Sau khi bị đẩy về gần tham chiếu vào cuối phiên sáng, thị trường bước vào phiên chiều với diễn biến tiếp tục là ảm đạm với dòng tiền yếu, chỉ số VN-Index rung lắc, đảo chiều liên tục quanh tham chiếu, nhưng chỉ với biên độ hẹp và đóng cửa giảm nhẹ khi sắc đỏ có phần lấn át trên bảng điện tử.
Chốt phiên, sàn HOSE có 198 mã tăng và 242 mã giảm, VN-Index giảm 2,14 điểm (-0,17%), xuống 1.283,8 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 697,2 triệu đơn vị, giá trị 18.519,3 tỷ đồng, giảm 7% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 60,9 triệu đơn vị, giá trị 1.995 tỷ đồng.
Nhóm các trụ cột dù nhiều cổ phiếu đảo chiều giảm, nhưng mức giảm cũng chỉ dừng lại ở mức trên dưới 1%, với BVH, MSN và TCB dẫn đầu mức để mất 1,1% -1,5%. Các mã giảm khác có VPB, HPG là đáng kể khi khớp lệnh VPB cao nhất nhóm và toàn sàn với 25,2 triệu đơn vị, còn HPG khớp 14,5 triệu đơn vị.
Lác đác những mã còn tăng điểm là TPB, POW, VHM, PLX, VRE, VIC, SSI và HDB, với mức tăng chỉ từ 0,3% đến 1,4%.
Các cổ phiếu vừa và nhỏ không có nhiều thay đổi, ngoại trừ một vài cái tên riêng lẻ như NAB nới thêm đôi chút so với cuối phiên sáng, đóng cửa +6,5% lên 14.000 đồng, mức đỉnh mới, khớp lệnh 3,64 triệu đơn vị, ghi nhận khối lượng cao nhất kể từ giữa tháng 3 đến nay.
Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 100:25 của NAB.
Cổ phiếu IMP tăng chạm gần giá trần +6,8% lên 78.200 đồng, khớp hơn 0,2 triệu đơn vị và phiên này cũng là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền theo tỷ lệ 10% và bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 10:1.
Một số cổ phiếu bất động sản, xây dựng không quá nhiều khác biệt so với cuối phiên sáng, với DIG, PDR, HUB, LHG, DRH, HTN, C47, VPH, NTL có mức tăng từ 2,5% đến gần 4%.
Các cổ phiếu dịch vụ vận tải, logistics với AST +6,1% lên 64.700 đồng, VTO +3,3% lên 15.900 đồng, VTP +2,9% lên 89.500 đồng…Các mã ngành hóa chất, phân bón với SFG +5,5% lên 15.400 đồng, CSV +4,3% lên 40.450 đồng…
Ở chiều ngược lại, một số bị bán khá mạnh như RDP về giá sàn -7% xuống 4.520 đồng, DBC -4% xuống 34.550 đồng, DCM -3,7% xuống 39.200 đồng, LSS -3,6% xuống 13.600 đồng, CSM -3,1% xuống 15.800 đồng…
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng gần như đi ngang so với mức điểm cuối phiên sáng cho đến khi đóng cửa.
Chốt phiên, sàn HNX có 91 mã tăng và 79 mã giảm, HNX-Index tăng 0,84 điểm (+0,35%), lên 245,39 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 62,5 triệu đơn vị, giá trị 1.381,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,87 triệu đơn vị, giá trị 88,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu CEO vẫn là tâm điểm, dù thanh khoản không cải thiện nhiều so với cuối phiên sáng, khớp lệnh tổng cộng hơn 13,4 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ giữa tháng 4. Giá cổ phiếu đóng cửa tăng 7,1% lên 18.000 đồng.
Các mã khác như MBS nhích gần 4% lên 34.900 đồng, CMS +3,6% lên 22.800 đồng, VC7 +4,3% lên 12.200 đồng, còn SHS, HUT, IDJ, BVS tăng nhẹ.
Trong khi đó, TNG, PVS, TIG, LAS, DTD, PVC, DVM, IDC, VGS giảm điểm, nhưng mức giảm cũng chỉ trên dưới 1,5%.
Trên UpCoM, sắc đỏ xuất hiện nhiều hơn về cuối phiên khiến UpCoM-Index đảo chiều về sắc đỏ khi kết phiên.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,38 điểm (-0,38%), xuống 98,32 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43,6 triệu đơn vị, giá trị 815 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,9 triệu đơn vị, giá trị 262,5 tỷ đồng.
Giao dịch ảm đạm, phần lớn các mã thanh khoản cao ít thay đổi, với BSR -1,7% xuống 23.400 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với 7,68 triệu đơn vị.
Hai cổ phiếu ngành đường sắt là SRT và HRT lại song hành, khi đều tăng trần lên cùng ở mức 14.900 đồng/cổ phiếu, khớp lần lượt 0,33 triệu và 0,29 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm 3-4 điểm. Trong đó, VN30F2407 mất 4,3 điểm, tương đương -0,33% xuống 1.305,7 điểm, khớp lệnh hơn 188.200 đơn vị, khối lượng mở hơn 52.700 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, hai mã CVHM2313 và CSTB2327 tăng điểm và hút giao dịch nhất với 5,76 triệu và 3,78 triệu đơn vị. Trong đó, CVHM23123 tăng hơn 14% lên 80 đồng/cq, còn CSTB2327 tăng 9,1% lên 120 đồng/cq.