Nhà đầu tư Fn ưu tiên “đánh nhanh”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ghi nhận từ một số nhà đầu tư có thâm niên tham gia thị trường chứng khoán (thường được gọi là Fn), quan điểm chung vẫn là thận trọng quan sát các tín hiệu vĩ mô và dành tỷ trọng nhỏ NAV để tranh thủ “lướt sóng” kiếm lời.
Giai đoạn này, nhiều nhà đầu tư thực hiện chiến lược trading T+. Giai đoạn này, nhiều nhà đầu tư thực hiện chiến lược trading T+.

Anh Minh Nhật, một nhà đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm tham gia thị trường chứng khoán tiết lộ, giai đoạn này, anh chỉ dành 20 - 30% NAV để trading ngắn hạn “cho có cảm giác thị trường và đỡ buồn”.

“Các cơ hội ra tấm ra món là có, nhưng vẫn có thể mua được với giá rẻ hơn khi thị trường điều chỉnh”, anh nói.

Cơ sở để anh Nhật nhận định thị trường đi ngang trong biên độ hẹp và còn những phiên điều chỉnh trong ngắn hạn là lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, dù các ngân hàng thông báo hạ dần lãi suất và áp lực đáo hạn trái phiếu đang lớn dần.

“Tôi thấy không có dòng tiền mới vào thị trường nên động lực tăng không có. Các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ giai đoạn này mới chỉ giúp ổn định tâm lý thị trường. Dòng tiền mới ở đây có thể nhìn ở thanh khoản hàng ngày vẫn èo uột, giải ngân đầu tư công thấp, tăng trưởng tín dụng chậm… Những yếu tố này đều tác động đến dòng tiền vào nền kinh tế, vào thị trường chứng khoán”, anh nhận xét.

Theo quan sát của anh Nhật, doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn lúc này chưa mặn mà với việc đi vay, vì mặt bằng lãi suất cao, đầu ra của sản xuất gặp khó.

Tuy vậy, anh cũng khoe thành tích “lướt sóng” với cổ phiếu DBC. Đầu tháng 4, anh mua vào cổ phiếu này với giá 13.800 đồng/cổ phiếu và mới đây, anh chốt lời ở mức 15.500 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ suất sinh lời trên 12%. Hiện anh đang gom dần cổ phiếu BSR - doanh nghiệp vừa ra báo cáo quý I/2023 có mức lãi bằng 99% lợi nhuận kế hoạch cả năm với kỳ vọng giá dầu thô giảm sẽ giúp lợi nhuận quý II của Công ty tiếp tục tích cực, hỗ trợ đà tăng của cổ phiếu.

Anh Hữu V., nhà đầu tư bám trụ thị trường từ những ngày đầu cũng cho rằng, doanh nghiệp cơ bản đang gặp khó, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bất động sản, trong bối cảnh sức cầu yếu và thiếu vốn cho sản xuất - kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp bất động sản các năm qua phát hành tăng vốn, vay nợ trái phiếu để gia tăng quỹ đất, song trong đó có nhiều quỹ đất chưa có pháp lý, tiềm ẩn rủi ro khó thanh lý tài sản khi doanh nghiệp muốn cơ cấu tài sản để giảm tỷ lệ đòn bẩy.

“Đầu cơ, trading thì cứ theo phân tích kỹ thuật, còn đi tiền lớn cho năm nay là hơi ngại. Phải đợi thêm tín hiệu về mức độ thẩm thấu chính sách, chuyển động vĩ mô’, nhà đầu tư V. cho hay.

Phong Trần, một nhà đầu tư Fn, đang quản trị một chat room đầu tư chứng khoán nhận định, dòng tiền chốt lời từ những cổ phiếu tăng nóng hoặc “ăn theo” kết quả kinh doanh trong con sóng vừa qua có thể sẽ quay lại các cổ phiếu siêu đầu cơ, có câu chuyện riêng hoặc hàng blue-chip tích lũy lâu trong tháng Năm này.

Nhà đầu tư này đã chia sẻ cùng cộng đồng đầu tư của mình về danh mục 3 cổ phiếu NLG, NVL, DIG (mua từ đầu tháng 4) đều đang có lãi. Trong đó, theo nhà đầu tư này, NLG có chất lượng tài sản và chiến lược kinh doanh tốt nhất (có thể đầu cơ hoặc đầu tư), NVL có câu chuyện đặc biệt nhất (có thể đầu cơ hoặc đầu tư), DIG tính đầu cơ cao nhất (phải quản trị rủi ro chặt nhất).

Ông Vũ Đức Duy, broker tại Hà Nội cho biết, sau cú sốc thua lỗ lớn trong năm 2022, nhiều nhà đầu tư F0 đã âm thầm rời bỏ thị trường. Những nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm “chinh chiến” vẫn bám trụ và tìm được cơ hội kiếm lời.

Ông Vũ Đức Duy, broker tại Hà Nội cho biết, sau cú sốc thua lỗ lớn trong năm 2022, nhiều nhà đầu tư F0 đã âm thầm “rời bỏ” thị trường. Những nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm “chinh chiến” vẫn bám trụ và tìm được cơ hội kiếm lời.

Theo ông Duy, so với giai đoạn đỉnh cao, thanh khoản hiện tại giảm hơn một nửa, dòng tiền trên thị trường dù không còn sôi động như trước nhưng vẫn lưu chuyển giữa các nhóm ngành, ưu tiên những doanh nghiệp cơ bản, hoặc những doanh nghiệp có câu chuyện riêng. Ví dụ, thời gian qua, nhóm bất động sản dân dụng có sóng nhỏ do hưởng lợi từ chính sách. Hay như hiện tại, nhóm cổ phiếu điện và năng lượng tái tạo đang được đẩy lên bởi thông tin Quy hoạch điện 8. Giai đoạn tới đây, một số nhóm như đầu tư công, vật liệu xây dựng cơ bản vẫn có thể có câu chuyện để kể.

“Dòng tiền đầu cơ bắt đầu hoạt động mạnh hơn, tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi nhóm trụ bị bán tương đối mạnh. Những nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn vẫn ưa thích 3 dòng là chứng khoán, bất động sản và nhựa”.

Nhìn nhận về các đối tượng nhà đầu tư trên thị trường, ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, có thể chia thành hai nhóm nhà đầu tư trên thị trường. Thứ nhất là nhóm đang nắm giữ nhiều cổ phiếu, phần lớn những nhà đầu tư này đều đang cố gắng đưa tỷ lệ margin ở mức tối thiểu và giữ danh mục chờ ngày cổ phiếu hồi phục, nhóm nhà đầu tư này phần lớn xác định là đầu tư trung hạn. Thứ hai là nhóm nhà đầu tư đang nắm giữ phần lớn tiền mặt, họ chỉ dành một phần ngân sách để thực hiện lướt sóng, bởi trading trở thành một thói quen và thường sẽ thực hiện chốt lãi, hay cắt lỗ nhanh và liên tục chuyển đổi các mã cổ phiếu có nhiều cơ hội.

“Giai đoạn hiện tại, dòng tiền tiền luân chuyển giữa các dòng và các mã khá nhanh nên biên lợi nhuận hầu hết cổ phiếu đều không cao. Cũng vì thế mà xu hướng giao dịch phần lớn của nhà đầu tư giai đoạn này là lướt sóng ngắn hạn hoặc trading trên danh mục sẵn có”, ông Quang chia sẻ.

Theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, giai đoạn này, nhà đầu tư Fn sẵn sàng hiện thực hóa lợi nhuận ngay khi cổ phiếu tăng 5 - 7%.

Khuyến nghị về chiến thuật “lướt sóng”, ông Quang cho rằng, báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2023 của các doanh nghiệp đã ra, giai đoạn này, nhà đầu tư có thể chọn lựa một trong hai cách thức: Một là đi theo các cổ phiếu có dòng tiền vào mạnh, hiện tại có nhóm chứng khoán và bất động sản, nhưng cần chọn điểm vào hợp lý ở vùng hỗ trợ hoặc điểm vừa break; Hai là xem xét các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, tạo mô hình đẹp và nếu có dòng tiền vào tốt thì hãy tham gia.

Phan Hằng – Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục