Phát triển điện gió ngoài khơi gắn với nâng cao tỷ lệ nội địa hoá chuỗi cung ứng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dựa trên nghiên cứu của Tập đoàn CIP, tỷ lệ nội địa hóa tại một trang trại gió ngoài khơi của Việt Nam có thể đạt trên 40%. Theo đó, việc phát triển điện gió ngoài khơi sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Phát triển điện gió ngoài khơi gắn với nâng cao tỷ lệ nội địa hoá chuỗi cung ứng

Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) của Đan Mạch - một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới đã cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận phối hợp tổ chức Hội thảo “Bình Thuận: Triển vọng phát triển ngành điện gió ngoài khơi nhằm thúc đẩy kinh tế biển”.

Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu những cơ hội đem lại cho tỉnh Bình Thuận khi phát triển ngành điện gió ngoài khơi; những lợi ích về kinh tế – xã hội, tiềm năng phát triển chuỗi cung ứng và cơ hội việc làm; tiềm năng phát triển kinh tế biển song hành với các hoạt động hiện hữu như đánh bắt thủy hải sản, du lịch, bảo tồn hệ sinh thái và các hoạt động kinh tế biển khác.

Theo ông Stuart Livesey - Đại diện của Tập đoàn CIP tại Việt Nam, Tổng giám đốc Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn có công suất 3,5 GW, tỉnh Bình Thuận là một trong những khu vực có tiềm năng gió tốt nhất tại Việt Nam, có điều kiện đáy biển lý tưởng để lắp đặt móng tua bin gió cố định, đồng thời có tiềm năng phát triển các cảng biển và lưới điện quy mô lớn phục vụ khai thác năng lượng gió.

Ông Stuart Livesey - Đại diện của Tập đoàn CIP tại Việt Nam, Tổng giám đốc Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (Bình Thuận)

Ông Stuart Livesey - Đại diện của Tập đoàn CIP tại Việt Nam, Tổng giám đốc Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (Bình Thuận)

CEO CIP nhấn mạnh rằng việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi hứa hẹn sẽ tạo ra cơ hội việc làm chất lượng cao cho người lao động tại địa phương và trên cả nước, đem đến cơ hội chuyển giao các công nghệ tiên tiến, phát triển chuỗi cung ứng, giúp ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam ngày càng phát triển và nắm bắt được những cơ hội mới.

Dựa trên nghiên cứu của Tập đoàn CIP, tỷ lệ nội địa hóa tại một trang trại gió ngoài khơi của Việt Nam có thể đạt trên 40%. Ví dụ, với chi phí dự kiến khoảng 10,5 tỷ USD cho trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn, 4,4 tỷ USD sẽ được chi tiêu cho các hạng mục được thực hiện tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển và quản lý dự án, cung cấp phần móng, trạm biến áp trên bờ và ngoài khơi, cảng xây dựng, vận hành và dịch vụ bảo trì.

Tập đoàn CIP là một trong ba nhà phát triển điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới và là nhà đầu tư tập trung phát triển năng lượng tái tạo lớn nhất toàn cầu có trụ sở tại Đan Mạch. CIP hiện đang quản lý 11 quỹ đầu tư vào năng lượng tái tạo với tổng vốn huy động đạt 25 tỷ Euro và tổng công suất của các dự án đang được phát triển, xây dựng và vận hành đạt trên 50GW.

Với năng lực tài chính và kỹ thuật, cũng như kinh nghiệm sâu rộng đối với mọi giai đoạn trong quy trình phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, CIP có nhiều triển vọng hợp tác cùng các đối tác Việt Nam phát triển thành công các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn (trên 500 MW) trong nước.

Ngày 29/8/2023, CIP cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển thi công chế tạo móng monopile và kết cấu thép cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với Tập đoàn Đại Dũng, nhà cung cấp nguyên vật liệu địa phương.

“Qua kinh nghiệm triển khai nhiều dự án điện gió ngoài khơi trên thế giới, chúng tôi nhận thấy việc phát triển được chuỗi cung ứng nội địa là một trong những yếu tố quan trọng giúp đảm bảo hiệu quả triển khai và hiệu quả chi phí cho dự án, từ đó giúp giảm giá bán điện đến người tiêu dùng. Để góp phần vào sự phát triển bền vững của thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, CIP luôn mong muốn đồng hành cùng các đối tác và nhà cung cấp đủ năng lực để cùng thúc đẩy chuỗi cung ứng nội địa”, ông Stuart Livesey, đại diện của Tập đoàn CIP tại Việt Nam cho biết.

Tập đoàn CIP ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Đại Dũng

Tập đoàn CIP ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Đại Dũng

Tập đoàn Đại Dũng là nhà cung cấp các giải pháp kết cấu thép và cơ khí với gần 30 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành xây dựng hạ tầng công nghiệp và xuất khẩu tới hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Sở hữu 6 cụm nhà máy với công suất đạt 200 nghìn tấn/năm và đội ngũ nhân sự hơn 3 nghìn người, Tập đoàn Đại Dũng đã và đang cung cấp các sản phẩm cho các công trình, dự án lớn, tiêu biểu như Dự án trang trại điện gió ngoài khơi tại Đài Loan. Tại Việt Nam, Tập đoàn hiện đang có kế hoạch xây dựng các bến cảng chuyên dụng và nhà máy sản xuất phục vụ dự án điện gió ngoài khơi.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục