Tuần qua, nhà đầu tư Kinderworld (Singapore) đã chính thức nhận giấy chứng nhận đầu tư để triển khai Dự án Khu giáo dục kỹ năng sống Outward Bound Việt Nam và Du lịch sinh thái tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Dự án có quy mô không quá lớn về vốn đăng ký (chỉ 17 triệu USD, và được xây dựng trên diện tích 24,87 ha đất), song có thể nói, động thái này đã tiếp tục đánh dấu bước đi của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.
Theo kế hoạch, Dự án Khu giáo dục kỹ năng sống sẽ được phát triển thành một trường giáo dục kỹ năng sống đầu tiên và điển hình tại Việt Nam, sau khi đã được triển khai thành công tại 30 quốc gia trên thế giới.
“KinderWorld cam kết triển khai Dự án vào quý III/ 2015, đem lại các dịch vụ giáo dục chất lượng cao không chỉ cho người dân Vĩnh Phúc, mà còn cho người dân Việt Nam nói chung và các nước lân cận”, ông Tan Teck Yong, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KinderWorld nói.
Nhưng không chỉ với Dự án Khu giáo dục kỹ năng sống, ông Phùng Quang Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc không giấu giếm mong muốn KinderWorld tiếp tục đầu tư tại địa phương Dự án Trường liên cấp quốc tế Việt Nam - Singapore và Dự án Trường đại học
Pegasus mà KinderWorld đã từng đến Vĩnh Phúc để khảo sát địa điểm, tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Không khó hiểu khi ông Hùng và các lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc hoan nghênh dự án này. Khu giáo dục kỹ năng sống là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên trong lĩnh vực giáo dục tại Vĩnh Phúc. Một khi giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, có sự xuất hiện của các nhà đầu tư nước ngoài, thì những kỳ vọng đào tạo nguồn nhân lực đẳng cấp quốc tế được đặt ra.
Cho đến nay, KinderWorld là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu đầu tư vào lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam. Mấy năm gần đây, KinderWorld liên tiếp có các chuyến khảo sát để đầu tư vào lĩnh vực giáo dục ở một số địa phương tại Việt Nam. Mới đây, hồi tháng 7/2014, KinderWorld, thông qua Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Pegasus, đã được UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận về nguyên tắc đầu tư xây dựng Trường đại học quốc tế Pegasus để đào tạo và đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch và khách sạn.
Dự án dự kiến có tổng mức đầu tư gần 316 tỷ đồng (tương đương gần 16 triệu USD), được xây dựng trên diện tích hơn 6 ha tại Khu đô thị Mỹ Gia (xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang).
Trong khi đó, cũng trong tuần trước, ngay sau khi nhận được sự chấp thuận của Chính phủ, tỉnh Hưng Yên đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Trường đại học Y khoa Tokyo. Dự án do Học viện Y khoa Tokyo (Nhật Bản) cùng một số đối tác đầu tư, với vốn đầu tư dự kiến trên 400 tỷ đồng (20 triệu USD), quy mô đào tạo khoảng 1.500 sinh viên. Đây là dự án có vốn FDI hoạt động theo mục đích kinh doanh thông thường, chứ không phải như một số trường được đầu tư xây dựng dựa trên cam kết hợp tác của Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nhật Bản, hay Chính phủ Đức...
Cũng tại Hưng Yên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Graeme Davies, Hiệu trưởng Đại học Anh quốc tại Việt Nam (British University Vietnam - BUV) cho biết, BUV đã chính thức nhận giấy chứng nhận đầu tư cơ sở BUV tại Ecopark hồi tháng 7 vừa qua, với vốn đầu tư 60 triệu USD, và đang nỗ lực tiến hành các bước cần thiết để xin giấy phép xây dựng.
“Ngay khi có giấy phép xây dựng, chúng tôi sẽ triển khai Dự án, để đến cuối năm 2016 sẽ đưa cơ sở này đi vào hoạt động”, ông Graeme Davies cho biết.
Chính thức có mặt tại Việt Nam từ cuối năm 2009 và vừa trao bằng tốt nghiệp cho khóa đào tạo thứ hai vào đầu tháng 10/2014, BUV đang kỳ vọng phát triển mạnh mẽ hơn nữa hoạt động của mình tại Việt Nam - thị trường được Đại học Anh quốc đánh giá là rất có tiềm năng phát triển. Hiện BUV là trường đại học chính thức duy nhất tại Việt Nam được phép thực hiện đào tạo các chương trình học chuẩn của Đại học London
(University of London - UoL, thuộc Top 5 trường đại học hàng đầu tại Anh) và Đại học Stafforshire - trường đại học thu hút nhiều sinh viên châu Á nhất theo học ngành kinh tế tại châu Âu.
“Không hề có vấn đề gì về tài chính. Chúng tôi đã hoàn toàn sẵn sàng cho việc xây dựng cơ sở mới và cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam, vì chúng tôi hiểu rằng, đầu tư cho giáo dục là đầu tư lâu dài và đầu tư cho tương lai”, ông Graeme Davies nhấn mạnh.
Không bình luận về xu hướng ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam, song ông Graeme Davies cho biết, BUV và đối tác Malaysia của mình cũng đang xem xét một kế hoạch đầu tư cho giáo dục khác ở Đà Nẵng. Động thái này cho thấy, giáo dục đang thực sự nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Xu hướng đang trở nên tích cực hơn, song quan điểm từ các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, vẫn còn nhiều cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư lĩnh vực này cần tiếp tục sửa đổi để tạo thuận lợi hơn trong thu hút FDI.