài khơi.
Việt Nam có tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi. Việt Nam có tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi.

Vốn lớn chờ đầu tư

Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) vừa công bố ra mắt Quỹ Thị trường tăng trưởng II (GMF II) với mục tiêu huy động 3 tỷ USD nhằm phát triển 10.000 MW điện từ năng lượng tái tạo ngay tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), diễn ra ở Dubai.

Trọng tâm chính của quỹ này là phát triển và xây dựng các dự án điện gió, năng lượng mặt trời, lưu trữ năng lượng tại một số thị trường có tốc độ tăng trưởng cao ở châu Á, Mỹ La-tinh và châu Âu - Trung Đông - châu Phi (EMEA). Một số thị trường được nhắc tới là Việt Nam, Philippines, Ấn Độ…

GMF II cũng được coi là quỹ lớn nhất thế giới tập trung vào đầu tư năng lượng tái tạo. Được biết, CIP hiện quản lý 12 quỹ và đã huy động được khoảng 28 tỷ USD cho đầu tư vào năng lượng tái tạo, với danh mục 120.000 MW công suất ở nhiều loại hình công nghệ và khu vực địa lý. Trong số này, có hơn 50.000 MW là năng lượng gió ngoài khơi. Kế hoạch của CIP là đầu tư hơn 110 tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đến năm 2030.

Là một trong những thị trường trọng điểm được CIP nhắm tới, CIP đã thành lập công ty liên doanh và 2 văn phòng đại diện tại Việt Nam để nghiên cứu phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Trong đó, đáng chú ý nhất hiện nay là Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn, quy mô 3.500 MW tại tỉnh Bình Thuận, với tổng vốn đầu dự kiến là 10,5 tỷ USD.

Bởi vậy, trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP28, lãnh đạo của CIP cũng đã giới thiệu về dự án của mình tại Việt Nam với mong muốn đóng góp vào mục tiêu rất tham vọng của Việt Nam là đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Không chỉ CIP, Enterprize Energy (EE) - một tập đoàn đến từ Anh cũng đã bày tỏ với Thủ tướng Chính phủ sự mong chờ dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam có những động thái mới.

EE đã hợp tác với Societe Generale (Pháp), Vestas (Đan Mạch), ODE (Anh) để phát triển Tổ hợp Thăng Long Wind tại tỉnh Bình Thuận với 2 dự án cấu phần: Thăng Long Wind (TLW) để kết nối lưới điện quốc gia, công suất 3.400 MW, tổng mức đầu tư 11,9 tỷ USD; Thăng Long Wind 2 (TLW2) để sản xuất và xuất khẩu năng lượng hydrogen từ điện phân nước, tổng công suất 2.000 MW, tổng mức đầu tư 5 tỷ USD.

Trong khi đó, Tổng công ty Kỹ thuật dịch vụ dầu khí (PTSC) - thành viên của Petrovietnam có kế hoạch phát triển một dự án điện gió ngoài khơi ở khu vực Rà Rịa - Vũng Tàu, nhưng hướng vào xuất khẩu điện sang Singapore.

Ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc PTSC cho hay, mục tiêu của dự án này là xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi Bà Rịa - Vũng Tàu, với quy mô 2.300 MW, cùng đường cáp ngầm hơn 1.000 km.

PTSC đã trao đổi với đối tác phía Singapore từ cuối năm 2022 và tháng 2/2023 ký thỏa thuận phát triển dự án với Tập đoàn Sembcorp. Vào tháng 10/2023, Chính phủ Singapore đã phê duyệt chấp thuận có điều kiện cho dự án này. Mục tiêu được đặt ra là năm 2030-2032 sẽ đưa điện lên lưới Singapore.

Dù chưa tới bước lập báo cáo cụ thể, nhưng PTSC dự tính, quy mô vốn đầu tư của Dự án hơn 10 tỷ USD.

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Petrovietnam cho biết, điện gió ngoài khơi là một trọng tâm trong chuyển hướng chiến lược của Tập đoàn. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Tập đoàn đang xây dựng danh mục dự án điện gió ngoài khơi, báo cáo cấp có thẩm quyền; triển khai đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này; hợp tác với các tập đoàn lớn trên thế giới và trực tiếp đầu tư, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu về điện gió ngoài khơi, tiến tới tự chủ trong việc phát triển điện gió ngoài khơi.

Hành động nhanh gọn

Trong buổi gặp các nhà đầu tư quan tâm tới điện gió ngoài khơi là CIP và EE với sự có mặt của cả lãnh đạo Petrovietnam tại COP28, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao kinh nghiệm, năng lực của 2 tập đoàn nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và năng lượng mới, cũng như các đề xuất dự án cụ thể.

Đề nghị các tập đoàn tiếp tục đồng hành, hợp tác với Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, góp ý xây dựng, hoàn thiện chiến lược, thể chế, triển khai các dự án cụ thể trên cơ sở quy hoạch, với các chính sách ưu tiên phù hợp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng, cần phát triển đồng bộ cả về nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng điện hiệu quả và bảo đảm giá điện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, khả năng chi trả của người dân và doanh nghiệp, hài hòa với các ngành khác.

Thủ tướng cho rằng, dự án của các tập đoàn cơ bản phù hợp với Quy hoạch Điện VIII, đề nghị phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương và Petrovietnam để nghiên cứu, triển khai một cách có hiệu quả các dự án đầu tư cụ thể.

Ngoài ra, Thủ tướng cho biết đã giao Petrovietnam nghiên cứu xây dựng đường dây tải điện trên biển.

Quan điểm được Thủ tướng đưa ra là “hành động nhanh chóng, triển khai, hoàn thành nhanh, gọn, dứt điểm một số dự án, sau đó rút kinh nghiệm và mở rộng triển khai các dự án khác”.

Có 19 rủi ro được các bên liên quan thuộc khu vực tư nhân (nhà đầu tư, quỹ đầu tư) liệt kê cần lưu ý trong quá trình triển khai dự án điện gió. Trong đó, các nhà đầu tư đang chịu cả 19 rủi ro, bên cho vay chịu 14 rủi ro, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu 5 rủi ro và Chính phủ có 2 rủi ro.

Để thúc đẩy việc huy động vốn nước ngoài và thu hút đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, các rủi ro chính mà các nhà đầu tư cùng các bên cho vay trong nước cũng như quốc tế quan ngại nhất cần được ưu tiên trong việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu.

- Nghiên cứu của Ernst & Young Việt Nam

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục