Trong bài phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell cho biết, Fed sẽ sớm bắt đầu nâng lãi suất và thậm chí để ngỏ khả năng nâng lãi suất hơn 4 lần trong năm 2022 để kiềm chế lạm phát, trước khi nó làm tổn thương đến thị trường lao động.
Fed cũng đã báo hiệu trong một tuyên bố sau cuộc họp rằng việc nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm có thể diễn ra sớm vào tháng 3/2022.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm sau đó vượt mốc 1,8% đã góp phần khiến chứng khoán đảo chiều nhanh.
Trong tất cả 11 lĩnh vực chính của S&P 500, chỉ có nhóm công nghệ và tài chính nhích lên. Trong khi Nasdaq Composite may mắn đóng cửa trong sắc xanh, nhờ được hỗ trợ bởi đà tăng 2,98% của cổ phiếu Microsoft.
Microsoft Corp vừa báo cáo doanh thu quý vừa qua tăng 20% so với cùng kỳ năm trước lên gần 52 tỷ USD, lợi nhuận tăng 21% lên 18,8 tỷ USD, nhờ nhu cầu với dịch vụ điện toán đám mây, phần mềm gia tăng.
Kết thúc phiên 26/1, chỉ số Dow Jones giảm 129,64 điểm (-0,38%), xuống 34.168,09 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,52 điểm (-0,15%), xuống 4.349,93 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,82 điểm (+0,02%), lên 13.542,12 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng mạnh, sau khi nhận tín hiệu tích cực từ các chỉ số tương lai trên phố Wall, trong bối cảnh giới đầu tư ở cả hai bờ Đại Tây Dương chờ đợi kết quả của cuộc họp của Fed.
Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu tăng 1,7% lên 467,43 điểm, với tất cả các ngành đều ở mức tích cực, đánh dấu phiên tăng thứ hai liên tiếp sau khi giảm khoảng 4% vào phiên đầu tuần.
Sau khi bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về xung đột ở Ukraine, nhóm cổ phiếu dầu và khí đốt đã tăng 4%, ngày tốt nhất kể từ tháng 11/2020.
Cổ phiếu công nghệ, đại diện cho xu hướng tăng trưởng của châu Âu, cũng tăng sau khi chịu áp lực về lập trường diều hâu hơn của Fed trong việc tăng lãi suất.
Phiên này, Tập đoàn thời trang Ý Tod's đã tăng 15,8% sau khi doanh số bán hàng tăng gần 40% vào năm ngoái, mức tăng đầu tiên sau 5 năm giảm và đánh bại các dự báo của thị trường.
Cổ phiếu BioNTech đã tăng 6,3% sau khi công ty và Pfizer nói rằng họ đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra một loại vắc-xin mới, được thiết kế đặc biệt để chống lại biến thể Omicron.
Kết thúc phiên 26/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 98,32 điểm (+1,33%), lên 7.469,78 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 335,52 điểm (+2,22%), lên 15.459,39 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 144,00 điểm (+2,11%), lên 6.981,96 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm, do các cổ phiếu công nghệ lớn kéo lùi, sau khi nhóm cùng ngành trên phố Wall đêm qua suy yếu bởi lo ngại quan điểm của Fed ngày càng diều hâu hơn và căng thẳng xung quanh Ukraine.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, sau khi truyền thông nhà nước thúc giục các tổ chức tài chính và quỹ hưu trí giúp ổn định thị trường.
Chứng khoán Hồng Kông nhích nhẹ, nhờ nhóm cổ phiếu tài chính và công nghệ được bù đắp bởi cho đà suy yếu của cổ phiếu chăm sóc sức khỏe.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ tư liên tiếp, khi các nhà đầu tư đứng ngoài trước thềm cuộc họp của Fed.
Kết thúc phiên 26/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 120,01 điểm (-0,44%), xuống 27.011,33 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 22,61 điểm (+0,66%), lên 3.455,67 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 46,29 điểm (+0,19%), lên 24.289,90 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 11,15 điểm (-0,41%), xuống 2.709,24 điểm.
Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Tư lao dốc, do lợi suất trái phiếu Mỹ vọt lên 1,8% gây sức ép sau khi Fed tuyên bố có thể tăng lãi suất sớm hơn dự kiến và hơn 4 lần trong năm nay.
Kết thúc phiên 26/1, giá vàng giao ngay giảm 28,5 USD xuống 1.819,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 14 USD xuống 1.815,7 USD/ounce.
Giá dầu tiếp tục tăng mạnh, thậm chí giá dầu Brent có thời điểm vượt 90 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014 trong phiên, khi căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng xung quanh Ukraine.
Kết thúc phiên 26/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,75 USD (+2,00%), lên 87,35 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,76 USD (+1,96%), lên 89,96 USD/thùng.