Nhà đầu tư nước ngoài vẫn dõi theo thị trường Việt Nam

(ĐTCK) Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, các chuyên gia tài chính cho biết, dù có những thận trọng nhất định trước biến động thuế quan, song dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài vẫn đang tìm kiếm cơ hội trên thị trường Việt Nam.

Bà Vương thị Huyền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp Fast Capital

Bà Vương thị Huyền, Tổng giám đốc CTCP Giải pháp Fast Capital

Các nhà đầu tư FDI đang chờ đợi kết quả đàm phán thuế quan Mỹ - Việt Nam, chứ chưa bỏ đi, chưa chuyển hướng.

Dòng vốn FII có xu hướng trở lại với thị trường chứng khoán để tận dụng các cơ hội ngắn hạn, còn các thương vụ mua chiến lược để đầu tư dài hạn chưa thực sự khởi sắc mạnh mẽ.

Mặc dù các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, quy trình xin phê duyệt pháp lý kéo dài, Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài do vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế cao, tỷ giá ổn định, môi trường đầu tư được cải thiện và đi theo xu hướng phát triển bền vững.

Hiện Fast Capital vẫn nhận nhiều đề xuất gửi bán, tìm kiếm đối tác nước ngoài từ các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Các doanh nghiệp đánh giá cao các thông điệp từ cơ quan quản lý gần đây nhưng họ vẫn đang quan sát về khả năng thực thi để cải thiện niềm tin kinh doanh.

Ông Kim Hwan Kyoon, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Asam

Ông Kim Hwan Kyoon, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Asam

Vừa qua, chúng tôi là nhà đầu tư mua lượng lớn trái phiếu phát hành ra công chúng của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG. Nhà đầu tư Hàn Quốc có nhu cầu lớn với các tài sản đem lại thu nhập cố định cao hơn lãi suất tiết kiệm như trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.

Quỹ chúng tôi có thể huy động tầm 2.000 tỷ đồng giải ngân vào trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, nếu tìm được doanh nghiệp đạt các tiêu chí đề ra. Chúng tôi cũng tìm kiếm các cơ hội giải ngân mua cổ phiếu doanh nghiệp Việt Nam với quy mô 10 - 20 triệu USD/doanh nghiệp.

Hiện mối quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư chúng tôi vẫn là câu chuyện thuế quan Mỹ áp với Việt Nam. Các khách hàng của chúng tôi cũng như các tập đoàn lớn của Hàn Quốc cũng không là ngoại lệ. Quá trình xem xét thúc đẩy đầu tư có thể phải chờ đợi và chậm hơn một chút.

Còn việc chuyển dịch sản xuất tại Việt Nam sang các địa điểm khác, tôi nghĩ là không dễ diễn ra, đặc biệt khi so sánh các yếu tố về môi trường đầu tư và nguồn nhân lực.

Ông Michael Kokalari Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital

Ông Michael Kokalari Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68 - một chỉ thị quan trọng, được kỳ vọng sẽ tạo sự thay đổi lớn trong định hướng phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Nghị quyết này đã xác định rõ, kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân”. Đây là bước tiến đáng kể so với các quan điểm trước đó, khi kinh tế tư nhân thường chỉ được nhìn nhận là “một thành phần” hoặc “một bộ phận quan trọng” của nền kinh tế.

Một điểm đáng chú ý trong Nghị quyết là mục tiêu phát triển 20 doanh nghiệp lớn vào năm 2030, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa. Mô hình này lấy cảm hứng từ Hàn Quốc, nơi các chaebol như Samsung hay Hyundai đã trở thành trụ cột phát triển quốc gia. Việt Nam kỳ vọng rằng, việc hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn hoạt động hiệu quả sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra việc làm chất lượng cao và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trước các biến động.

Nghị quyết 68 tạo động lực cho các quỹ đầu tư tăng cường đầu tư vào khu vực tư nhân, hỗ trợ các mục tiêu của Chính phủ. VinaCapital, với hơn 20 năm kinh nghiệm về đầu tư vào cổ phần tư nhân, đã thực hiện các khoản đầu tư chiến lược vào nhiều doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp này trở thành các tập đoàn hàng đầu như Kido, Hòa Phát... sẽ tiếp tục tìm kiếm và mở rộng các cơ hội đầu tư cổ phần tư nhân, cung cấp vốn để các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô hoạt động và thúc đẩy tăng trưởng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FinPeace

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP FinPeace

Hiện tượng khối ngoại quay lại mua ròng với giá trị đáng kể, hơn 5.100 tỷ đồng trong tháng 5/2025 là một diễn biến tích cực, đánh dấu tín hiệu đảo chiều đầu tiên sau hơn hai năm dòng vốn ngoại liên tục rút ròng khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng hoạt động giao dịch của khối ngoại ở thời điểm hiện tại đã trở nên cân bằng hơn, với các phiên mua và bán xen kẽ, thay vì xu hướng mua ròng liên tục. Vì vậy, mặc dù số liệu mua ròng trong tháng 5 là một tín hiệu tích cực, nhưng vẫn còn quá sớm để kết luận rằng dòng vốn ngoại đã chính thức đảo chiều một cách bền vững.

Xu hướng dòng vốn ngoại quay trở lại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, đang được thúc đẩy bởi một số yếu tố vĩ mô và vi mô quan trọng, phản ánh bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay. Trước hết, nhịp điều chỉnh sâu của các thị trường chứng khoán mới nổi, bao gồm Việt Nam, trong thời gian gần đây đã tạo ra cơ hội mua vào ở mức giá hấp dẫn. Các thông tin tiêu cực liên quan đến thuế quan, dù gây áp lực ngắn hạn, lại vô tình đưa các chỉ số thị trường về vùng định giá thấp, kích thích dòng vốn ngoại quay trở lại để tận dụng cơ hội đầu tư dài hạn.

Thứ hai, diễn biến trên thị trường chứng khoán Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng. Hiện tại, các chỉ số chính của Mỹ đang giao dịch quanh vùng đỉnh lịch sử, khiến nhà đầu tư đối mặt với rủi ro định giá cao và triển vọng lợi nhuận hạn chế. Đồng thời, các báo cáo kinh tế gần đây cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức, với xác suất suy thoái kinh tế tăng cao trong bối cảnh lãi suất duy trì ở mức cao và áp lực lạm phát chưa hoàn toàn được kiểm soát. Trong bối cảnh này, các nhà đầu tư quốc tế có xu hướng dịch chuyển một phần dòng vốn từ thị trường Mỹ sang các thị trường mới nổi, nơi cung cấp tiềm năng tăng trưởng cao hơn với mức định giá hợp lý hơn.

Thứ ba, sự suy yếu của chỉ số DXY (chỉ số đo lường sức mạnh của USD) cũng là một yếu tố quan trọng. Khi đồng USD mất giá, áp lực tỷ giá đối với các đồng tiền của các quốc gia mới nổi, bao gồm Việt Nam, giảm đáng kể. Điều này không chỉ làm tăng sức hấp dẫn của các tài sản tài chính tại các thị trường này mà còn giúp cải thiện niềm tin của các quỹ đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, sự ổn định tương đối của chính sách tiền tệ tại các thị trường mới nổi, kết hợp với triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực của Việt Nam - được hỗ trợ bởi các yếu tố như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tiêu dùng nội địa – cũng góp phần tạo nên sức hút đối với dòng vốn ngoại.

Tóm lại, dòng vốn ngoại quay trở lại Việt Nam và các thị trường mới nổi khác là kết quả của sự kết hợp giữa cơ hội định giá hấp dẫn, rủi ro gia tăng tại các thị trường phát triển như Mỹ và sự cải thiện của các yếu tố tỷ giá. Tuy nhiên, để xu hướng này trở nên bền vững, cần có thêm các tín hiệu tích cực từ môi trường kinh tế toàn cầu và sự ổn định trong chính sách nội tại của các quốc gia mới nổi.

Ông Phạm Lê Duy Nhân, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF)

Ông Phạm Lê Duy Nhân, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF)

Việc khối ngoại mua ròng trở lại gần đây phản ánh xu hướng chung của dòng tiền quay trở lại các thị trường mới nổi châu Á, khi rủi ro thuế quan Mỹ tạm lắng và chỉ số USD-Index giảm. Tuy nhiên, tôi cho rằng, còn quá sớm để kết luận dòng tiền nước ngoài sẽ quay trở lại thị trường Việt Nam một cách ổn định và bền vững.

Những rủi ro vĩ mô vẫn hiện hữu, đặc biệt là các cuộc đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ vẫn chưa có kết quả chính thức, dù chúng tôi nhận thấy đã có nhiều tiến triển tích cực. Việc Việt Nam có được mức thuế như thế nào trong tương quan so với các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ là yếu tố then chốt.

Để dòng vốn ngoại quay trở lại Việt Nam một cách ổn định và bền vững, sự bất định trong các chính sách thương mại của Hoa Kỳ phải giảm đi. Bên cạnh đó, những yếu tố nội tại của thị trường Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng. Có thể thấy, sau nhiều nỗ lực và thời gian, viễn cảnh Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn FTSE đã đến rất gần, dù thời điểm chính xác vào tháng 9/2025 vẫn chưa chắc chắn. Điều này trước mắt sẽ thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài đang theo dõi chỉ số này.

Thứ hai, những cải cách thể chế sâu rộng của Việt Nam nhằm tăng cường nội lực được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế nói chung và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp nói riêng trong kỷ nguyên sắp tới. Điều này sẽ làm gia tăng đáng kể sức hấp dẫn của cổ phiếu Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Việc chú trọng phát triển kinh tế tư nhân cũng được mong đợi sẽ làm tăng cả chất lượng lẫn số lượng các doanh nghiệp niêm yết.

Thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn chưa phản ánh đúng cấu trúc nền kinh tế, khi tỷ trọng các cổ phiếu ngân hàng và bất động sản chiếm tới 50 - 60% trọng số trong rổ chỉ số thị trường. Việc thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh và đại chúng hóa sẽ gia tăng đáng kể tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Thủy Anh – Hải Vân thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục