Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Việt Nam không chọn đứng về bên nào, mà chọn đứng về lợi ích nào

"Trong bối cảnh hiện nay, đã có người hỏi tôi các quốc gia Đông Nam Á nên đứng về bên nào. Theo tôi, không phải là chọn đứng về bên nào, mà đứng về lợi ích nào. Việt Nam cần lựa chọn hòa bình, hợp tác và cần đa dạng hóa, đa phương hóa hơn nữa", nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ.
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan. Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan là người được mời tham gia bình luận phiên 2 với chủ đề "Tầm nhìn Việt Nam trong thế giới thay đổi nhanh" trong khuôn khổ Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDP) diễn ra sáng nay (5/12) tại Hà Nội.

Phần bình luận của ông tập trung vào những luận điểm được đưa ra trong bài trình bày của ông Sudhir Shetty, Chuyên gia kinh tế trưởng Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) với chủ đề "Định hướng trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi: Cơ hội, rủi ro và định hướng chính sách cho Việt Nam".

Theo bài thuyết trình của vị chuyên gia đến WB, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có khả năng giảm tốc, nhưng tăng trưởng trong khu vực được kỳ vọng vẫn duy trì vững chắc. WB đưa ra dự báo khu vực Nam Á tiếp tục có mức tăng trưởng giai đoạn 2018-2020 cao hơn mức tăng trung bình trong giai đoạn 1990-2017, trong khi các khu vực khác được dự báo sẽ ở mức thấp hơn.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ leo thang gây ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng, biến động gia tăng trên các thị trường tài chính..., ông Sudhir Shetty cho rằng, Việt Nam cần giảm bớt mức độ dễ bị tổn thương và tăng cường tính sẵn sàng, bao gồm các giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa; tiếp tục cải cách nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh; xây dựng kỹ năng cho người lao động...

Bình luận về phần trình bày trên, ông Vũ Khoan đặt câu hỏi, tăng trưởng kinh tế thế giới đến 2030 sẽ như thế nào? Trong ngắn hạn, các tổ chức thế giới đều dự báo tốc độ tăng trưởng giảm xuống. "Từ nay đếnnăm 2030 có thể xảy ra khủng hoảng kinh tế tài chính không? Đó là câu hỏi lớn", ông Khoan nói.

Theo ông Vũ Khoan, Diễn đàn diễn ra rất đúng thời điểm, khi quá trình chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII đã bắt đầu, với nhiệm vụ là phải chuẩn bị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm.

Nhìn lại lịch sử, thế giới đã chứng kiến khủng hoảng dầu lửa năm 1973. Đến năm 1980, Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng đưa đến kinh tế bong bóng. Năm 1997 là khủng hoảng kinh tế châu Á và đến năm 2008 là khủng hoảng toàn cầu. Ông Khoan đặt vấn đề, điều này liệu có lặp lại trong 10 năm tới hay không?

Trước mắt, khả năng có một cuộc khủng hoảng thế giới không nhiều lắm, bởi kinh tế thế giới hiện nay chưa có dấu hiệu nào, dù có suy giảm. Thứ hai, sau khủng hoảng năm 2008, thế giới đã có nhiều biện pháp ngăn chặn.

Tuy nhiên, nguyên Phó thủ tướng cũng cho rằng, trong giai đoạn mang tính dài hạn hơn là từ nay đến năm 2030, có rất nhiều nhân tố cần phải suy xét.

Về cuộc chiến thương mại hiện nay, đây là sự kiện tức thời hay kéo dài? Theo ông Khoan, cuộc chiến tranh này sẽ có lúc căng lên và dịu đi, như tại Hội nghị G20 vừa qua đã có sự hoãn binh, nhưng trong tương lai, sự cạnh tranh này sẽ diễn biến nhiều lúc khác nhau, bởi không chỉ liên quan đến thương mại, mà còn nhiều yếu tố như chính trị, an ninh, vị thế trên thế giới... Do đó, trong tương lai, có thể cục diện trật tự thế giới cũ không thay đổi nhưng sẽ có sự đan xen.

Để "giảm bớt chấn thương" trong bối cảnh cuộc chiến thương mại hiện nay, ông Khoan cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào 3 vấn đề. Thứ nhất, gia tăng nội lực bản thân trong khi hết sức tích cực tranh thủ nguồn lực thế giới. Thứ hai, tiếp tục cùng cộng đồng thế giới trong đó tự do hóa thương mại là chủ yếu. Thứ ba, thích nghi với thay đổi.

Theo ông Vũ Khoan, đất nước đang bước vào thời kỳ mới. Các cuộc cách mạng công nghiệp trước đều tạo ra mô hình phát triển mới, thì trong cuộc cuộc cách mạng này, Việt Nam cũng sẽ phải chọn lựa một mô hình thích hợp trong lần này, trong đó nhân tố quyết định là chất lượng nguồn nhân lực.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin cùng chuyên mục