Nhà đầu tư cần tập làm quen với sự “ngạc nhiên”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một xu thế đang nổi lên trên thị trường tài chính quốc tế, các quỹ phòng hộ (hedge funds) lớn ở Mỹ đã “bỏng tay” khi đầu cơ giá xuống cổ phiếu Tesla và GameStop. Đây cũng là bài học với thị trường Việt Nam.
Nhiều quỹ đầu cơ giá xuống lỗ lớn vì hàng triệu nhà đầu tư có động lực cố gắng liên kết, động viên nhau để nắm giữ vị thế đầu cơ giá lên. Nhiều quỹ đầu cơ giá xuống lỗ lớn vì hàng triệu nhà đầu tư có động lực cố gắng liên kết, động viên nhau để nắm giữ vị thế đầu cơ giá lên.

Công nghệ khiến thị trường thay đổi

Nền tảng cho hoạt động của hệ thống tài chính trên thế giới trong bao năm qua luôn dựa vào niềm tin về “thị trường hiệu quả”.

Theo đó, tất cả nhà đầu tư trên thị trường đều là nhà đầu tư lý trí, họ luôn điều chỉnh lại giá chứng khoán theo cách hợp lý khi thông tin mới được cập nhật.

Tuy nhiên, ngay cả khi không phải tất cả nhà đầu tư trên thị trường đều là nhà đầu tư lý trí, thị trường vẫn hiệu quả nếu như việc định giá sai giữa các nhà đầu tư không mang tính hệ thống.

Nói cách khác, định giá sai của người này sẽ bù trừ hay triệt tiêu định giá sai của người khác và như vậy, kỳ vọng chung của tổng mức định giá sai trên thị trường bằng không.

Không có giới hạn cho hoạt động kinh doanh chênh lệch giá. Vì ngay cả khi định giá sai tồn tại, chỉ cần một vài nhà đầu tư hợp lý khai thác sự định giá sai này thông qua các hoạt động đầu cơ giá xuống hoặc giá lên bằng các công cụ bán khống, hợp đồng quyền chọn…, định giá sai sẽ được hiệu chỉnh nhanh chóng và thị trường vẫn hiệu quả.

Kết quả định giá sai bây giờ hoàn toàn có thể mang tính hệ thống và chúng sẽ không triệt tiêu bù trừ lẫn nhau mà lại hỗ trợ lẫn nhau, thách thức sự can thiệp bởi các quỹ.

Ngày nay, tiến bộ công nghệ như trí tuệ nhân tạo và máy học đã giúp giảm thiểu chi phí phân tích thông tin và thời gian cần thiết để thông tin được cập nhật vào giá thị trường. Thời gian để các quỹ đầu tư cạnh tranh nhau đưa lệnh mua bán lên hệ thống chỉ còn tính bằng đơn vị phần trăm ngàn của giây.

Thực tế đã cho thấy hoạt động kinh doanh chênh lệch giá không phải lúc nào cũng có thể thực hiện, đặc biệt khi cảm xúc của số đông nhà đầu tư nhỏ lẻ đang rất lạc quan hay bi quan về triển vọng của một cổ phiếu nào đó, khi đó, các nhà đầu tư tổ chức sẽ e ngại rủi ro và không can thiệp. Như vậy, định giá sai vẫn có thể tồn tại trong khoảng thời gian nhất định.

Thí dụ, các quỹ hedge fund lớn ở Mỹ vào năm 2020 đã lỗ 40 tỷ USD và lỗ đến 243 tỷ USD trong giai đoạn 2019 - 2020, khi các quỹ này dựa vào phân tích của mình tin rằng cổ phiếu Tesla hiện đang được định giá cao nên đã tiến hành đầu cơ giá xuống.

Trên thực tế, giá cổ phiếu Tesla không những không xuống dưới áp lực bán khống, mà còn tiếp tục tăng cao.

Các quỹ hedge funds đến lúc phải buông bỏ và đóng vị thế bán khống của mình bằng cách quay lại mua vào cổ phiếu để hoàn trả cho nhà đầu tư, điều này lại làm giá cổ phiếu dưới áp lực mua mới tiếp tục tăng nhanh hơn. Kết quả, các quỹ đầu cơ chuyên nghiệp này đã phải gánh chịu tổn thất chồng lên tổn thất.

Tại sao các quỹ đầu cơ lại bị “bỏng tay” trong trường hợp của Tesla? Các số liệu cho thấy, doanh số bán xe điện thông minh của Tesla trong thời gian gần đây đang tăng trưởng khá tốt, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn so với thị phần của xe hơi truyền thống.

Và quan trọng hơn, các nhà đầu tư tổ chức có thể lo ngại rằng, sớm hay muộn thì đối thủ cạnh tranh từ các công ty công nghệ hàng đầu khác của Mỹ như Apple, Google… hoặc từ Đức, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… sẽ đuổi kịp và đe dọa vị thế độc tôn của Tesla.

Và khi đưa kỳ vọng này vào trong mô hình phân tích và định giá, có vẻ như giá cổ phiếu Tesla hiện tại bị thổi phồng bởi cảm xúc hồ hởi quá mức của hàng triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ, phần lớn là các “big fan” của Tesla trên thị trường.

Cổ phiếu Tesla từ khi ra mắt nhà đầu tư lần đầu tiên trên thị trường vào năm 2010 chỉ có giá ở mức hơn 20 USD/cổ phiếu, nhưng sau đó đã tăng đến 200 USD vào năm 2014, gần 600 USD vào năm 2020 và chỉ trong vài tháng sau đó tăng lên đến đỉnh điểm là 800 USD, đưa nhà sáng lập Elon Musk trở thành người giàu nhất thế giới vào tháng 1/2021.

Tuy nhiên, sau đó vài tuần, quyết định đầu tư 1,5 tỷ USD của Tesla vào Bitcoin đã làm giá cổ phiếu Công ty giảm hơn 20% chỉ trong 3 tuần, trở về mức hơn 600 USD, bất chấp Tesla đã lời hơn 1 tỷ USD từ thương vụ này.

Các nhà phân tích hàng đầu tại Ngân hàng đầu tư Barclays đã công bố nghiên cứu cho thấy, thành quả của cổ phiếu Tesla có kết nối rất rõ với những bình luận của hàng triệu cổ đông nhỏ lẻ là thành viên tham gia diễn đàn WallstreetBets trên trang mạng thảo luận đầu tư nổi tiếng Reddit.

Rất nhiều nghiên cứu khác công bố bằng chứng cho thấy, vào ngày 27/1/2021, khi Elon Musk đăng dòng tweet “Gamestonk” đưa 43 triệu người theo dõi của mình trên Twitter cùng với đường link dẫn họ đến đến diễn đàn Wallstreetbets, lập tức giá cổ phiếu của GameStop đã tăng đến 60% vào cuối ngày.

Elon Musk không ưa thích các quỹ hedge funds là điều đã rõ, nhưng kết quả này đáng ngạc nhiên. Nó cho thấy tiến bộ công nghệ và mạng xã hội đã giúp cả triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ cộng tác lại với nhau dễ dàng hơn rất nhiều so với trước đây.

Như vậy, kết quả định giá sai bây giờ hoàn toàn có thể mang tính hệ thống và chúng sẽ không triệt tiêu bù trừ lẫn nhau, mà lại hỗ trợ lẫn nhau, thách thức sự can thiệp bởi các quỹ trong việc hiệu chỉnh đưa giá thị trường trở về mức hợp lý.

Cuộc chiến cá mập - nhỏ lẻ

Câu chuyện thứ hai là về cổ phiếu GameStop. Trên khắp nước Mỹ, GameStop là nơi người tiêu dùng mua bán các trò chơi điện tử. Tuy nhiên, đối với hàng triệu cổ đông nhỏ lẻ trên diễn đàn WallstreetBets, cổ phiếu công ty này lại trở thành chiến trường chống lại tầng lớp giàu có, còn được gọi là “tầng lớp 1%”, với mục đích có thể để lấy tiền của người giàu chia cho nghèo chăng? Cổ phiếu GameStop trong thời gian rất dài chỉ đứng ở dưới mức 20 USD/cổ phiếu. Thành quả hoạt động của Công ty không có gì nổi bật, ngay cả hàng triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng hiểu điều đó.

Thông qua ứng dụng Robinhood, hàng triệu nhà đầu tư “tầng lớp 99%”, thậm chí nhiều nhà đầu tư trong số đó đã sử dụng 600 USD tiền cứu trợ dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ Mỹ để tham gia đầu tư vào quyền chọn mua đầu cơ giá lên, làm đối trọng với quyền chọn bán và hợp đồng bán khống để đầu cơ giá xuống các quỹ hedge funds đang thực hiện.

Kết quả, sức mạnh từ đám đông cuồng nhiệt đã thắng, giá cổ phiếu GameStop tăng gần 1.700% hay tăng lên đến mức 383 USD vào 2 tháng sau đó và hơn 30 tỷ USD đã được các nhà đầu tư tham gia diễn đàn “Reddit” và Wallstreetbets trên khắp thế giới đổ vào thị trường chỉ nội trong ngày 27/1/2021.

Quỹ đầu tư Malvin là quỹ hedge fund chủ chốt tham gia đầu cơ giá xuống cổ phiếu GameStock đã lỗ đến 53% giá trị tài sản của mình và tính đến đầu tháng 2/2021, các quỹ đầu cơ tổng cộng đã lỗ đến 13 tỷ USD.

Tuy nhiên, chỉ trong chưa đầy 1 tháng sau, vào ngày 19/2/2021, giá cổ phiếu của GameStop đã trở về mức 41 USD, rồi vọt lên 186 USD, cao rất nhiều so với giá trị thực.

Các quỹ đầu cơ hầu hết đã đóng vị thế đầu tư giá xuống của mình đối với cổ phiếu GameStop. Họ đã thất bại thảm hại vì không lường trước được sức mạnh cùng lúc của hàng triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ được kết nối qua các diễn đàn trên mạng xã hội.

Hệ quả là định giá sai vẫn ngang nhiên tồn tại. Trong khoảng thời gian này, sự chao đảo của giá cổ phiếu GameStop đã lật đổ bất cứ khái niệm nào về thị trường hiệu quả.

Thị trường tài chính ngày nay đã thay đổi rất nhiều và thay đổi vô cùng nhanh chóng. Tại sao hàng triệu nhà đầu tư lại có động lực cố gắng liên kết, động viên nhau để nắm giữ vị thế đầu cơ giá lên cho đến “hơi thở cuối cùng”?

Vì nếu họ thắng thì thua lỗ rất lớn của các quỹ đầu cơ sẽ là lợi nhuận của họ, những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Vì đơn giản họ muốn chống lại “tầng lớp 1%”, lấy của người giàu chia cho người nghèo chăng?

Nếu điều này tiếp tục xảy ra trong tương lai sẽ đe dọa cơ chế hiệu quả của thị trường trong việc hiệu chỉnh định giá sai. Có lẽ, hoạt động đầu tư của các định chế tài chính giờ đây sẽ gặp khó khăn hơn trước rất nhiều.

Vũ Viết Quảng, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục