Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm tài sản thiệt hại năm 2018 ước đạt 6.368 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2017. Tỷ lệ bồi thường ước đạt 38%, cao hơn đáng kể so với con số 27% của năm 2017.
Trong năm qua, có đến 19 vụ tổn thất tài sản kỹ thuật có thiệt hại lớn từ 200 tỷ đồng trở lên, trong đó có 3 vụ tổn thất trên 300 tỷ đồng. Nguyên nhân tổn thất chủ yếu là do cháy hàng hóa, nhà xưởng và do bão lụt. Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an) cũng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra gần 3.000 vụ cháy, làm chết 73 người, bị thương 163 người; thiệt hại về tài sản 1.590 tỷ đồng...
Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh số vụ cháy nổ gia tăng cả về số lượng và tỷ lệ bồi thường, năm nay, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ bị thắt chặt các điều kiện, kiều khoản tái bảo hiểm, các mức phí, mức khấu trừ dành cho các hợp đồng tái bảo hiểm cũng sẽ tăng cao hơn.
Thực tế, một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, năm 2019, lần đầu tiên các nhà tái bảo hiểm lớn trên thế giới áp dụng tại thị trường tái bảo hiểm Việt Nam khái niệm “chia sẻ tổn thất" cho các hợp đồng bảo hiểm liên quan đến tài sản kỹ thuật, nghĩa là các doanh nghiệp tái bảo hiểm sẽ vẫn thu phí tái như trước đây, nhưng họ chỉ chịu đến ngưỡng tổn thất nhất định (thường từ 75-110% tùy quy định của doanh nghiệp tái), nếu vượt ngưỡng, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải tự chi trả bồi thường. Điều này khiến các doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả nhiều chi phí bồi thường hơn.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một số nhà bảo hiểm cho hay, hiện chưa có giải pháp đối với "khái niệm mới" này. Nếu nhượng tái cho những công ty tái bảo hiểm ít uy tín hơn, với các quy định “dễ thở” hơn, thì các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ khó có thể chi trả bồi thường của chính các nhà tái này.
Nhưng nếu "liều mình" tự chịu trách nhiệm cho mức tổn thất trên ngưỡng quy định, thì rủi ro là rất cao do những tổn thất về tài sản kỹ thuật khi đã xảy ra thường gây thiệt hại lớn. Đó là chưa kể, một khi tuân thủ theo quy định của các nhà tái quốc tế thì tỷ lệ hoa hồng tái sẽ giảm xuống mức thấp, nhưng nếu không tuân thủ thì doanh nghiệp bảo hiểm phải gánh toàn bộ rủi ro liên quan.
Không chỉ nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật, các nhà tái quốc tế cũng có sự điều chỉnh đối với nghiệp vụ bảo hiểm chăm sóc sức khỏe trong năm 2019, cho dù tỷ lệ bồi thường năm 2018 của nghiệp vụ này không tăng đột biến.
Cụ thể, trong mùa tái tục cuối năm 2018, nhà tái đưa ra phương án “chia sẻ lợi nhuận” (profit sharing) đối với các doanh nghiệp bảo hiểm gốc. Theo đó, nếu trong phần doanh thu nhận tái, doanh nghiệp bảo hiểm gốc và nhà tái có lợi nhuận thì nhà tái sẽ chia sẻ lại một phần lợi nhuận đó cho doanh nghiệp bảo hiểm theo 2 cách: Hoặc sẽ trả thưởng kinh doanh cho năm đó hoặc sẽ tăng tỉ lệ hoa hồng cho năm kế tiếp.
Mức chia thưởng bao nhiêu và theo hình thức nào sẽ phụ thuộc vào từng hợp đồng và từng nhà tái. Điều này buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm soát tốt hơn tỷ lệ bồi thường các sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe - vốn đang được đánh giá là có tỷ lệ bồi thường cao.
Trước thực tế trên, theo một chuyên gia bảo hiểm, những quy định mới của các nhà tái bảo hiểm quốc tế không chỉ khiến các doanh nghiệp bảo hiểm gốc "đau đầu" trong việc nhận và nhượng tái, mà việc cấp đơn bảo hiểm gốc cũng phải thận trọng hơn so với trước đây.