Quỹ lao đao vì thanh khoản giảm
Bối cảnh thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm nay “khó chơi” ngay cả với các tay chơi lão luyện trên thị trường. Lý do, theo góc nhìn của Công ty cổ phần Quản lý quỹ Thiên Việt (TVAM) là trong quý II/2019, tăng trưởng của các quỹ chịu nhiều ảnh hưởng từ xu hướng giảm của thị trường chứng khoán, với mức thanh khoản giảm mạnh.
Một số yếu tố tác động đến thị trường như áp lực chốt lời trong ngắn hạn sau khi chỉ số chứng khoán có diễn biến tăng trong quý I/2019, tăng trưởng tín dụng thấp và thị trường bất động sản, xây dựng hạ nhiệt do không ít dự án bị vướng thủ tục pháp lý, ảnh hưởng đến các ngành nghề liên quan. Căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng là nhân tố bất lợi tác động lên thị trường.
Vì bối cảnh bất thuận đó, nên vào cuối quý II/2019, tổng giá trị tài sản của Quỹ đầu tư tăng trưởng Thiên Việt (FUCTVGF1) và Quỹ đầu tư tăng trưởng Thiên Việt 2 (FUCTVGF2) chỉ đạt lần lượt 168,3 tỷ đồng và 158,5 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 1,6% và 1,3% (không bao gồm phí quản lý) so với mức tăng 6,4% của VN-Index trong 6 tháng đầu năm nay.
Thanh khoản trong nữa đầu năm 2019 sụt giảm từ mức cao của năm 2018.
Thời gian qua, TVAM thực hiện chốt lời một số khoản đầu tư vào các công ty thuộc ngành dệt may và công nghệ khi lợi nhuận đã đạt mức kỳ vọng, nhưng cũng thoái các khoản đầu tư kém hiệu quả.
Đồng thời, tận dụng nhịp giảm điểm của thị trường để giải ngân vào một số doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do vừa ký kết và liên quan đến sản phẩm phái sinh mới. Cả FUCTVGF1 và FUCTVGF2 đang giữ tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt ở mức 90%/10%.
Giá trị tài sản ròng của nhiều quỹ chuyên đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu do Công ty cổ phần Quản lý quỹ Kỹ thương (Techcom Capital) quản lý cũng có mức tăng thấp hơn mức tăng của VN-Index. Tại kỳ giao dịch chốt tháng 6/2019, giá trị tài sản ròng của Quỹ đầu tư cổ phiếu Techcom (TCEF) là 164,7 tỷ đồng, tương đương 12.590 đồng/chứng chỉ quỹ, chỉ tăng 0,08% so với đầu năm. Trong kỳ, quỹ này giải ngân mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng gồm VCB, ACB, MBB…
6 tháng đầu năm, VN-Index tăng 6,4%, nhưng nhiều quỹ đầu tư chỉ đạt mức tăng trưởng 1,3 - 4,4%.
Hai quỹ đầu tư trái phiếu do Techcom Capital quản lý có mức tăng cao hơn so với quỹ đầu tư cổ phiếu, nhưng vẫn kém mức tăng trưởng của VN-Index trong nửa đầu năm.
Theo đó, giá trị tài sản ròng của Quỹ đầu tư trái phiếu linh hoạt Techcom (TCFF) tại kỳ giao dịch chốt tháng 6/2019 là 122,5 tỷ đồng, tương đương 10.351 đồng/chứng chỉ quỹ, ghi nhận mức tăng 2,84% so với đầu năm.
Giá trị tài sản ròng chốt kỳ giao dịch trong tháng 6/2019 của Quỹ đầu tư trái phiếu Techcom (TCBF) là 11.426 tỷ đồng, tương đương hơn 13.190 đồng/chứng chỉ quỹ, ghi nhận mức tăng 3,66% so với đầu năm.
Trong kỳ, các khoản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của hai quỹ trái phiếu đều là giải ngân vào các trái phiếu doanh nghiệp như MSR11808, SDI11717, CII11803, NVL11715, NPM11804.
Một quỹ đầu tư trái phiếu khác là Quỹ đầu tư trái phiếu Việt Nam (VFMVFB) do Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam quản lý có giá trị tài sản ròng tăng trưởng 4,39% trong 6 tháng đầu năm 2019.
Kỳ vọng 6 tháng cuối năm
Góc nhìn của chuyên gia một số công ty quản lý quỹ đều có chung kỳ vọng, thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm nay sẽ vận động theo xu hướng tích cực, qua đó mang lại cơ hội kiếm lời cho các quỹ.
Vn-Index đi ngang kể từ cuối tháng 2/2019
TVAM nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vận động theo xu hướng tăng vì được hưởng lợi từ các yếu tố vĩ mô như triển vọng tăng trưởng GDP tiếp tục thuộc nhóm cao nhất châu Á nhờ được hỗ trợ bởi làn sóng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gia tăng, xuất khẩu tăng tốc, tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do; lạm phát và tỷ giá trong tầm kiểm soát; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang có dấu hiệu hạ nhiệt; Fed phát tín hiệu ngừng tăng lãi suất trong năm 2019…
Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF) cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối năm 2019 sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế, nhưng thị trường sẽ chịu sức ép từ các bất ổn bên ngoài. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau cuộc họp thượng đỉnh G20, nhưng sẽ khó để hai cường quốc này sớm đi đến một thỏa thuận chung do mục tiêu của cuộc chiến này không chỉ nằm ở vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Do đó, rủi ro từ những hành động bất ngờ của hai phía tác động tiêu cực đến thương mại và tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng vẫn còn khá lớn. Ngoài ra, căng thẳng mới đây giữa Nhật Bản và Hàn Quốc liên quan đến nguyên liệu sản xuất chất bán dẫn nếu kéo dài sẽ tác động đến các công ty công nghệ Hàn Quốc, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng điện tử của Việt Nam.
Ở trong nước, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn hơn trong nửa cuối năm 2019, vì GDP sẽ phải tăng tốc so với 6 tháng đầu năm để có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,8% cho cả năm, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang suy giảm. Tuy vậy, nếu như khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ duy trì đà tăng trưởng tốt như trong 2 quý đầu năm nay, cùng với yếu tố mùa vụ khi tăng trưởng kinh tế thường cao hơn ở nửa cuối năm, VCBF tin tưởng, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% sẽ đạt được.
Về dài hạn, nhờ vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sắp tới đây là Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), cùng với xu hướng nhà đầu tư chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam để tránh tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội tăng tốc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như giày dép, dệt may, đồ gỗ…, từ đó giúp cải thiện cán cân thương mại trong nửa cuối năm 2019.
Với các cơ hội của nền kinh tế, cùng khả năng điều hành linh hoạt của Chính phủ, khối công ty quản lý quỹ tin rằng, các mục tiêu vĩ mô quan trọng trong năm 2019 sẽ hoàn thành, giúp tăng cường niềm tin và hỗ trợ tâm lý cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
VCBF áp dụng nhất quán phương pháp đi ngược đám đông
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Giám đốc Ðầu tư, VCBF.
Các bất ổn gây ra từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc có thể làm tăng trưởng kinh tế của Mỹ suy giảm, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục đề cập đến khả năng sẽ cắt giảm lãi suất. Trong ngắn hạn, tín hiệu này từ Fed đã có tác động tích cực đến tâm lý thị trường chứng khoán toàn cầu.
Lịch sử cho thấy, khi lãi suất USD giảm xuống, nhu cầu đầu tư vào các tài sản rủi ro sẽ tăng lên, từ đó kích thích dòng tiền đổ vào các thị trường chứng khoán mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, chúng tôi cũng khá thận trọng với khả năng này, vì các chỉ số chính của kinh tế Mỹ vẫn chưa cho thấy các dấu hiệu cần thiết phải hạ lãi suất.
Mức định giá P/E của VN-Index đang gần 17 lần, thấp hơn hầu hết các thị trường trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao hơn. Hơn nữa, mức định giá của VN-Index đang bị ảnh hưởng nhiều bởi một số cổ phiếu có vốn hóa lớn. Mức trung vị P/E của VN-Index chỉ hơn 10 lần cho thấy có nhiều cổ phiếu vẫn đang được định giá hấp dẫn. Tuy nhiên, do triển vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp không tăng cao như năm 2018, nên chúng tôi thường xuyên lựa chọn và đánh giá từng cổ phiếu một cách cẩn trọng.
VCBF áp dụng nhất quán phương pháp đầu tư dựa trên phân tích từng chứng khoán, đầu tư dài hạn và đi ngược đám đông. Tìm kiếm và phát hiện sớm những công ty quản trị tốt, có tiềm năng tăng trưởng bền vững và định giá hấp dẫn. Tranh thủ những phản ứng thái quá của thị trường trong các quyết định mua, bán và thực hiện đa dạng hóa danh mục ở mức cao để giảm thiểu rủi ro.