Nhà báo Trương Anh Ngọc: Niềm tin vào giá trị sống vượt lên mọi nỗi sợ hãi

Châu Âu và thế giới vừa trải qua một năm 2016 với đầy rẫy những sự kiện tưởng như làm cho ai nấy đều hoang mang, âu lo, đâu đó còn là sự sợ hãi… Nhưng sau mỗi biến cố đó, người dân châu Âu lại bình thản đến lạ lùng. Nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ những cảm nhận của một người nhiều năm sống ở trong lòng châu Âu.
Nhà báo Trương Anh Ngọc Nhà báo Trương Anh Ngọc

Thưa nhà báo Anh Ngọc, khi nhìn lại một năm đầy biến động của thế giới nói chung và lục địa già - châu Âu nói riêng, đọng lại trong tôi lại là những hình ảnh hàng ngàn người dân Pháp trở lại Nhà hát Bataclan đúng vào dịp tròn một năm  xảy ra vụ thảm sát và bắt cóc con tin làm chấn động thế giới vào tháng 11/2015. Anh nghĩ gì về cách mà người dân Pháp trở lại Nhà hát Bataclan như vậy?

Trước hết, tôi muốn nói thêm rằng, cuộc khủng bố đó là sự kiện đẫm máu nhất xảy ra trên đất Pháp trong hơn nửa thế kỷ qua, kể từ sau khi Chiến tranh thế giới II kết thúc.

Nhưng, trong buổi diễn mở cửa trở lại của Nhà hát Bataclan tháng 11/2016 vừa rồi, ngoài 1.000 vé bán cho người dân, lãnh đạo Nhà hát đã dành 500 vé cho những người sống sót và người thân của các nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ tấn công gây phẫn nộ đó.

Người châu Âu lo thất nghiệp, vì thất nghiệp là không nuôi nổi mình, chưa nói làm được gì cho xã hội; lo không có sức khỏe để sống cuộc sống ý nghĩa. Điều đó còn đáng sợ hơn cả khủng bố.

Vào đúng tối 13/11 - tròn một năm vụ thảm sát, nhóm nhạc rock của Mỹ Eagles of Death Metal cũng trở lại biểu diễn tại Nhà hát Bataclan. Họ là nhóm nhạc đã biểu diễn trên sân khấu Nhà hát vào buổi tối xảy ra vụ bắt cóc con tin và những kẻ khủng bố xả súng vào khán giả.

Đó không đơn thuần là khán giả trở lại nhà hát thưởng thức nghệ thuật. Đó là thông điệp mà người dân Pháp, Chính phủ Pháp muốn nói, rằng cuộc sống của họ vẫn tiếp diễn; rằng mất mát, đau thương do kẻ xấu gây ra không thể đánh gục họ.

Những kẻ xấu muốn gieo rắc nỗi sợ hãi, muốn cướp đi mạng sống của họ và đã cướp đi mạng sống của nhiều người, nhưng niềm tin của họ vào cuộc sống vẫn vẹn nguyên như vậy. 

Đó là cách trở lại của họ qua một sự kiện, một hình ảnh dù sao cũng mang đầy tính hình tượng, mang tính thông điệp như anh vừa nói. Còn trong cuộc sống thường nhật, ở một góc phố, trong một quán ăn, hay trong mỗi bữa cơm gia đình, anh cảm thấy người dân châu Âu phản ứng với những thách thức đó như thế nào?

Tôi muốn nói đến những chia sẻ của những người bạn tôi ở châu Âu. Trong cuộc khủng bố ở Pháp ngày 13/11, có một cô gái Ý là nạn nhân người Ý duy nhất mất ở đó. Ngày 16/11 thì bạn cô ấy nhắn tin cho tôi, báo rằng “Tôi mất bạn tôi trong cuộc khủng bố đó, nhưng cô ấy là người dũng cảm, đã chết như một người hùng”.

Hay trong vụ khủng bố đánh bom ở một sân bay quốc tế và một ga tàu điện ngầm tại ở Brussels (Bỉ), sáng 22/3/2016 làm 31 người thiệt mạng và 270 người bị thương, một người bạn của tôi sống ngay khu Lympic, chính là khu bọn khủng bố đã ở đó và rời đi trước khi hành động.

Anh bạn nói với tôi: “Tôi đã sống ngay bên cạnh những kẻ khủng bố mà không biết. Những kẻ đó trông rất quen, như bao người khác tôi gặp. Tôi có cảm giác không thể biết ai là khủng bố ở quanh mình”.

Tôi hỏi, liệu anh có nghĩ đến việc di chuyển đến nơi khác sinh sống không, dù sao đó cũng là nơi bọn xấu đó từng ở, biết đâu vẫn có những kẻ khác, hay lúc khác chúng lại tới? Nhưng anh bạn tôi quả quyết sẽ không chuyển nhà, không chuyển công việc, không đi đâu khác.

Anh bảo, không thể biết trước những kẻ xấu đó chúng ở đâu, sẽ tới đâu, vì chính những kẻ xấu đó mới phải trốn chạy, luôn phải tìm cách lẩn vào cuộc sống này.

Người ta nói rằng, những kẻ khủng bố cho nổ bom, xả súng, gây ra những vụ thảm sát không chỉ là để giết người, mà hơn thế, là nhằm phá vỡ niềm tin, đánh gục niềm tin vào giá trị sống của đối phương?

Tôi nghĩ đó mới là cái sâu xa mà những kẻ phá hoại muốn hướng tới. Trong bất kỳ cuộc chiến nào, kẻ thù luôn muốn tàn phá những gì đại diện cho giá trị văn hóa, truyền thống của đối phương. Đó có thể là những công trình mang tính biểu tượng, những pho sách quý, những tác phẩm nghệ thuật kinh điển…

Trong các cuộc khủng bố, việc thảm sát có thể gieo rắc nỗi sợ hãi, nhưng việc thảm sát ở đâu, đánh bom ở đâu lại mang mục đích khác. Tại sao khủng bố lại nhắm đến sân vận động? Tại sao khủng bố lại nhắm đến nhà hát? Không phải chỉ vì ở đó đông người.

Nhà báo Trương Anh Ngọc: Niềm tin vào giá trị sống vượt lên mọi nỗi sợ hãi ảnh 1

 Tác giả với nhà báo Anh Ngọc (bên trái) khi vừa trở về Hà Nội

Người châu Âu rất tự hào, lạc quan và tin vào giá trị cuộc sống của họ. Họ tự hào là đương nhiên, khi chính họ tìm ra châu Mỹ, có nền văn minh lâu đời, đi đầu về những cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật. Họ tin tưởng, tự hào đến mức kiêu hãnh về những giá trị đó. Chính vì thế, những kẻ khủng bố muốn đánh vào niềm tự hào của họ, đánh vào lối sống, vào niềm kiêu hãnh của họ.

Nhưng cũng chính vì thế, người châu Âu đã cho những kẻ xấu thấy câu trả lời, rằng niềm tin của họ, lối sống của họ mới là cái cốt lõi, cái họ gìn giữ. 

Thưa nhà báo Anh Ngọc, những năm qua, châu Âu không chỉ bị thách thức bởi khủng bố, mà họ còn đối mặt với nhiều nỗi lo khác, như suy thoái kinh tế ở một số nước, sự kiện Brexit, hay cuộc khủng hoảng người nhập cư... Phải chăng, đó là những quả “bom nổ chậm” đang đe dọa châu Âu còn nguy hiểm hơn cả khủng bố?

Châu Âu đang đứng trước những thách thức rất lớn, làm lung lay dữ dội một liên minh, cho thấy một liên minh kết cấu lỏng lẻo hơn họ nghĩ.

Từ khi thành lập khối, họ sử dụng đồng tiền chung, nhưng không có chính sách thuế khóa chung, dẫn đến xói mòn lòng tin. Từ là đối tác, các nước giàu có hơn trở thành chủ nợ, các nước như kém phát triển hơn trở thành con nợ. Mười năm qua đã xuất hiện những mâu thuẫn đó và cứ lớn dần.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoàng người nhập cư được giới phân tích châu Âu cho rằng là một đợt test nặng ký thử thách lòng tin của các đối tác trong liên minh. Có chấp nhận người nhập cư hay không? Mỗi nước có trách nhiệm với nhau như thế nào, chia sẻ thế nào về áp lực này cả về chính trị - xã hội và kinh tế?

Cho đến lúc này, chính sách về người nhập cư của mỗi nước cũng như xác định trách nhiệm hỗ trợ của các quốc gia trong EU vẫn còn gây nhiều tranh cãi, nhưng hậu quả thì có thể thấy được và đo đếm được. Ví như, riêng về mặt kinh tế, khi Áo xây dựng các trạm kiểm soát ngăn dòng người di cư, mỗi xe tải đi qua đó, nếu chỉ dừng để trình giấy tờ và mở cốp xem có gì ở trong, tính riêng doanh nghiệp Ý cũng đã mất 5 tỷ euro mỗi năm (Ý xuất sang Đức phải qua Áo). Điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải tăng giá để bù chi phí, hàng hóa giảm cạnh tranh và quan trọng là mất các cơ hội làm ăn.

Hay sự kiện Brexit gây chấn động vừa qua, với việc Anh sẽ tiến hành các thủ tục rời EU cũng cho thấy, thấp thoáng đâu đó một nỗi sợ hãi về trách nhiệm giữa các thành viên.

Những thách thức nói trên cho thấy, châu Âu như một bức tranh trông rất hào nhoáng, nhưng lại chỉ được ghép bằng những miếng lego rời rạc, các màu không ăn nhập với nhau. 

Nói như vậy, châu Âu đang phải đối mặt với một năm mới đầy sóng gió, trong giai đoạn sắp tới cũng rất nhiều khó khăn. Vậy đâu là điều để chúng ta có thể hy vọng vào cuộc sống này?

Tôi đã nhiều lần trở đi trở lại với câu hỏi, tại sao sau mỗi nỗi đau do khủng bố gây ra, người châu Âu lại tỏ ra vững vàng như vậy? Trò chuyện với nhiều người bạn, nhiều đồng nghiệp và người dân châu Âu, tôi nhận ra rằng, họ có nỗi lo còn lớn hơn nhiều.

Nỗi lo canh cánh bên mình của họ là thất nghiệp, là bệnh tật. Nghe có vẻ tầm thường, nhưng đó chính là vì họ tin vào giá trị sống của họ. Họ lo thất nghiệp, là bởi khi đó, họ không nuôi nổi mình, không làm được việc gì có ý nghĩa với ngay bản thân mình chứ chưa nói đến làm gì cho xã hội. Họ lo bệnh tật bởi nó làm họ không có sức khỏe để làm việc, để sống cuộc sống có ý nghĩa. Với họ, điều đó còn lớn hơn là khủng bố.

Chính vì thế, bên cạnh khủng bố gây mất mát, đau thương, thì châu Âu vẫn còn đó những nỗi lo về suy thoái, mất việc làm, về cuộc sống không được đảm bảo. Đó là những nỗi lo xuất phát từ chính niềm tin vào giá trị sống của họ, nỗi lo làm họ không được sống đúng với điều mà họ kiêu hãnh, tự hào.

Nhưng chắc chắn họ vẫn hy vọng, và chúng ta cũng hy vọng vì con người chưa bao giờ thôi hy vọng vào cuộc sống tốt đẹp hơn ở phía trước. Tôi rất ấn tượng với thông điệp mà tân Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Antonio Guterres đưa ra trong ngày đầu tiên của năm 2017, cũng là ngày ông chính thức nhận nhiệm vụ đứng đầu tổ chức này, rằng: “Không ai chiến thắng trong các cuộc chiến tranh cả, tất cả đều là người thua cuộc. Phụ nữ, trẻ em và cả những người đàn ông đều bị giết hại, bị tổn thương, bị buộc phải rời bỏ nhà cửa, bị tước đoạt đi nhiều thứ và thiếu thốn”.

Và ông thúc giục thế giới tìm mọi cách vượt qua sự khác biệt, cùng hành động “như một gia đình nhân loại”: “Nhân phẩm và hy vọng, sự tiến bộ và thịnh vượng phụ thuộc vào hòa bình. Nhưng sự yên bình đó phụ thuộc vào chúng ta”. Rõ ràng là như vậy, tất cả phụ thuộc vào chúng ta. Khi chúng ta có niềm tin vào cuộc sống, vào giá trị sống của mình thì sẽ vượt qua mọi nỗi sợ hãi.

Huy Hào thực hiện
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục