Điều gì đang xảy ra với dòng vốn FDI vào TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
TP.HCM đang mất lợi thế thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vì thiếu quỹ đất công nghiệp và thủ tục hành chính chậm được giải quyết, khiến nhà đầu tư e ngại.
TP.HCM sẽ có thêm quỹ đất để thu hút nhà đầu tư nếu sớm tháo gỡ được giá thuê đất tại Khu công nghiệp Hiệp Phước. Trong ảnh: Khu công nghiệp Hiệp Phước 1&2 TP.HCM sẽ có thêm quỹ đất để thu hút nhà đầu tư nếu sớm tháo gỡ được giá thuê đất tại Khu công nghiệp Hiệp Phước. Trong ảnh: Khu công nghiệp Hiệp Phước 1&2

Vốn FDI vào TP.HCM giảm mạnh

Số liệu công bố của UBND TP.HCM cho thấy, năm 2024, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Thành phố chỉ đạt 2,2 tỷ USD, giảm 39,5% so với năm 2023.

Trong đó, dự án cấp mới dù có đến 1.285 dự án, tăng 14,7% so với năm trước nhưng vốn đăng ký đạt 475 triệu USD, giảm 18,3% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, số vốn FDI thông qua góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp chỉ là 1,27 tỷ USD, chỉ bằng 49,2% về vốn so với năm 2023.

Mặc dù TP.HCM vẫn là địa phương thu hút đầu tư nước ngoài đứng đầu cả nước với tổng số vốn đầu tư lũy kế là 58,45 tỷ USD, nhưng số liệu thu hút FDI đang có xu hướng giảm dần qua từng năm.

Điều gì đang diễn ra trong công tác thu hút vốn FDI của TP.HCM, khi mà Thành phố đã thay đổi chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung vào các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao?

Nguyên do vì đất...

Thực tế, sự chững lại và giảm dần của dòng vốn FDI vào TP.HCM không nằm ngoài dự đoán của giới đầu tư. Quỹ đất công nghiệp ở TP.HCM cạn kiệt, thiếu các khu công nghiệp mới là nguyên nhân từng được bàn đến.

Theo số liệu công bố của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza), Thành phố được quy hoạch gần 6.000 ha đất công nghiệp, nhưng có tới 1.500 ha vướng mắc về pháp lý hoặc giải phóng mặt bằng.

Tại Khu Công nghệ cao Thành phố, quỹ đất để thu hút các dự án thuộc lĩnh vực điện tử, vi mạch, bán dẫn chỉ khoảng 0,5 - 3 ha cho mỗi dự án. Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Hepza thừa nhận, con số này quá thấp so với nhu cầu của nhà đầu tư. Trong khi đó, các khu công nghiệp hiện hữu đã dần lấp đầy, hoặc chưa ký được hợp đồng thuê đất với Nhà nước cho diện tích đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng và diện tích đang bồi thường, nên quỹ đất còn lại vẫn chưa đưa vào sử dụng.

Hiện Hepza đang đẩy nhanh tiến độ làm thủ tục chuẩn bị đầu tư Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I (379 ha) và Phạm Văn Hai II (289 ha) tại huyện Bình Chánh để có quỹ đất thu hút các dự án lớn. Ngoài ra, nếu tháo gỡ được giá thuê đất tại Khu công nghiệp Hiệp Phước sớm, thì TP.HCM sẽ có thêm quỹ đất để thu hút nhà đầu tư.

Nhưng đó là nếu...

Và vì thủ tục

Ở góc độ các nhà đầu tư, chậm tháo gỡ các thủ tục hành chính là vấn đề đáng lo ngại hơn cả.

Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM khẩn thiết đề nghị Thành phố sớm ra quyết định chấp thuận chủ trương gia hạn đầu tư đối với Dự án của Mercedes-Benz vì chỉ còn 4 tháng nữa dự án hết hạn thuê đất. Dù việc này đã được Chính phủ chấp thuận từ ngày 25/9/2024, nhưng đến giữa tháng 12/2024, Công ty vẫn chưa hoàn tất được các thủ tục cần thiết.

Tương tự, Công ty TNHH Castrol BP Petco đã phải đợi hai tháng kể từ khi làm thủ tục đăng ký điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để gia hạn thời gian thực hiện dự án, từ giữa tháng 10/2024, không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ các cơ quan tham mưu của UBND TP.HCM.

Trong văn bản gửi UBND TP.HCM vào ngày 3/12/2024 vừa qua, Công ty TNHH Castrol BP Petco khẩn thiết đề nghị UBND TP.HCM hỗ trợ đẩy nhanh quá trình xử lý hồ sơ xin gia hạn Dự án.

Tại Hội nghị đối thoại giữa Chính quyền TP.HCM với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JCCH) vào tháng 12/2024, các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục phàn nàn về việc chậm giải quyết các thủ tục hành chính.

Ông Nakagawa Motohisa, Phó chủ tịch kiêm Trưởng ban Môi trường kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JCCH) cho biết, doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ tại Thành phố khi xin giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ thứ hai trở đi vẫn bị các cơ quan thực hiện yêu cầu kiểm tra kinh tế. Trong khi theo điều khoản liên quan đến đầu tư dịch vụ của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam sẽ bãi bỏ yêu cầu về kiểm tra kinh tế từ ngày 14/1/2024.

Tình trạng này, theo ông Nakagawa Motohisa, đang làm khó nhà đầu tư.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục