Nhà đầu tư nước ngoài đưa ra nhiều đề nghị khó với TTCK Việt Nam

(ĐTCK) Nhiều đề nghị không dễ thực hiện với TTCK Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp sáng 2/12. 
Ảnh Internet Ảnh Internet

Trong đó, có những việc như nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, cho phép phát hành chứng chỉ không có quyền biểu quyết, công khai danh sách các DNNN thuộc diện phải cổ phần hóa, có chế tài giám sát và thực hiện nghiêm Quyết định 51/2014/CP-TT về việc đưa DNNN sau cổ phần hóa lên sàn, công khai báo cáo tài chính của Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước… Trong những kiến nghị này, các nhà đầu tư đặc biệt mong muốn việc thị trường có thêm nhiều DN lớn, sẽ tăng quy mô và có thể tạo động lực thu hút thêm các dòng vốn quốc tế vào Việt Nam.

Đây là cơ hội hiếm có vì không dễ để những đề nghị thẳng thắn của cộng đồng nhà đầu tư được gửi đến lãnh đạo cao nhất của Chính phủ cũng như các bộ, ngành có liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương… Dễ thấy, phần lớn các đề nghị trong số trên đều vượt khỏi tầm thực hiện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Tham dự Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận xét rằng, đây là cuộc đối thoại thẳng thắn và xây dựng. Các ý kiến của cộng đồng nhà đầu tư sẽ được Chính phủ tiếp thu hợp lý để bổ sung, sửa đổi thể chế luật pháp trong quản lý điều hành cho sát với thực tế hơn, với tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN phát triển.

Cũng tại Diễn đàn này, nhiều thông điệp quan trọng về kinh tế 2015 đã được Thủ tướng đưa ra trước cộng đồng các nhà đầu tư. Trước hết là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, vững chắc hơn, tỷ giá, lãi suất sẽ được kiểm soát ổn định. Đặc biệt, nếu như năm nay, lạm phát của cả nước ở mức dưới 3%, sang năm Chính phủ  sẽ chủ động kiểm soát lạm phát ở mức 5%, để tạo thuận lợi cho kinh tế phát triển. Với động thái này, rất có thể chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được nới lỏng, tiền ra thị trường nhiều hơn. Mặt khác, Chính phủ cũng đặt mục tiêu giảm bội chi từ 5,3% xuống 5%.

Kế hoạch dài hạn về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam đã được Thủ tướng đưa ra cụ thể, rõ ràng. Năm 2014, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trên 5,9%, năm 2015 khoảng 6,2% và 5 năm tới từ 2016-2020 sẽ tăng trưởng mức cao hơn với 6,5-7%/năm. Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung sức chỉ đạo, quản lý để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Trong đó, tập trung phát triển mạnh các thị trường như vốn, bất động sản, lao động… Tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Ngay đầu năm 2015, Việt Nam sẽ ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác nước ngoài để chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế quốc tế.

Từ cuộc đối thoại này, cộng đồng nhà đầu tư có thêm thông tin để thấy rằng, nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm tới sẽ tiếp tục ổn định và có những bước tiến triển lạc quan hơn so với năm 2014. Thị trường vốn tiếp tục là một trong những mối quan tâm của Chính phủ. Một nhà đầu tư nước ngoài nói với ĐTCK rằng, sau cuộc họp này, họ kỳ vọng rằng, chỉ cần một số trong những đề nghị chính sách nêu trên được thực hiện, TTCK Việt Nam sẽ có diện mạo mới.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục