Nhà bảo hiểm cập nhật quy định nồng độ cồn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nghị định 67/2023 đã làm rõ hơn việc loại trừ thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xe cơ giới mà nguyên nhân có liên quan tới nồng độ cồn. Theo đó, các công ty bảo hiểm đã thay đổi những nội dung liên quan tại giấy yêu cầu giấy chứng nhận bảo hiểm cho phù hợp quy định mới.
Nhà bảo hiểm cập nhật quy định nồng độ cồn

Bảo hiểm PVI vừa ban hành bộ quy tắc mới về bảo hiểm tự nguyện đối với xe ô tô. Theo đó, nhà bảo hiểm này đã định lượng rõ ràng về nồng độ cồn của người lái xe trong bộ quy tắc bảo hiểm và một trong những điểm mới về loại trừ bảo hiểm (Khoản 4, Điều 11 của bộ quy tắc) là: “Tại thời điểm xảy ra tổn thất khi xe đang hoạt động, lái xe điều khiển xe trong tình trạng có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở (tương đương 10,9 mmol/L); hoặc sử dụng các chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật…”.

Điều này có nghĩa, thay vì chỉ quy định chung chung như trước, bộ quy tắc bảo hiểm mới của Bảo hiểm PVI đã cụ thể hóa ngưỡng nồng độ cồn thuộc diện bị loại trừ bảo hiểm, đó là khi người lái xe có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở (tương đương 10,9 mmol/L).

Tương tự, Bảo hiểm Bảo Việt đã có những cập nhật về quy định loại trừ bồi thường có nồng độ cồn theo Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Một số công ty bảo hiểm khác như Bảo hiểm BIDV (BIC), Bảo Minh… có bộ quy tắc quy định chung theo pháp luật bảo hiểm hiện hành nên việc xem xét chi trả bồi thường cũng thực hiện theo quy định mới.

Định lượng nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông đã được luật hóa.

Cụ thể, căn cứ theo Điều 7 - Nghị định 67/2023 quy định về phạm vi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trong các trường hợp: Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc người bị thiệt hại; người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức trị số bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế; sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật...

Theo hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành hóa sinh ban hành kèm theo Quyết định 320/QĐ-BYT năm 2014 của Bộ Y tế, nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở ở mức bình thường là dưới 10,9 mmol/L. Như vậy, theo Nghị định 67/2023, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường khi thiệt hại xảy ra do người lái xe có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở dưới ngưỡng quy định.

Trước đây, nhà bảo hiểm sẽ từ chối bồi thường thiệt hại đối với lái xe trong hơi thở có nồng độ cồn, cho dù chỉ số nồng độ cồn đã được cơ quan y tế xác định là cồn tự nhiên trong cơ thể. Đây là một trong những nguyên nhân gây tranh chấp, khiếu kiện khi xem xét bồi thường bảo hiểm tài sản.

Như vậy, có thể thấy, Nghị định 67/2023 được ban hành vừa giúp đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người điều khiển phương tiện giao thông, tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp bảo hiểm khi xem xét chi trả bồi thường, vừa góp phần hạn chế xung đột lợi ích giữa khách hàng và công ty bảo hiểm mà nguyên nhân có liên quan tới nồng độ cồn.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục