Nhà đầu tư chứng khoán: Sống trong bất định

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lời hứa giao dịch bình thường từ 2/6 của lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa ra khó trở thành hiện thực khi bảng điện giật cục trầm trọng hơn trong phiên 2/6.
Nhà đầu tư chứng khoán: Sống trong bất định

Trong bối cảnh dòng tiền tiếp tục xô đổ kỷ lục về thanh khoản, nhà đầu tư và cả công ty chứng khoán xoay như chong chóng để chạy theo sự thiếu chuyên nghiệp trong vận hành thị trường.

Ngừng cho hủy, sửa lệnh, rồi lại cho hủy sửa lệnh, rồi lại ngừng, rồi thông báo nghẽn lệnh trên HOSE… các công ty chứng khoán xoay nhà đầu tư như chong chóng trong phiên giao dịch 2/6.

Rủi ro của thị trường, theo nhìn nhận của giới quan sát cũng như phần lớn nhà đầu tư, chính là tình trạng "tắc" "nghẽn" của hệ thống sàn giao dịch HOSE.

Không phải chờ đến khi giá trị giao dịch trên HOSE đạt 13.000 tỷ đồng hay 15.000 tỷ đồng, mà ngay từ đầu phiên sáng 2/6, tình trạng tắc nghẽn đã diễn ra. Đồ thị VN-Index "giật cục" và rất khó quan sát khối lượng dư mua, dư bán với cổ phiếu.

Nhân viên môi giới nhiều công ty chứng khoán cho biết, khách gửi lệnh 5-10 phút vẫn thấy lệnh chưa được cập nhật tình trạng lệnh, trong khi đó, có lệnh đã được khớp rồi.

“Trả dữ liệu và tình trạng lệnh vô cùng chậm”, lãnh đạo nhiều công ty chứng khoán cho biết.

Đến cuối giờ chiều 2/6, một số công ty chứng khoán thông báo, để giảm thiểu tình trạng nghẽn lệnh trong giờ cao điểm, công ty chứng khoán sẽ tạm dừng hủy/sửa lệnh đặt trên HOSE từ 9h15 - 9h25 và 11h25 - 13h05 hoặc thông báo tạm dừng hủy sửa lệnh bất thường nếu hệ thống nghẽn lệnh.

Trước những ý kiến cho rằng, HOSE nên rút sang giao dịch sáng và để ATC 15 phút cuối. Tuy nhiên, thông điệp từ lãnh đạo HOSE lại cho thấy không giải quyết được, vì vấn đề hiện nay không chỉ ở giới hạn số lệnh 1 phiên, mà nhiều lệnh vào cùng một lúc làm hệ thống HOSE “đơ”.

Như vậy, nhà đầu tư sẽ phải giao dịch trong bất định ít nhất là tới tháng 7 nếu dòng tiền vẫn hướng mạnh vào chứng khoán.

Việc giao dịch trong bối cảnh này khiến hầu hết nhà đầu tư đều rất bức xúc và không tránh khỏi đưa ra quyết định sai lầm, bị thiệt hại đáng kể. Trên nhiều nhóm chứng khoán và diễn đàn, nhà đầu tư phản ánh nhiều về tình trạng “mua đắt” và “bán hớ”.

Bảng giật cục cũng dấy lên e ngại về việc nhiều mã chứng khoán có thể dễ dàng bị bóp méo giá, cũng như chỉ số VN-Index có thể méo mó do giá đóng cửa không phản ánh đúng thị trường.

Thanh khoản tiếp tục thiết lập kỷ lục mới. Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường ngày 2/6 đạt 32.391,55 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền giải ngân trên HOSE là 26.142,96 tỷ đồng với khối lượng giao dịch 805,24 triệu cổ phiếu.

Khả năng xử lý của hệ thống có thể chịu tải được đến bao nhiêu tỷ đồng và tình trạng "đu đơ" của bảng điện có thể khắc phục được bằng cách nào vẫn không được HOSE thông tin.

Trong khi các ngành khác đang phải lăn lộn phục vụ để có khách hàng và có doanh thu thì ngành chứng khoán lại tồn tại nghịch lý “đuổi khách”, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đóng góp ngân sách qua thuế và các loại phí chứng khoán. Dĩ nhiên, tình huống hiện nay buộc các thành viên thị trường phải chấp nhận nhưng câu hỏi trách nhiệm vẫn cần đặt ra, bên cạnh câu hỏi: Có thể làm tốt hơn được không và có thực sự nhà điều hành thị trường đã nỗ lực làm tốt nhất có thể hay chưa?

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục