Nhà đầu tư địa ốc khai phá các vùng đất mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thiên nhiên còn hoang sơ, giá bất động sản còn rẻ và hạ tầng phát triển là những yếu tố hấp dẫn các chủ đầu tư và cả nhà đầu tư cá nhân khai phá các vùng đất mới.
Bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu vốn ngủ yên, nay cũng đang được đánh thức. Ảnh: Shutterstock Bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu vốn ngủ yên, nay cũng đang được đánh thức. Ảnh: Shutterstock

Không chỉ Đà Nẵng, Nha Trang

Nếu như trước đây, nói đến bất động sản biển, mọi người chủ yếu nghĩ đến Đà Nẵng, Nha Trang, còn nay, bất động sản biển đã phát triển mạnh và lan rộng ra khắp các tỉnh, thành phố biển. Những cái tên Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận hay Ninh Thuận… gần đây đã trở thành những thỏi nam châm thu hút hàng loạt dự án bất động sản lớn. Ngay cả với Bà Rịa - Vũng Tàu, sau thời gian dài ngủ yên nay cũng đã được đánh thức.

Điểm sáng nổi bật nhất trong thời gian gần đây là bất động sản Bình Thuận, đặc biệt là thị trường Phan Thiết - Mũi Né, diễn ra rất sôi động với sự có mặt của hàng loạt dự án lớn.

Cụ thể, Công ty Hưng Lộc Phát có kế hoạch phát triển dài hơi ở Phan Thiết với dự án Mũi Né Summerland. Dự án là tổ hợp giải trí và nghỉ dưỡng với quy mô 31,5 ha, tọa lạc ngay trên mặt tiền đường Võ Nguyên Giáp, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Hiện nay, chủ đầu tư đang đẩy mạnh tiến độ triển khai và hạ tầng cơ bản đã được xây dựng, dự kiến cuối năm 2022 sẽ đưa vào sử dụng đúng với thời điểm hoàn thành cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Đồng thời, công ty này cũng đang tiến hành lựa chọn một số đơn vị để quản lý vận hành dự án, trong đó có Tập đoàn Samsung.

Ngoài ra, dự án NovaWorld Phan Thiet của “ông lớn” Novaland với quy mô 1.000 ha tại Phan Thiết cũng được giới phân tích đánh giá sẽ làm “thay da đổi thịt” thị trường bất động sản Bình Thuận.

Các chuyên gia đều có chung cái nhìn tích cực về sức hấp dẫn của đô thị biển. Ảnh: Lê Toàn

Các chuyên gia đều có chung cái nhìn tích cực về sức hấp dẫn của đô thị biển. Ảnh: Lê Toàn

NovaWorld Phan Thiet được phát triển theo mô hình tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng giải trí và thể thao biển, mang tầm vóc đô thị với nhiều hình thức lưu trú đa dạng như nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse mặt biển... Tại đây, chủ đầu tư đã dành 220 ha để xây dựng trung tâm thể thao phức hợp gồm cụm sân golf 36 lỗ, khu thi đấu thể thao, công viên…

Hay tại những vùng đất mới như Bắc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa), đại đô thị biển KN Paradise có quy mô hơn 800 ha của Công ty Golf Long Thành được phát triển theo mô hình siêu đô thị biển với đầy đủ dịch tiện ích như một thành phố thu nhỏ.

Tại Bình Định, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đặt nền móng để phát triển một siêu dự án nghỉ dưỡng khi vừa “thâu tóm” thành công hơn 1.000 ha quỹ đất tại Nhơn Hội, Quy Nhơn. Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, doanh nghiệp này đang triển khai quỹ đất này thành một “đại đô thị” bao gồm shophouse, resort, khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí mang tầm cỡ Đông Nam Á.

Cũng tại Nhơn Hội, sau khi thâu tóm thành công quỹ đất ven biển lớn, Danh Khôi đang phát triển 17 block căn hộ ven biển sở hữu vĩnh viễn với tổng vốn đầu tư ước khoảng 25.000 tỷ đồng.

Ngoài những doanh nghiệp và các địa phương kể trên, hầu hết các tỉnh, thành phố nằm dọc bờ biển hiện nay cũng đã và đang xuất hiện các đại đô thị biển, với nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ khác nhau.

Đón đầu sự bùng nổ

Chia sẻ tại Hội thảo “Sức hút đô thị biển” do Báo Đầu tư tổ chức tuần qua, các chuyên gia trong ngành đều có chung nhận định rằng, đối với thị trường bất động sản biển, địa phương nào có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng, giá bất động sản được kiểm soát tốt, không bị đẩy lên quá cao, thì thị trường có tiềm năng phát triển.

Lý giải rõ hơn về vấn đề này, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Vietnam cho biết, trong thời gian tới, ngoài những thị trường quen thuộc thì những thị trường mới như Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định… sẽ phát triển. Nguyên do bởi các địa phương này có lợi thế thiên nhiên, môi trường còn hoang sơ, chưa bị khai phá nhiều nên sẽ thu hút du khách. Cùng lúc đó, các chủ đầu tư lớn đang đổ bộ vào đây với năng lực triển khai dự án tốt hơn, tạo ra thêm các giá trị mới cho du lịch và phát triển đô thị.

Ngoài ra, yếu tố hạ tầng giao thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển bất động sản ven biển. Trong đó, sân bay có vai trò rất lớn và được xem là chìa khóa giúp địa phương phát triển du lịch.

“Với lợi thế thiên nhiên, môi trường còn hoang sơ, nên những vùng đất mới sẽ thu hút du khách. Cùng lúc đó, các chủ đầu tư lớn đang đổ bộ vào đây với năng lực triển khai dự án tốt hơn từ quy mô dự án, quy hoạch bài bản các phân khu chức năng, đến hạ tầng tiện ích…, đặc biệt là tạo ra thêm các giá trị mới cho du lịch và phát triển đô thị”, ông Lâm nói và đưa ra một số đề xuất, thời gian tới, cần định vị lại thị trường bất động sản biển, xác định đây có phải là thị trường để mua đi bán lại các sản phẩm như đầu tư bất động sản nhà ở hay không?

Ngoài ra, cũng cần lưu ý tới việc quy hoạch đô thị bài bản, đầy đủ, chức năng, đồng bộ, kết nối giao thông, bảo vệ môi trường và di sản văn hóa/lịch sử cũng như di sản thiên nhiên. Đồng thời, hoàn thiện quy định cho các loại hình sản phẩm mới. Ban hành các quy định rõ ràng chi tiết về chức năng, quyền lợi, trách nhiệm cho các chủ thể liên quan từ chủ đầu tư, đơn vị quản lý đến người mua, đơn vị bảo lãnh hoặc cho vay.

Ở một góc độ khác, lý giải về nhu cầu đầu tư bất động sản ven biển ngày càng tăng, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, tốc độ tăng trưởng giới siêu giàu tại Việt Nam rất nhanh. Số lượng người có nhu cầu đi nghỉ dưỡng ngoài thành phố vào cuối tuần tăng lên. Ngoài việc nghỉ dưỡng, second home (căn nhà thứ 2) còn là một kênh đầu tư hiệu quả cho dòng tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư.

“Quá tải dân số và ô nhiễm tại thành phố lớn khiến số lượng người có nhu cầu đi nghỉ dưỡng ra ngoài thành phố vào cuối tuần tăng lên. Đặc biệt, nhờ vào hệ thống hạ tầng phát triển nên có thể di chuyển dễ dàng và thuận lợi hơn”, ông Tuấn nói và đưa ra ví dụ của Bình Thuận.

Địa phương này nằm ở vùng lõi của cụm ngành du lịch phát triển bậc nhất Việt Nam cùng với TP.HCM, Đà Lạt, Nha Trang và Vũng Tàu. Hơn nữa, tài nguyên tự nhiên của khu vực này với biển xanh, cát trắng, nắng vàng chan hòa quanh năm (trên 300 ngày/năm) hội tụ đủ điều kiện thiên nhiên để trở thành điểm đến du lịch hàng đầu của du khách.

Thêm vào đó, hạ tầng đồng bộ với cao tốc, sân bay, cảng biển, đường tàu lửa và tuyến đường biển Vũng tàu, Bình Châu - Lagi. Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết giúp kết nối gần 20 triệu dân ở vùng TP.HCM trong 2 giờ đồng hồ.

Để tạo thêm động lực phát triển cho thị trường bất động sản ven biển, theo ông Tuấn, cần có một số ưu tiên về chính sách của Nhà nước như thúc đẩy ngành công nghiệp “không khói”. Đồng thời, cũng cần phải sớm hoàn thiện các chính sách về quy hoạch, đất đai, sở hữu tài sản, pháp lý… và không ngừng thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực.

“Cần sớm triển khai nhanh hệ thống cao tốc Bắc - Nam và cao tốc liên kết các vùng kinh tế trọng điểm. Sớm khởi công Sân bay quốc tế Long Thành, hạ tầng viễn thông, 5G, điện, nước…”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Việt Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục