Khởi sắc
7 ngày sau khi thất bại tại chương trình gọi vốn Shark Tank, ông Nguyễn Trung Dũng, sáng lập DH Foods thông báo nhận được khoản đầu tư chính thức từ nhóm nhà đầu tư bạn bè. Theo đó, nhóm này đã đồng ý đầu tư 24 tỷ đồng vào công ty theo 2 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn đầu, họ đầu tư 12 tỷ đồng đổi lấy 5% cổ phần DH Foods, hợp đồng đầu tư sẽ được ký vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2021. Giai đoạn sau đầu tư 12 tỷ đồng đổi lấy 5% cổ phần DH Foods, hợp đồng sẽ được ký vào quý II/2022, sau khi nhận được báo cáo tài chính của DH Foods cho năm 2021.
“Sau khi không chốt được với ‘cá mập’ trong bể, tôi đã được nhóm các nhà đầu tư bên ngoài - cũng được coi là cá voi, cá voi sát thủ, cá mập và các nhà khoa học - rót vốn”, ông Dũng chia sẻ.
Danh tính cụ thể của các nhà đầu tư này không được tiết lộ theo điều khoản hợp đồng, nhưng ông Dũng khẳng định, trong nhóm nhà đầu tư đó, có những “cá voi sát thủ” thực sự và họ sẽ đi cùng DH Foods trong ít nhất là 10 năm. Với ông, cá voi thích hơn cá mập, cá mập ngoài đại dương thích hơn cá mập trong bể.
Cách nói vui, ví von của ông Dũng cho thấy thực trạng các nhà đầu tư hiện nay và suy nghĩ của các doanh nghiệp nhận vốn đầu tư. Thực tế, DH Foods không phải là mục tiêu đầu tư của nhóm nhà đầu tư “cá voi sát thủ” này để tìm kiếm một giai đoạn tăng trưởng nóng, ép doanh số để lấy lợi nhuận. Thậm chí, nếu nhóm đầu tư này quyết định mua lại 100% công ty, thì cũng còn quá bé so với tiềm lực của họ.
Theo ông Dũng, có thể nhóm nhà đầu tư này thích mô hình kinh doanh của DH Foods, nên tham gia và hỗ trợ phát triển. Cũng có thể họ thích cách điều hành doanh nghiệp của ông, minh bạch khi công khai tất cả thông tin về doanh số, tăng trưởng, lợi nhuận trung thực.
“Tôi có thể gọi họ là ‘cá voi sát thủ’ thì đúng hơn. Họ rất to, đi săn mồi tự do mà có bầy đàn, có tổ chức rất chặt chẽ. Họ quân tử, cũng rất sòng phẳng. Với họ, mọi con số phải rõ ràng, biết nói, nhất là hồ sơ doanh nghiệp phải tốt. Tôi phải làm mọi thứ chính xác và trung thực”, ông Dũng cho biết.
Có thể họ là nhà đầu tư bạn bè, không phải quỹ hay công ty tổ chức, không lướt sóng đi lâu dài, sẽ hỗ trợ các mảng còn yếu như luật đầu tư, gọi vốn…, nhưng họ tin tưởng và để Ban lãnh đạo DH Foods tiếp tục con đường phát triển đã vạch ra.
Không phải công ty nào cũng có được may mắn khi tìm được các nhà đầu tư cam kết đi đường dài với mình như DH Foods. Bởi nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng đói vốn, cùng quẫn, sắp phá sản như các công ty trong lĩnh vực du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, các start-up… Các công ty này có thể đang cân nhắc bán lại công ty với giá rẻ. Đây được cho là bối cảnh tốt để các nhà đầu tư “khát máu” hay nhà đầu tư “kền kền” tái xuất.
Dịch Covid-19 khiến nhiều công ty phá sản, phải tái cơ cấu toàn diện hoặc chứng kiến giá cổ phiếu giảm sâu, trong khi một số công ty tích trữ tiền mặt, hoạt động vẫn tốt và sẵn sàng mua lại các công ty khác. Trên thế giới, một số lĩnh vực chứng kiến xu thế M&A mạnh bao gồm ngành công nghiệp ô tô, bán lẻ, lưu trú, hàng không (hàng loạt hãng hàng không đã tuyên bố phá sản tự nguyện hoặc nộp đơn xin bảo hộ phá sản).
Trong khi đó, tại Việt Nam, theo TS. Cấn Văn Lực, các nhà đầu tư “kền kền” đã và đang tiếp tục hiện diện nhiều hơn, đặc biệt trong thời gian này và có thể trở lại mạnh mẽ như ở giai đoạn 2010-2012. Hầu hết các kênh đầu tư trong năm 2021 đều sẽ khởi sắc, lựa chọn kênh đầu tư nào sẽ tuỳ thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng nhà đầu tư.
Tuy nhiên, doanh nghiệp thời Covid-19 khác với doanh nghiệp trong thời khủng hoảng kinh tế những năm 1998, 2008. Sự khác nhau này kéo theo cách tiếp cận khác của các nhà đầu tư.
Theo ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC, phụ trách thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, trên thế giới, việc đi tìm những tài sản giá rẻ, doanh nghiệp khó khăn để mua không có gì mới. Vào thời điểm nào hay trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà đầu tư đều muốn mua với giá rẻ.
Trong khủng hoảng tài chính, nhà đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn hơn và họ biết luôn việc mua doanh nghiệp, tài sản đó để làm gì, nên “nhà đầu tư cá mập” (shark) quyết định rất nhanh. Còn trong thời Covid-19, không ai biết trước được tương lai thế nào, nên shark sẽ cần một thời gian quyết định, bởi họ không biết mua thời điểm này có đắt quá không, mua xong lại bùng dịch tiếp thì sẽ làm gì…
Hai cách “săn mồi”
“Shark bây giờ phải ngồi canh thị trường giống như nhà đầu tư chứng khoán ngồi xem màn hình. Nó hồi hộp và hấp dẫn lắm”, ông Robert Trần cho hay.
Ông Robert Trần được coi là nhà đầu tư, thậm chí có thể gọi là shark khá có tiếng cả thị trường trong và ngoài nước. Thời điểm khủng hoảng tài chính 1998, 2008 trên thế giới, dù mới là nhân viên chân ướt chân ráo vào nghề đầu tư ở Mỹ, nhưng ông đã được thực hiện những thương vụ mua lại công ty dược phẩm.
Tâm lý hiện nay của các shark khác hẳn những giai đoạn khủng hoảng tài chính trước đó. Thời điểm đó, các nhà đầu tư có thể dự phòng được trường hợp xấu nhất của mình là gì, nhưng thời Covid-19 thì không.
Ông Robert Trần
Ông Robert Trần từng có nhiệm vụ đi mua công ty chuẩn bị phá sản, về vực dậy rồi bán. Những mốc thời gian khủng hoảng tài chính, nhiều công ty chỉ được bán với giá 0 đồng, với điều kiện nhà đầu tư sẽ thay họ trả nợ cho ngân hàng. Đó là thời điểm dễ mua vì doanh nghiệp nếu “chết” là chết lâm sàng hoặc chết ngay lập tức. Trong khi hiện nay là chết từ từ, chủ doanh nghiệp vẫn có tâm lý chờ đợi xem tình hình diễn biến thế nào.
Bối cảnh trên buộc các nhóm nhà đầu tư phải thay đổi cách “săn mồi”. Có thể thời điểm này các shark sẽ chia nhỏ ra để mua. Đầu tiên, nếu là một công ty có nhiều mảng kinh doanh khác nhau, thì shark sẽ không mua cả công ty, mà chia nhỏ ra theo từng mảng để mua. Thứ hai, shark sẽ bỏ tiền mua nhiều công ty nhỏ khác nhau trong nhiều ngành khác nhau, mà không tập trung quá nhiều vốn để mua một công ty quá lớn.
Mặc dù vậy, tâm trạng của shark giờ khá lung lay, vì khó trả lời được câu hỏi của các nhà đầu tư, nhóm cá nhân đứng sau khoản vốn đó. Bản thân nhà đầu tư đem tiền đi mua gom tài sản cũng không trả lời được câu hỏi nếu dịch bùng tiếp thì sẽ giải quyết thế nào. Vì vậy, trong thời Covid-19, shark khó xuống tiền nhanh được.
Nếu ở những giai đoạn khủng hoảng kinh tế, khi shark thấy doanh nghiệp “chết lâm sàng” là có thể nhảy vào mua luôn, thì nay bản thân chủ doanh nghiệp cũng lừng khừng, nửa muốn tái cấu trúc, nửa muốn thoái vốn, nửa muốn chờ đợi dịch bệnh qua nhanh…, khiến shark cũng khó đàm phán theo.
Tuy nhiên, với tư cách là nhà đầu tư đi mua, vực dậy doanh nghiệp để bán, thông thường nhóm các nhà đầu tư này rất minh bạch, không dìm hàng người bán. Họ nhảy vào mua doanh nghiệp với quan điểm mua các món nợ để giúp doanh nghiệp thoát khỏi sự vây hãm của ngân hàng... Khi nhóm nhà đầu tư vào, cũng sẽ thay đổi mô hình kinh doanh và nhiều thứ khác và sau khi đã làm tốt, họ được phép bán lại cho đối tác khác.
Điều quan trọng nhất đối với họ là phải mua được cổ phần của công ty với giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế của doanh nghiệp, khi đó lợi nhuận mới cao. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, có thể nhà đầu tư phải dùng chiêu trò không được thân thiện, thậm chí bị lên án là tung tin xấu về doanh nghiệp, cung cấp những bản báo cáo bi quan về triển vọng của doanh nghiệp, đồng thời có thể kết hợp bán khống cổ phiếu để đẩy giá cổ phiếu rớt thê thảm, từ đó mới bắt đầu thâu tóm.
Lợi nhuận cao luôn kèm rủi ro
Vậy lúc này, có thể nhận diện các nhà đầu tư “kền kền” ở thị trường niêm yết, IPO, hay các khoản vốn rót vào các start-up?
Nhà đầu tư lúc này cũng khó xuống tiền sau khi mua gom tài sản giá rẻ nếu dịch tái bùng phát. |
Võ Vũ Thùy My (Maggie Vo), người điều hành Fuel Venture Capital (VC) - quỹ đầu tư quản lý hàng trăm triệu USD ở thị trường Mỹ cho rằng, cách nhìn nhận về lợi nhuận cần phải đi đôi với khả năng chấp nhận rủi ro và nhu cầu thanh khoản của mỗi người.
Theo Maggie Vo, hầu như các công ty trên sàn đã lớn mạnh và đạt được số lượng doanh thu và khách hàng nhất định, nên khả năng bị sụp đổ và biến mất hoàn toàn rất thấp so với những start-up. Hơn nữa, tính thanh khoản cao của những công ty trên sàn cũng giúp giảm bớt phần nào rủi ro cho nhà đầu tư. Nhưng công ty càng lớn, thì càng khó phát triển với tốc độ nhanh. Công ty start-up có nhiều cơ hội tăng tốc khi tuổi đời còn nhỏ, có thể nâng vốn hoá một cách đáng kể và do đó sinh lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư.
Với sự phát triển và thu hút vốn của thị trường tư nhân như hiện nay, rất nhiều công ty công nghệ quyết định gọi vốn trong thị trường tư nhân để phát triển mạnh hơn. Do đó, nhà đầu tư cần tích cực tìm kiếm những cơ hội đó trong thị trường đầu tư mạo hiểm để không bị lỡ mất những cơ hội sinh lời lớn. Đó cũng là lý do khiến khá nhiều nhà đầu tư rời thị trường đầu tư vào các công ty niêm yết.
Tuy nhiên, với các khoản đầu tư vào doanh nghiệp khó khăn, sắp phá sản, thì nhóm nhà đầu tư cũng phải mất nhiều thời gian và công sức để tái cấu trúc. Do đó, hiện nhiều nhóm nhà đầu tư bỏ tiền vào các quỹ đầu tư mạo hiểm để có những quy tắc làm một cách chuyên nghiệp. “Họ nên lựa chọn những quỹ có khả năng tìm kiếm và được mời tham gia những cơ hội đầu tư có tiềm năng lớn ra ngoài khu vực”, Maggie Vo cho biết.
Còn nếu tự đầu tư một mình, nhà đầu tư nên tránh những start-up còn quá sớm và có nhiều rủi ro mà nhà đầu tư không có khả năng kiểm soát hay hỗ trợ. Nếu nhà đầu tư chọn khuynh hướng đầu tư kiếm lời nhanh, thay vì đầu tư đi dài hạn, thì họ có thể tập trung vào những công ty trên sàn hay gần IPO vì những công ty đó đã định hình và nhà đầu tư có thể thoát vốn dễ dàng, nếu họ không còn thấy khả năng phát triển hay sinh lời của công ty đó, hay tìm thấy một cơ hội đầu tư khác tốt hơn.