Nhà đầu tư sốt ruột với lộ trình T+0

(ĐTCK) Việc cho phép vừa mua, vừa bán chứng khoán trong ngày (T+0) là một trong những cơ chế giao dịch được quy định tại Thông tư 203/2015/TT-BTC, nhằm góp phần tăng tính thanh khoản trên TTCK Việt Nam, đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư, cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, 5 năm trôi qua, cơ chế này vẫn chưa được thực hiện trong sự sốt ruột của nhà đầu tư và nhiều thành viên thị trường. 

Công ty chứng khoán cũng… sốt ruột

Lãnh đạo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) từng cho biết, cơ quan quản lý có kế hoạch triển khai nghiệp vụ T+0 vào cuối năm 2019 hoặc năm 2020.

Năm 2020, TTCK gặp khó từ rủi ro khách quan đại dịch, hàng vạn nhà đầu tư thua lỗ, mất mát vì chứng khoán, nhất là khi cơ chế giao dịch vẫn áp dụng theo nguyên tắc mua hôm nay, 2 ngày sau mới bán được.

Lộ trình vừa mua, vừa bán chứng khoán trong ngày trở thành nỗi mong mỏi tha thiết hơn lúc nào hết của nhà đầu tư.

Về phía các công ty chứng khoán (CTCK), chia sẻ với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Tạ Minh Phương, Phó tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI) cho biết, TVSI là công ty đầu tiên triển khai hệ thống phần mềm quản lý của nước ngoài tại Việt Nam, cụ thể là giải pháp công nghệ đang được sử dụng phổ biến tại Thái Lan.

Hiện nay, thị trường Thái Lan đã triển khai cơ chế giao dịch T+0, nên nền tảng công nghệ của TVSI đã sẵn sàng cho việc triển khai giao dịch T+0.

Thực tế trong những năm qua, TVSI đã xây dựng môi trường thử nghiệm (tách biệt với hệ thống giao dịch của nhà đầu tư) sử dụng giao dịch T+0 để nghiên cứu các sản phẩm mới, đẩy nhanh quá trình thử nghiệm sản phẩm.

Tại CTCK Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích, nghiên cứu cho biết, BSC đã thành lập tổ dự án và phối hợp với nhà cung cấp giải pháp hệ thống giao dịch để làm rõ bài toán và sản phẩm liên quan đến giao dịch T+0.

Công ty cũng đã lên kế hoạch chỉnh sửa hệ thống đáp ứng cho giao dịch T+0. “Về mặt hệ thống công nghệ, chúng tôi đang chuẩn bị để sẵn sàng về cho việc số lượng giao dịch tăng lên gấp nhiều lần”, ông Long khẳng định.

Theo ghi nhận của phóng viên, nếu như cơ chế giao dịch T+0 nhà đầu tư mong một, thì các CTCK mong hai, vì nó có khả năng cải thiện thanh khoản, tăng hiệu quả hoạt động của khối tổ chức tài chính trung gian này.

Theo đó, nhiều CTCK đã chuẩn bị hệ thống, thực hiện nghiên cứu, đổi mới công nghệ, hạ tầng kỹ thuật để có thể thích ứng ngay khi T+0 được nhà quản lý cho phép triển khai.

Tuy nhiên, lịch trình cho ngày triển khai cụ thể giải pháp mua - bán cổ phiếu trong ngày trên TTCK Việt Nam vẫn chưa cụ thể.

Theo cảm nhận của nhà đầu tư Nguyễn Trọng Hùng (Vũng Tàu) thì rào cản thực hiện T+0 là không lớn, 2 vấn đề có thể là trở ngại là hệ thống và pháp lý thì đều đã có hoặc có thể giải quyết được.

Chỉ là cơ quan quản lý và các Sở, Trung tâm Lưu ký chứng khoán cần quyết tâm khớp nối các mắt xích để có thể vận hành được cơ chế này.

Cùng chung cảm nhận như trên, nhà đầu tư Nguyễn Kim Sáng (TP.HCM) cho biết, công nghệ đã đi rất xa so với 10 năm về trước, mà người mua cổ phiếu tại Việt Nam phải đợi đến 2 ngày sau mới được nhận cổ phiếu để bán là điều khó chấp nhận.

“Thực tế này đặt trong bối cảnh giá cổ phiếu biến động từng giây như hiện nay cho thấy, nhà đầu tư chịu quá nhiều rủi ro”, ông nói.

T+0, kỳ vọng nửa cuối năm 2020

Trong quan điểm của lãnh đạo VSD, để áp dụng được cơ chế mua-bán cổ phiếu trong ngày, vấn đề đáng quan tâm nhất là khả năng quản lý rủi ro về phía thành viên thị trường.

Thực tế cho thấy, có những trường hợp CTCK phải lùi thời hạn thanh toán hoặc loại bỏ thanh toán do kiểm soát không tốt khoản ký quỹ của khách hàng. Những trường hợp trên không ngoại trừ cả các CTCK hàng đầu Việt Nam.

VSD cũng cho biết, rủi ro mất khả năng thanh toán tiềm ẩn khi triển khai thực hiện giao dịch trong ngày là hiện hữu và cần được quan tâm, cân nhắc một cách thận trọng khi so sánh với lợi ích do giao dịch trong ngày mang lại.

Bản thân các thành viên thị trường phải xây dựng quy trình quản lý rủi ro một cách nghiêm túc, chặt chẽ, cũng như đảm bảo nguồn lực để thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho khách hàng trong trường hợp kiểm soát rủi ro không tốt.

Trong đánh giá của CTCK thì sao? Theo ông Phương, T+0 mang đến cho nhà đầu tư nhiều cơ hội khi dòng tiền chuyển động nhanh hơn, nhưng nó được đánh giá là cơ chế giao dịch phức tạp.

Do đó, việc kiểm soát giao dịch và an toàn thanh toán tại CTCK cần được thực hiện rất chính xác.

Trong giao dịch hiện tại vẫn xuất hiện những trường hợp phải sửa lỗi, thậm chí phải hủy giao dịch do không kiểm soát tốt số dư của khách hàng.

Với T+0, hậu quả của những lỗi này sẽ lớn hơn nhiều do có tính tác động dây chuyền. “Do đó, không chỉ là làm mới quy trình tại CTCK, hệ thống vay, cho vay chứng khoán tại VSD cần được mở rộng và hoàn thiện hơn để đáp ứng cho yêu cầu này”, ông Phương kiến nghị.

Ðại diện TVSI cho rằng, hệ thống quản lý số dư chứng khoán, số dư tiền của khách hàng cần được quản trị rủi ro chặt chẽ, đảm bảo chính xác và minh bạch với khách hàng.

Hệ thống giám sát giao dịch cũng phải đủ mạnh để phát hiện và ngăn chặn những giao dịch không đủ điều kiện, là nguồn gốc phát sinh rủi ro thanh khoản cho cả hệ thống.

Cũng với góc nhìn cẩn trọng, ông Long cho rằng, khi giao dịch T+0 được thực hiện, số lượng giao dịch của nhà đầu tư sẽ tăng lên đột biến.

Hiện nay, mua chứng khoán thì phải đến ngày T+2 hoặc T+3 khách hàng mới có thể bán, nếu áp dụng T+0, nhà đầu tư có thể bán ngay.

Thậm chí, đối với các nhà đầu tư chủ động (active trader), họ có thể mua bán nhiều vòng trong cùng một ngày. Vì thế, bản thân các CTCK phải đầu tư kỹ về mặt hệ thống bao gồm nâng cấp phần mềm và đầu tư hạ tầng để đáp ứng số lượng giao dịch có thể tăng mạnh so với hiện tại.

Triển khai giao dịch T+0 cần các giải pháp đối ứng với nhiều loại rủi ro, đặc biệt là rủi ro về nguồn tiền và nguồn cổ phiếu. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần mở nghiệp vụ tạo kho hàng cho CTCK để hỗ trợ khách hàng trong trường hợp cần thiết.

Về phía cơ quan vận hành thị trường, chia sẻ tại cuộc tọa đàm “Tương lai TTCK Việt Nam 2020” do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức cuối năm 2019, ông Lê Hải Trà, người phụ trách Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, năm 2020, bên cạnh công việc lớn của ngành là xây dựng 4 nghị định, 11 thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán mới, một công việc khác có khả năng tạo nên sự thay đổi trên toàn thị trường đó là đồng bộ hóa nền tảng công nghệ mới.

Hệ thống công nghệ được triển khai trên toàn TTCK được thực hiện theo gói thầu “Thiết kế, lắp đặt, cung cấp và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin”, ký kết năm 2016. Dự án do HOSE làm chủ đầu tư cùng với các đơn vị thụ hưởng là VSD, HNX, khi vận hành sẽ làm thay đổi toàn bộ hạ tầng về công nghệ thông tin.

Hiện nay, HOSE và các chủ thể đang trong giai đoạn kiểm thử, nếu mọi việc thuận lợi, nửa cuối năm 2020, hệ thống mới có thể được vận hành.

Ông Trà chia sẻ, tại nhiều sở giao dịch chứng khoán quốc tế, mỗi lần thay đổi hệ thống công nghệ lõi, thanh khoản thường tăng gấp đôi.

Thực tế này cũng được kỳ vọng sẽ diễn ra tại Việt Nam do kiến nghị T+0 của nhà đầu tư bị nén quá lâu và khung pháp lý cho việc này cũng đã mở từ… 5 năm trước.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục