Nhà có nhiều, đời có một

(ĐTCK) Sự dịch chuyển từ Sài Gòn lên Đà Lạt của người bạn như sự trốn chạy, mà cũng là kinh nghiệm khi phải đối mặt với thất bại trong cuộc sống.
Ảnh Shutterstock Ảnh Shutterstock

1. Tôi vừa có chuyến đi công tác hơi dài ngày, từ Ninh Thuận lên Đà Lạt. Lúc tới Đà Lạt, tôi cùng 2 người bạn có ghé thăm người quen đã lâu rồi “biệt tích giang hồ”. Trước đây, anh làm một công việc khá đặc biệt trong nhà nước, sau này nghỉ hẳn ra ngoài kinh doanh. Cuộc sống hôn nhân của anh cũng trục trặc như việc làm ăn vậy.

Với “vốn liếng” lần lượt 3 người vợ và 4 đứa con, cũng không đủ sức níu kéo người lận đận này ở lại Sài Gòn. Chẳng có cuộc sống chung nào kéo dài được quá 7 năm và chẳng có công việc nào thành công như tham vọng, với vốn liếng quá ít ỏi trong tay, anh trở về quê mẹ để mở quán cà phê cóc sát bên nhà xe đò.

Khách khứa đi từ nhiều tỉnh khác, nửa đêm nửa hôm vẫn ngồi đồng để uống cà phê chờ người nhà tới rước, hoặc chờ tới chuyến xe đi. Nhìn bảng giá mỗi ly cà phê nóng có 10.000 đồng, tôi không hiểu sao anh có thể kiếm tiền đủ trang trải cuộc sống, nuôi bản thân, dưỡng mẹ già và con thơ.

Và hơn thế nữa, 1 ngày của anh bắt đầu vào lúc nửa đêm, cứ chạy lăng xăng như vậy đến khi chiều tối, vừa làm công việc pha chế, vừa làm chân phục vụ, nghĩa là chỉ có một mình kiêm tất cả các công đoạn ở quán cà phê (chưa kể có chừng 6 phòng trọ giá rẻ trên lầu - cũng tự làm mọi thứ), chắc chắn mệt mỏi và vất vả lắm lắm luôn.

Khi gặp lại, quả thực chúng tôi hơi sốc. Bởi trước đây, qua những lời kể chuyện của bà mẹ, thì gia đình của họ rất chỉn chu, đẹp đẽ và hào nhoáng. Mẹ anh vốn là 1 giáo viên dạy tiểu học, rành rẽ cả tiếng Pháp và tiếng Anh.

Bà là người gốc Bắc, sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt nên cũng có nét đặc trưng trong sự nền nếp của văn hóa gia đình. Khi mấy người con được học hành và lập nghiệp tại Sài Gòn, bà theo các con xuống thành phố sinh sống. Với cách thể hiện của bà, mọi thứ đều rất ổn định tuyệt vời, văn minh theo kiểu rất châu Âu.

Nhưng trên thực tế, thì mọi sự khắc nghiệt hơn nhiều lắm. Các con của bà, cả trai lẫn gái đều không thành công cả sự nghiệp lẫn kinh doanh. Họ sống chật vật trong những căn nhà thuê, nhưng lại luôn tỏ ra cho mọi người thấy rằng mọi sự đều dư dả, thoải mái. Dù đi thuê nhà, nhưng phải thuê nhà bự mới chịu. Dù tiền không có, nhưng phải rộng tay cho tiền bà con dòng họ mỗi khi gặp gỡ mới chịu. Và vì vậy, mà chẳng bao giờ có chút dư để sinh sống, chứ đừng nói có vốn để làm ăn.

Sau một thời gian làm ăn gì cũng thua lỗ, anh bạn này đã phải chia tay vợ, lên Đà Lạt mướn nhà gầy dựng cuộc sống. Với cách làm như chúng tôi quan sát, có lẽ tương lai thành công cũng như ánh nến thổi lên ngoài bãi biển - tắt ngúm bất cứ lúc nào.

2. Người ta thường nói, ai cũng chỉ sống có một cuộc đời. Ăn xài thời gian thế nào cho có ý nghĩa là do mỗi cá nhân quyết định. Cuộc đời thì hữu hạn như thế, nhưng mái nhà để sinh sống thì lại có thể có rất nhiều. Người ta thay đổi nhà khi có điều kiện tiền bạc dư dả hơn. Và người ta cũng thay đổi nhà khi có những biến cố bất hạnh mất mát ập tới.

Có những người nuôi dưỡng mục đích trong thời gian dài, chỉ là kiếm tiền mua căn nhà, trả góp tới 20 năm, nghĩa là đã chiếm 1/4 đời người, nhưng cũng có người suốt cả cuộc đời chỉ có thể đi thuê căn phòng 15 m2 và di chuyển từ nhà trọ quận này qua nhà trọ quận khác mà không thể đủ tiền sở hữu căn nhà cho riêng mình.

Và như thế, đời thì chỉ có một, nhưng nhà lại có rất nhiều, đòi hỏi những sự ứng biến khôn ngoan, chăm chỉ, thông minh của mỗi người. Khi thất bại vài lần, thì còn đổ lỗi cho số phận, nhưng làm gì cũng đổ vỡ, cũng thất bại, thì chỉ có thể đổ lỗi duy nhất do năng lực cá nhân.

Bởi vậy, xã hội phân hóa giàu nghèo càng cách biệt, thì đó mới chính là một xã hội phát triển, và tiệm cận sự văn minh, công bằng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục