Nhà băng Trung Quốc “mắc kẹt” với áp lực chia 42 tỷ USD cổ tức

(ĐTCK) Trên toàn cầu, các doanh nghiệp đang cắt giảm, tạm ngừng chi cổ tức để đối phó với những khó khăn thời đại dịch. Vậy nhưng các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc vẫn cam kết chi 42 tỷ USD cổ tức theo yêu cầu của cổ đông nhà nước.
Nhà băng Trung Quốc “mắc kẹt” với áp lực chia 42 tỷ USD cổ tức

Ngân hàng Công nghiệp và thương mại Trung Quốc (ICBC) và 3 nhà băng lớn có cổ phần nhà nước khác quyết định chia hơn 30% lợi nhuận năm 2019 cho cổ đông, với tỷ lệ chia cổ tức trung bình khoảng hơn 6%. Con số này cao gấp đôi so với những nhà băng tại Mỹ.

Trong bối cảnh các ngân hàng đối diện với hàng nghìn tỷ nhân dân tệ nợ xấu, việc duy trì chia cổ tức đều đặn, nhất là với cổ đông nhà nước tạo thành đề tài thu hút sự chú ý của các thành viên thị trường.

“Duy trì chia cổ tức cao là một phần trong trách nhiệm xã hội của nhà băng Trung Quốc, nhất là hiện tại khi ngân sách được chi tiêu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tác động từ đại dịch sẽ dần ăn mòn tăng trưởng và lợi nhuận của các nhà băng, vì vậy nếu có giảm chia cổ tức thì cũng phải được thực hiện từng bước chậm”, Nicholas Zhu, chiến lược gia tại Moody’s Investor Service tại Bắc Kinh cho biết.

Trên thế giới, các ngân hàng tại Anh và Đan Mạch đã hủy bỏ việc chia cổ tức theo yêu cầu từ giới chức quản lý. Giới chức Thụy Sỹ và Australia cũng khuyến khích các nhà băng không chia cổ tức để tăng nguồn dự trữ. Tại Mỹ, 8 nhà băng lớn nhất, bao gồm JPMorgan Chase & Co vẫn trả cổ tức với tỷ lệ thấp, nhưng hủy bỏ các kế hoạch mua lại cổ phiếu.

Câu chuyện chia cổ tức của các nhà băng Trung Quốc luôn gây nhiều tranh cãi, bởi các ngân hàng này “mắc kẹt” giữa nhà quản lý và các ưu tiên khác. Bộ Tài chính và quỹ dự trữ quốc gia hiện đang sở hữu hơn 2/3 cổ phần tại 4 nhà băng có vốn nhà nước lớn nhất và duy trì yêu cầu chia cổ tức.

Đáng chú ý, các ngân hàng Trung Quốc được nhận định sẽ đối diện với khó khăn lớn trong năm 2020. UBS Group Inc dự báo, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng Đại lục sẽ giảm 39% trong năm nay so với 2019, ngay cả khi có sự hỗ trợ của chính phủ trong việc giải quyết nợ xấu. Nếu không có sự hỗ trợ, lợi nhuận có thể giảm tới 70%. S&P Global Inc ước tính, các chương trình cho vay khẩn cấp hiện nay có thể khiến khối nợ xấu của các nhà băng tăng thêm 5,6 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Trong bài kiểm tra năm ngoái, 17 trong số 30 nhà băng lớn nhất Trung Quốc không thể duy trì được các tỷ lệ an toàn hoạt động và đến nay, tình hình thậm chí còn khẩn cấp hơn khi đại dịch khiến nền kinh tế Trung Quốc chao đao. Tăng trưởng GDP Đại lục giảm 6,8% trong quý I/2020 và nhiều khả năng sẽ tăng trưởng thấp hơn 2% so với năm ngoái.

“Với các rủi ro tín dụng gia tăng, không gian để các nhà băng Trung Quốc chuẩn bị cho giai đoạn khó khăn là không nhiều. Đối với các nhà băng, việc đảm bảo hoạt động ổn định hiện tại quan trọng không kém gì nhiệm vụ chia cổ tức”, Richard Zhu, đối tác tại PwC nhận định.

Lam Phong
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục