Nhà đầu tư đổ tiền vào các thị trường mới nổi với tốc độ kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà đầu tư đang đổ xô vào cổ phiếu và trái phiếu của các thị trường mới nổi với tốc độ gần như kỷ lục, khi lạm phát giảm và việc mở cửa trở lại của Trung Quốc giúp đảo ngược đà trượt dốc trong năm ngoái.
Nhà đầu tư đổ tiền vào các thị trường mới nổi với tốc độ kỷ lục

Theo dữ liệu theo dõi 21 quốc gia từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF), các thị trường cổ phiếu và trái phiếu của các nền kinh tế mới nổi đã thu hút 1,1 tỷ USD mỗi ngày tiền ròng mới trong tuần này. Tốc độ của các dòng vốn chảy vào xuyên biên giới hiện chỉ đứng sau mức tăng sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa do Covid-19 vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, vượt qua các mức đỉnh trước đó trong hai thập kỷ qua.

Dòng vốn chảy vào mạnh mẽ cho thấy tâm lý có sự thay đổi lớn trong năm nay sau khi các thị trường đang phát triển đã hoạt động kém hiệu quả trong phần lớn năm 2022. Lạm phát toàn cầu giảm đã khiến nhiều người tham gia thị trường đặt cược rằng các ngân hàng trung ương lớn của các thị trường phát triển, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ sớm ngừng tăng lãi suất, giúp giảm bớt mối lo ngại chính cho các thị trường mới nổi.

Dòng tiền vào các thị trường mới nổi tăng mạnh trong đầu năm 2023
Dòng tiền vào các thị trường mới nổi tăng mạnh trong đầu năm 2023

Jahangir Aziz, một nhà phân tích tại JPMorgan cho biết, có rất nhiều dư địa để dòng vốn vào tiếp tục phục hồi khi những bất ổn kinh tế quan trọng đè nặng lên các thị trường mới nổi “đang được dỡ bỏ”.

Nguy cơ suy thoái đã giảm bớt. Dữ liệu được công bố hôm thứ Năm (26/1) cho thấy, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng hơn kỳ vọng trong quý cuối năm 2022 khi mở rộng với tốc độ là 2,9%, trong khi số đơn trợ cấp thất nghiệp vẫn ở mức thấp.

Quyết định loại bỏ chính sách Zero Covid của Trung Quốc cũng có tác động lớn. Dữ liệu của IIF cho thấy, dòng vốn vào của nước này chiếm 800 triệu USD trong số 1,1 tỷ USD mỗi ngày cho tất cả các thị trường mới nổi, trong khi các nước đang phát triển khác đang được hưởng lợi từ tác động dây chuyền của động thái này của Trung Quốc.

Các tài sản ở thị trường mới nổi đã được hỗ trợ nhiều hơn bởi kỳ vọng của các nhà đầu tư rằng các nền kinh tế đang phát triển sẽ tăng trưởng nhanh hơn các nền kinh tế tiên tiến trong năm nay. JPMorgan dự kiến tổng sản phẩm quốc nội ở các thị trường mới nổi sẽ tăng 1,4% so với tốc độ ở các nền kinh tế tiên tiến vào năm 2023, tăng từ con số 0 trong nửa cuối năm 2022.

Ngoài ra, chỉ số MSCI Emerging Markets đã tăng gần 25% kể từ mức thấp nhất vào cuối tháng 10.

Bất chấp sự khởi đầu mạnh mẽ cho đầu năm 2023, một số nhà đầu tư và nhà phân tích cảnh báo rằng tốc độ dòng tiền vào khó có thể duy trì được.

Paul Greer, giám đốc danh mục đầu tư tại Fidelity International cho biết, phần lớn sự phục hồi của tài sản thị trường mới nổi có thể ở phía sau chúng ta.

“Nửa đầu năm nay sẽ chứng kiến sự khởi sắc ở Trung Quốc, nhưng phần lớn trong số đó hiện đã được thị trường định giá. Chúng ta có thể đã chứng kiến phần lớn đà hồi phục trong chu kỳ này”, ông cho biết.

Ông cho biết, đợt phục hồi này một phần được giải thích là do các nhà đầu tư quay trở lại với tài sản các thị trường mới nổi sau khi cắt giảm đáng kể mức độ tiếp xúc của họ trong phần lớn thập kỷ qua, đặc biệt là trong ba quý đầu năm ngoái.

Nhiều nền kinh tế đang phát triển trước đây đã phải vật lộn để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 và bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi sự gia tăng lạm phát toàn cầu và đồng đô la Mỹ trong phần lớn năm 2022.

Bất kể sự phục hồi gần đây, các nhà đầu tư khó có thể lạc quan về tăng trưởng ở các thị trường mới nổi trong tương lai. “Mức nợ gia tăng, căng thẳng tài chính lớn hơn ở phần lớn các nước đang phát triển và tác động ngày càng tiêu cực của nhân khẩu học sẽ làm giảm tiềm năng tăng trưởng. Thật khó để lạc quan về các thị trường mới nổi như tiền Covid”, ông Paul Greer cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục