Nhà đầu tư đã “trưởng thành” hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư đã đặt vé máy bay trước 1 - 2 tháng để tham dự đại hội cổ đông nhằm tiếp xúc trực tiếp với các lãnh đạo, lắng nghe kế hoạch kinh doanh cũng như chất vấn tính khả thi của các kế hoạch, gạn lọc cơ hội đầu tư, nhất là trong bối cảnh thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro biến động.
Nhà đầu tư đã “trưởng thành” hơn

Điểm đáng ghi nhận trong cộng đồng nhà đầu tư chứng khoán gần đây là ý thức của họ về việc tham gia hoặc theo dõi thông tin đại hội cổ đông ngày càng cao. Trong đó, các kế hoạch kinh doanh, tăng vốn, thoái vốn, M&A… là những thông tin không thể bỏ qua. Các nhà đầu tư có thâm niên tham gia thị trường chứng khoán thường đưa ra lời khuyên và phân tích các cơ hội đầu tư từ đại hội cổ đông, giúp các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường dần nhận ra tầm quan trọng của việc phải hình thành thói quen này nếu muốn có thành quả tốt.

Tuần cuối tháng 4 là tuần cao điểm của mùa đại hội cổ đông, với đại hội của nhiều doanh nghiệp lớn được tổ chức dồn dập. Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều đại hội có sự góp mặt của các nhà đầu tư từ các tỉnh, thành phố xa xôi. Họ đến để “mục sở thị” doanh nghiệp đang và sẽ đầu tư - chủ yếu là các doanh nghiệp đầu ngành, cổ phiếu có thanh khoản cao. Điều này khẳng định “gu” của dòng tiền vẫn sẽ tập trung vào những cổ phiếu có nền tảng tốt, triển vọng tăng trưởng cao.

Một nhóm tư vấn đầu tư, hướng về quản lý tài sản, đã có một mùa đại hội cổ đông bận rộn khi chia nhân sự đi dự đại hội ở các tỉnh, thành phố phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội cho tới TP.HCM… để cập nhật thông tin tới khách hàng.

Hay một nhóm 5 người bạn, tập hợp từ nhiều nghề, từ chuyên viên phân tích, tự doanh, nhà đầu tư tự do cùng từ Hà Nội vào TP.HCM để dự đại hội cổ đông của hai doanh nghiệp lớn trong ngành bán lẻ: Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) và Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động. Một thành viên trong nhóm chia sẻ: “Lặn lội hơn nghìn cây số vào dự đại hội cũng ‘đáng đồng tiền bát gạo’ vì thu hoạch được quá nhiều thông tin”.

Trong đó, đại hội của FPT Retail tổ chức đúng vào ngày TP.HCM cấm xe lưu thông ở nhiều tuyến đường phục vụ cho công tác tổng duyệt Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, nhưng đại hội vẫn diễn ra tốt đẹp, với sự tham gia của đông đảo nhà đầu tư và kéo dài tới tận 5h30 chiều, bất chấp dự đoán trước giờ này sẽ rất khó di chuyển để ra về do tắc đường.

Nhóm nhà đầu tư này đã tóm tắt một số thông tin “gặt hái” được từ đại hội cổ đông của FPT Retail: Thứ nhất, Công ty đã tìm kiếm được đối tác ngoại mua 13% cổ phần của hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu, giá trị thương vụ chưa được tiết lộ, “đối tác này vừa nhiều tiền, vừa nhiều kinh nghiệm”; thứ hai, trong quý đầu năm, lợi nhuận của Công ty tăng trưởng gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái; thứ ba, hệ thống Long Châu hiện có hơn 2.000 nhà thuốc và sẽ mở mới các nhà thuốc, chiến lược phân phối “thuốc hiếm” sẽ được thay bằng “thuốc mới”; thứ tư, dư địa thị trường vắc-xin còn quá lớn, tỷ lệ bao phủ vắc-xin của nước ta mới đạt 4%, trong khi tỷ lệ này ở nhiều quốc gia trong khu vực lên đến 30 - 40%; thứ năm, chưa dừng lại ở FPT Shop, Long Châu nhà thuốc, Tiêm chủng Long Châu, trong 3-5 năm tới, FPT Shop sẽ tham gia vào 5 mảng, nổi bật là xét nghiệm, bảo hiểm, khám chữa bệnh.

Theo nhóm nhà đầu tư này, FPT Retail “còn rất nhiều việc để làm, nhiều câu chuyện để kể”.

Cùng với nhiều nhà đầu tư khác “lặn lội” tham dự đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động cuối tuần qua, nhóm nhà đầu tư đã nhận xét về kế hoạch kinh doanh năm 2025 với doanh thu thuần 150.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.850 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 30% so với kết quả năm trước. Theo đó, “mục tiêu tăng trưởng 2 chữ số, trong khi chi phí được tiết giảm phần nào cho thấy hiệu của chiến lược tái cấu trúc mà Thế giới di động thực hiện thời gian qua”.

Nhận ủy quyền từ nhiều nhà đầu tư cá nhân khác, anh T.Mạnh bay ra Đà Nẵng để tham dự đại hội cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã DRC), diễn ra vào ngày 25/4, để cập nhật thông tin cụ thể về tình hình kinh doanh của Công ty. Bởi lẽ, ngay trước thềm đại hội, cổ phiếu DRC liên tục giảm sàn và doanh nghiệp công bố lợi nhuận ròng quý I/2025 suy giảm tới 81% so với cùng kỳ.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Cao su Đà Nẵng, vì vậy, cổ phiếu của doanh nghiệp vẫn chịu áp lực bán ra do nhà đầu tư e ngại rủi ro từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Ngoài ra, Công ty có kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ thêm 30%, khiến cổ đông e ngại về nguy cơ pha loãng. Vì vậy, những thông tin từ đại hội cổ đông được các cổ đông, nhà đầu tư quan tâm.

Đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã MSN) năm nay nhận được rất nhiều câu hỏi từ cổ đông, nhà đầu tư và đến 12h30 vẫn chưa thể kết thúc chương trình. Các câu hỏi tập trung vào nội dung tiến độ giảm nợ vay của Tập đoàn, về mối quan hệ hợp tác giữa Masan với SK (từ cuối năm 2024, doanh nghiệp Hàn Quốc này đã không còn nắm giữ cổ phiếu MSN), cách thức mở rộng thị phần… thì có những cổ đông đặt câu hỏi “thiết thực” cho đời sống hàng ngày: “Tập đoàn có chương trình mua hàng đặc biệt dành cho cổ đông không?”. Câu hỏi làm không khí buổi thảo luận trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ hơn.

Hay tại đại hội cổ đông của Công ty Chứng khoán SSI, ngoài những câu hỏi tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của một công ty chứng khoán còn có những câu hỏi nhằm tham khảo tầm nhìn thị trường của người đứng đầu doanh nghiệp.

Có thể thấy, thị trường chứng khoán đang chứng kiến chặng đường phát triển hơn, khi kiến thức kinh tế - tài chính và ý thức của nhà đầu tư với đồng vốn của mình từng bước được nâng cao. Đây là điều kiện quan trọng để có một thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh và bền vững.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục