Nhà đầu tư ngoại chỉ có thể mua thêm 6 tỷ USD vào doanh nghiệp niêm yết

(ĐTCK) Hầu hết các kiến nghị của Nhóm công tác Thị trường vốn, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2014 không mới. Đặc biệt, "món nợ" nới room ngoại đã được các doanh nghiệp nước ngoài đề cập.
TTCK Việt Nam chỉ thu hút được khoảng 150 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, một con số rất khiêm tốn so với hơn 10 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp TTCK Việt Nam chỉ thu hút được khoảng 150 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, một con số rất khiêm tốn so với hơn 10 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp

Giới đầu tư đang chờ những hành động mới của các cấp quản lý để giải quyết những kiến nghị còn tồn trong những kỳ VBF gần đây, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian tham dự VBF, lắng nghe ý kiến của cộng đồng NĐT, đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt tháo gỡ các bất cập, vướng mắc.

“Món nợ” nới room

Nhóm công tác Thị trường vốn cho điểm 0 đối với cả 3 kiến nghị quan trọng, đã được nêu ra trong những kỳ VBF gần đây, vì đến nay, không có tiến triển trên thực tế. Đó là tăng sở hữu cho NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam so với mức tối đa 49% hiện tại; cho phép sở hữu nước ngoài từ trên 49% đến dưới 100% tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán; cho phép phát hành chứng chỉ không hưởng quyền biểu quyết (NVDR).

“Vì những nút thắt trên, mà từ đầu năm đến nay, TTCK Việt Nam chỉ thu hút được khoảng 150 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, một con số rất khiêm tốn so với hơn 10 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân từ đầu năm đến nay…”, ông Dominic Scriven, Trưởng nhóm công tác thị trường vốn nói và phân tích thêm, với tình trạng hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết ở mức tối đa 49%, tổng giá trị cổ phần bất kể tốt hay xấu mà NĐT nước ngoài có thể mua chỉ còn khoảng gần 6 tỷ USD. Nếu chỉ xét các công ty thỏa mãn điều kiện về vốn hóa và thanh khoản để được vào rổ VN30, thì NĐT nước ngoài chỉ có thể mua được thêm tối đa 3 tỷ USD, tương đương với khoảng 5% lượng vốn hóa của thị trường.

Đây là con số rất nhỏ. Hiện giá trị vốn hóa của TTCK Việt Nam chỉ bằng 1/5 so với TTCK Philipines, bằng 1/10 so với TTCK Malaysia. Điều này có nghĩa là TTCK Việt Nam chưa thực sự thu hút được dòng tiền lớn và dài hạn của các NĐT nước ngoài…

Để giải tỏa những điểm nghẽn trên, Nhóm công tác Thị trường vốn kiến nghị Chính phủ, với các ngành nghề, lĩnh vực Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường theo WTO, thì cần cho phép sở hữu nước ngoài lên đến 100% theo đúng lộ trình WTO mà Việt Nam đã cam kết. Chỉ hạn chế sở hữu nước ngoài đối những ngành nghề, lĩnh vực cần hạn chế đầu tư, hoặc những ngành nghề đầu tư có điều kiện, đồng thời không quy định về hạn chế sở hữu nước ngoài đối với các ngành nghề/lĩnh vực còn lại.

Liên quan đến tỷ lệ hữu của NĐT nước ngoài đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán, Nghị định 58/2012 hướng dẫn Luật Chứng khoán cho phép NĐT nước ngoài được sở hữu tối đa 49% và 100% cổ phần tại công ty quản lý quỹ và CTCK (kể cả đây là các công ty đại chúng)… Với quy định này, thì NĐT nước ngoài không được sở hữu từ trên 49% đến 99% cổ phần tại các công ty quản lý quỹ và CTCK. Quy định này là bất hợp lý, nên Nhóm công tác Thị trường vốn kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần sớm khắc phục theo hướng: cho phép NĐT nước ngoài được sở hữu từ trên 49% đến dưới 100% cổ phần tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Để cải thiện thanh khoản cho TTCK, một giải pháp không mới được Nhóm công tác Thị trường vốn tái kiến nghị, đó là Chính phủ nên xem xét cho phép phát hành NVDR theo mô hình của Thái Lan, với thời gian triển khai thí điểm là 2 năm. Giới hạn tỷ lệ NVDR được phép phát hành trong thời gian thí điểm là 20% trên tổng số cổ phần. Sau khi kết thúc 2 năm thí điểm, nếu giải pháp NVDR thực tế giúp cải thiện tính hiệu quả của thị trường, cũng như không dẫn tới các xung đột lợi ích giữa NĐT trong nước và NĐT nước ngoài, thì có thể tiếp tục nâng cao tỷ lệ NVDR được phép phát hành hoặc hoàn toàn dỡ bỏ các hạn chế này… 

Đang tính phương án nới room

Giải đáp những kiến nghị trên, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Vũ Bằng cho biết, về thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, chủ trương của Chính phủ là khuyến khích dòng vốn này tham gia TTCK Việt Nam mạnh mẽ và bền vững hơn. Thời gian qua, Bộ Tài chính và UBCK đã trình Chính phủ dự thảo văn bản nới room sở hữu nước ngoài từ 49% lên 60%. Vấn đề này cùng với tiến độ cho phép sở hữu nước ngoài từ trên 49% đến dưới 100% tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam đang bị chậm lại, vì theo kế hoạch, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012 sẽ được thông qua vào khoảng tháng 7/2015.

Cũng theo ông Bằng, vấn đề nới room sẽ được giải quyết căn cơ hơn nếu sửa đổi Nghị định 58/2012, vì giá trị pháp lý của một quyết định do Thủ tướng Chính phủ ban hành thấp hơn nghị định. Tuy nhiên, việc sửa đổi Nghị định 58/2012 theo lộ trình phải đợi khá lâu, nên UBCK đang triển khai song song hai phương án. Đó là cùng với đề xuất phương án sửa đổi Nghị định 58/2012, UBCK đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Quyết định mới thay thế Quyết định 55/2009/QĐ-TTg về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam, qua đó, thúc đẩy dòng vốn nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam sôi động và hiệu quả hơn trong thời gian tới…

Liên quan đến đề xuất cho phép phát hành NVDR, theo lãnh đạo UBCK, để cho phép việc này, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ cần ban hành một nghị định hoặc quyết định. Bởi vậy, UBCK ghi nhận ý kiến của Nhóm công tác Thị trường vốn để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. 

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục