Những ngân hàng có hệ số an toàn vốn (vốn tự có/tổng tài sản có rủi ro - CAR) quanh mức 9% sẽ phải tính đến phương án tăng vốn cấp 1 hoặc cấp 2. Vì thế, không chỉ nhà băng nhỏ mà ngay cả 10 ngân hàng thương mại được thí điểm áp dụng chuẩn Basel II đều phải nỗ lực thực hiện tăng vốn điều lệ.
Đây là lý do, các nhà băng đã được chấp thuận chủ trương đang rầm rộ chuẩn bị phát hành cổ phiếu tăng vốn dưới hình thức chia cổ tức; phát hành cho cổ đông hiện hữu, cán bộ nhân viên; bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Đơn cử, ngày 31/5, MB đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 18.155 tỷ đồng lên 21.604 tỷ đồng. Theo kế hoạch tăng vốn được Đại hội đồng cổ đông thông qua, MB sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức đợt 2 trong năm 2017 (5% tương đương hơn 90,7 triệu cổ phiếu) và tăng vốn từ các nguồn vốn chủ sở hữu phù hợp quy định (14% tương đương hơn 254 triệu cổ phiếu hay cổ phiếu thưởng).
Nguồn thực hiện được lấy từ lợi nhuận sau thuế của MB năm 2017 sau khi trích lập các quỹ, các nguồn vốn chủ sở hữu. Số cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng. Dự kiến thời gian thực hiện là vào quý II - III/2018.
Theo kế hoạch, 1.319 tỷ đồng trong 3.449 tỷ đồng vốn điều lệ tăng thêm sẽ được sử dụng để đầu tư năng lực, bao gồm xây dựng trụ sở, văn phòng chi nhánh, đầu tư công nghệ và trang thiết bị cần thiết khác. 2.130 tỷ đồng còn lại sẽ được sử dụng cho các hoạt động kinh doanh của Ngân hàng.
Trước đó, ngày 28/5, VPBank cũng được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ trên 15.700 tỷ đồng lên hơn 25.200 tỷ đồng theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Cụ thể, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, cổ đông VPBank đã thông qua kế hoạch tăng vốn thông qua 5 đợt phát hành cổ phiếu: Phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để trả cổ tức và chia thưởng tỷ lệ 30%; phát hành ESOP với tổng mệnh giá gần 337 tỷ đồng; phát hành cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ tối đa 15% trước phát hành; chia thưởng từ nguồn thặng dư vốn từ đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ; phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn cổ phiếu quỹ sau khi mua lại cổ phiếu ưu đãi cổ tức.
Trong khi đó, VIB đã trình các phương án tăng vốn trong Đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra, đưa vốn điều lệ lên 8.100 tỷ đồng (từ mức 5.644 tỷ đồng) trong năm 2018 theo các phương thức chào bán cổ phiếu quỹ, phát hành riêng lẻ cổ phiếu mới, chia cổ phiếu thưởng từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận để lại và thặng dư vốn cổ phần...
Nhu cầu tăng vốn là vấn đề cấp bách của hệ thống ngân hàng, bởi tốc độ tăng vốn tự có của các tổ chức tín dụng năm 2017 chậm hơn so với tốc độ tăng của tổng tài sản. Theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc Gia, tổng tài sản quy đổi hệ số rủi ro tăng 9,3%, trong khi vốn tự có của các tổ chức tín dụng năm qua chỉ ước tăng 4,6%. Vì vậy, mục tiêu tăng vốn của nhà băng sẽ cao hơn trong năm 2018, nhất là khi thời hạn áp dụng Basel II đến gần.
Trong đó, các ngân hàng thương mại nhà nước chịu áp lực tăng lớn nhất và kéo dài do hiện tại, CAR của các ngân hàng này đã tiệm cận mức 9%, nếu áp dụng Basel II, CAR sẽ giảm xuống dưới 8%. Vì thế, để đạt chuẩn Basel II, các ngân hàng này cần tăng vốn tự có gấp 1,8 - 2 lần so với hiện tại.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, từ nay đến cuối năm 2020, nhu cầu tăng thêm vốn tự có của các nhà băng là rất lớn. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng nhỏ có khả năng hoàn thành kế hoạch, do giá cổ phiếu ngân hàng đang có diễn biến tích cực, hoạt động kinh doanh khởi sắc tạo lực hỗ trợ việc tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, bán cho nhà đầu tư…
Đáng chú ý, theo các nhà phân tích tài chính - tiền tệ, trong bối cảnh áp lực tăng vốn lớn, khó tránh làn sóng M&A tiếp tục với các nhà băng nhỏ, bởi với đối tượng này, việc lên sàn chưa hẳn là phương án tối ưu để huy động vốn, khó thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Chưa kể, quá trình thoái vốn ở lĩnh vực ngân hàng nhằm đáp ứng quy định theo lộ trình của Thông tư 36/2014/TT-NHNN nóng dần.