Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: Người “nhận đường” và “dẫn đường” của dân tộc Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Việt Nam cũng như hầu hết các dân tộc Á - Phi đều là thuộc địa của các nước đế quốc phương Tây. Giải phóng dân tộc là ý nguyện của đông đảo người dân yêu nước, nhưng giành được độc lập cho dân tộc, đưa nhân dân lên vị thế người chủ là sự nghiệp của các vĩ nhân và Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chính là đại diện xuất chúng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp (tháng 12/1920) Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp (tháng 12/1920)

Ý chí ra đi tìm con đường cứu nước mới

Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên khi nhân dân Việt Nam đã phải chịu ách cai trị tàn bạo của thực dân Pháp. Đau buồn hơn nữa là máu đã liên tục đổ xuống, nhưng “cây độc lập” vẫn chưa nở hoa, kết trái. Sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối giải phóng dân tộc đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành ra đi tìm con đường cứu nước mới.

Ngày 5/6/1911, Người xuống tàu với tư cách người làm thuê để tìm đường sang Pháp, sang phương Tây - nơi có trình độ phát triển vượt trội và cũng là xứ sở của những kẻ đang cai trị Việt Nam. Người hiểu rằng, cái Việt Nam đang cần chưa phải là súng đạn, của cải, mà là phương pháp cách mạng, nên Người rất muốn xem “mẫu quốc ra sao”, các nước khác được “tổ chức và cai trị như thế nào”, cơ chế vận hành của họ ra sao rồi trở về giúp đồng bào.

Vì thế, khác với cha anh, Nguyễn Tất Thành không dừng lại ở phương Đông, mà sang phương Tây; không đi “cầu viện”, mà đi để tìm ra phương hướng, cách thức thoát khỏi sự nô dịch của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Việc tìm kiếm hướng đi cho một cá nhân đã khó, thì tìm kiếm đường đi cho cả dân tộc còn khó khăn và trọng đại gấp bội phần, bởi gắn với nó là sự “sống - còn” của một dân tộc.

Nói về ý nghĩa của ngày 5/6/1911 trong lịch sử dân tộc, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Sự nghiệp của Hồ Chí Minh bắt đầu từ đây. Vận mệnh lớn của nước, của dân gắn bó mật thiết với một quyết định mà lịch sử đã chứng minh là sáng suốt và phi thường”.

Trong suốt chặng đường đi tìm chân lý, người thanh niên trẻ yêu nước Nguyễn Tất Thành luôn luôn phải sống trong sự thiếu thốn về vật chất và đối mặt với nhiều tình huống nguy hiểm. Tuy nhiên, không một gian truân nào có thể bẻ gãy được ý chí của một con người đang nung nấu trong mình khát vọng giải phóng quê hương.

Quá trình trở thành người Cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam

Trong quá trình tìm đường cứu nước, lòng yêu nước và chí căm thù giặc là điều kiện “cần”, nhưng không phải điều kiện “đủ”. Nhà yêu nước cần phải lý giải được nguyên nhân thất bại của các phong trào trước đó và thấy rõ các xu hướng hiện thời để lựa chọn con đường dẫn tới thành công. Trên thực tế, Nguyễn Tất Thành đã dùng phương pháp loại trừ để lựa chọn một hướng đi đúng đắn cho dân tộc.

Suy ngẫm về lịch sử Việt Nam, dù rất trân trọng lòng yêu nước của các bậc tiền bối, nhưng Nguyễn Tất Thành đã loại trừ mô hình giải phóng dân tộc của cha anh sau những thất bại của nó. Sau này, Người đã kết luận: “Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương... Điều đó là sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương. Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó nguy hiểm, chẳng khác gì ‘đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau‘. Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng... còn nặng cốt cách phong kiến”.

Bằng óc phân tích và cả sự linh cảm của một thiên tài, Nguyễn Tất Thành đã từ bỏ những cách thức lỗi thời để đi tìm một hướng đi mới, phù hợp với bước tiến của thời đại.

Đi ra thế giới rộng lớn, Nguyễn Tất Thành đã vượt qua 3 đại dương, 4 châu lục và đặt chân đến gần 30 quốc gia với các chế độ xã hội khác nhau. Người đã dừng chân ở 3 nước đế quốc lớn nhất bấy giờ là Pháp, Anh, Mỹ. Với óc quan sát sắc sảo và sự quan tâm đến những con người cùng khổ, Người không bị sự hào nhoáng, hiện đại, giàu có bề ngoài của xã hội tư bản phương Tây làm cho choáng ngợp, mà nhận ra rằng, nền văn minh tư bản được xây dựng trên nguyên tắc “người bóc lột người”.

Bằng óc phân tích và cả sự linh cảm của một thiên tài, Nguyễn Tất Thành đã từ bỏ những cách thức lỗi thời để đi tìm một hướng đi mới, phù hợp với bước tiến của thời đại.

Người đủ sáng suốt để không tin vào những lời hoa mỹ về xã hội tư bản, về cách mạng tư sản, mà tự rút ra kết luận: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Cho dù cách mạng tư sản đã xây dựng nên một xã hội tiến bộ hơn xã hội phong kiến, nhưng sự áp bức giai cấp vẫn chưa được xóa bỏ, mà nó chỉ được thay thế từ hình thức này sang hình thức khác và nhân dân lao động vẫn phải chịu khổ đau. Hơn nữa, chính cách mạng tư sản sẽ mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản - chủ nghĩa đế quốc - kẻ thù của cách mạng Việt Nam. Vì thế, cách mạng tư sản không thể là sự lựa chọn của nhân dân Việt Nam.

Quá trình tìm tòi chân lý đang diễn ra thì thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã mở ra một hướng đi mới cho nhân loại: lật đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng một chế độ mới, khác về “chất” so với tất cả các xã hội đã tồn tại trong lịch sử nhân loại - xã hội xã hội chủ nghĩa. Sau đó, sự ra đời của Quốc tế III do Lênin sáng lập (tháng 3/1919) đã tác động mạnh mẽ đến giai cấp vô sản và các đảng xã hội trên thế giới, trong đó có giai cấp vô sản Pháp.

Đảng Xã hội Pháp - tổ chức mà Nguyễn Ái Quốc là thành viên, đứng trước sự lựa chọn: Dừng lại ở Quốc tế II hay gia nhập Quốc tế III? Bản thân Nguyễn Ái Quốc cũng phải có một thái độ chính trị rõ ràng, nên Người đặt câu hỏi: “Vậy thì cái quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa”?

Người đã nhận được câu trả lời rõ ràng khi được đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin được in toàn văn trên báo L’ Humanite (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp số ra ngày 16 và 17/7/1920. Ngay tiêu đề bài viết đã thu hút sự quan tâm của Nguyễn Ái Quốc, bởi số phận của các dân tộc thuộc địa luôn là nỗi niềm “canh cánh” của Người.

Luận cương của Lênin đề cập nhiều nội dung, nhưng quan trọng nhất là Lênin đã khẳng định quyền dân tộc tự quyết và yêu cầu các Đảng Cộng sản ở các nước đế quốc phải giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc ở thuộc địa một cách tích cực và thiết thực. Lênin cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải gắn kết phong trào giải phóng dân tộc ở thuộc địa với phong trào công nhân ở chính quốc để cùng chống kẻ thù chung và khẳng định Quốc tế III sẽ giúp đỡ cách mạng thuộc địa.

Luận cương Lênin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc một loạt câu hỏi mà Người thường trăn trở: con đường nào sẽ giải phóng được dân tộc, ai là người lãnh đạo, đâu là lực lượng, tổ chức nào sẽ giúp đỡ các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh giành độc lập, cần phải giải quyết mối quan hệ giữa chính quốc và thuộc địa ra sao?

Vì thế, Luận cương Lênin đã tạo ra bước ngoặt căn bản “về chất” trong sự phát triển nhận thức, lập trường, tư tưởng chính trị của Nguyễn Ái Quốc. Người quyết định tin theo Lênin, tin theo Quốc tế III và đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười. Bắt đầu từ đó, Người say sưa đọc các tác phẩm của Lênin, cũng như các tài liệu của Quốc tế III.

Khi đã biết rõ rằng, Đệ nhị Quốc tế (tức Quốc tế II) không hề nhắc đến vận mệnh các thuộc địa và Đệ tam Quốc tế (tức Quốc tế III) là tổ chức quốc tế duy nhất cam kết ủng hộ cách mạng thuộc địa, tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp (tháng 12/1920), Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế III và trở thành người đồng sáng lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản và người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Sau gần một thập kỷ kiếm tìm chân lý, Người đã đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác Lênin và sau đó đã mang ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin soi rọi cho cả phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.

Biết ơn Người bằng cả trái tim, khối óc, toàn Đảng, toàn dân phải chung sức, đồng lòng bước vào kỷ nguyên mới để xây dựng thành công một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc

Biết ơn Người bằng cả trái tim, khối óc, toàn Đảng, toàn dân phải chung sức, đồng lòng bước vào kỷ nguyên mới để xây dựng thành công một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc

Đường đến chân lý trong sứ mệnh tìm đường cứu nước

Khi phần lớn các dân tộc Á - Phi đều bị áp bức bởi thế lực đế quốc - thực dân phương Tây, nhiều nhà yêu nước của các dân tộc đã đi ra thế giới để tìm kiếm con đường cứu nước, nhưng không phải ai cũng thành công. Với Việt Nam, vào những năm 20 của thế kỷ XX, ở Paris có những nhân vật nổi tiếng học cao, hiểu rộng, rất giỏi tiếng Pháp như Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh..., nhưng rốt cục, chính Nguyễn Ái Quốc - con người từng thừa nhận rằng, lúc đầu “chưa biết đảng là gì, công đoàn là gì, càng không rõ chủ nghĩa xã hội khác chủ nghĩa cộng sản ở chỗ nào”, lại là người tiếp cận được chân lý của thời đại. Đây không phải là sự vô tình, càng không phải là sự “ăn may”, mà tất cả là do vai trò của nhân tố chủ quan, tức năng lực, phẩm chất đặc biệt của Nguyễn Ái Quốc.

Con đường đi đến chân lý không bao giờ dễ dàng, nên trước hết, người cách mạng phải có ý chí, quyết tâm đặc biệt. Trong 30 năm hoạt động quốc tế, ở mọi thời điểm, trong mọi hoàn cảnh, Nguyễn Ái Quốc đều có mục tiêu rõ ràng: Ra đi là để trở về giúp đồng bào mình và không có trở ngại nào, sự mua chuộc nào có thể làm lay chuyển trong Người quyết tâm ấy.

Nếu năm 1911, Nguyễn Tất Thành ra đi trong tư thế của “người tìm đường”, thì đến năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người “nhận đường” và “dẫn đường” của dân tộc Việt Nam. Một thời đại mới trong lịch sử dân tộc - thời đại mang tên Hồ Chí Minh được mở ra.

Khi đã trở thành một người cộng sản có tiếng tăm, Người hoàn toàn có cơ hội được hoạt động ở bất cứ địa bàn quen thuộc nào như Pháp, Liên Xô, Trung Quốc với những điều kiện làm việc dễ dàng, bớt nguy hiểm hơn. Nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn quyết trở về với sứ mệnh của người dẫn đường, người tổ chức, người lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Đây không chỉ là nghị lực phi thường, mà còn là tấm lòng thủy chung với dân, với nước.

Chân lý cũng chỉ đến với con người có tư duy khoa học và tinh thần thực tiễn. Mặc dù không có điều kiện học tập bài bản ở nhà trường, nhưng ở Nguyễn Ái Quốc hiển hiện một sự nhạy cảm kỳ lạ với cái mới. Người sớm nhận ra tính chất của thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội được mở ra bằng Cách mạng Tháng Mười.

Nắm vững nguyên tắc thực tiễn, nên khi đứng trước sự lựa chọn, Người không bao giờ tin vào những lời hoa mỹ, những biểu hiện bề ngoài, mà luôn đặt ra câu hỏi rất thực tế: tổ chức nào, học thuyết nào quan tâm đến quyền lợi của các dân tộc thuộc địa? Người sớm nhận ra rằng, trong thời đại mới, cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới. Vì thế, quan tâm đến thuộc địa và khẳng định giai cấp vô sản chính quốc phải ủng hộ cách mạng thuộc địa... là điểm gặp gỡ có ý nghĩa then chốt giữa Nguyễn Ái Quốc và học thuyết Lênin.

Sau này, Hồ Chí Minh còn nói rõ: “Trong thời đại ngày nay, cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản trong phạm vi toàn thế giới; cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”.

Hoạt động thực tiễn phong phú cũng là nguyên nhân đưa Nguyễn Ái Quốc đến sự thành công. Ra đi với hai bàn tay trắng, ở nơi “đất khách, quê người”, người thanh niên mảnh khảnh, mang dáng dấp bậc trí thức đã tự nguyện “dấn thân” vào con đường lao động chân tay vất vả không chỉ để mưu sinh, mà còn để thấu hiểu cuộc sống, đặc tính, khát vọng của những người lao động trên toàn thế giới. Nhờ đó, Người mới rút ra được chân lý là “nhân dân lao động ở đâu cũng là bạn” để hình thành nên chiến lược mới là “Lao động tất cả các nước đoàn kết lại”.

Mục đích của Nguyễn Ái Quốc khi ra đi là để tìm đường cứu nước, nên tích cực tham gia hoạt động chính trị - là sự khác biệt rất lớn của Người so với tuyệt đại đa số người Việt Nam ở Pháp lúc đó. Người không chỉ là “linh hồn” của Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, mà còn gia nhập Đảng Xã hội Pháp, tích cực tham gia sinh hoạt trong Câu lạc bộ Phôbua, tích cực viết báo để tuyên truyền chính trị...

Thông qua các hoạt động này, ngoài việc tri thức chính trị không ngừng được bổ sung, uy tín ngày càng lớn, Nguyễn Ái Quốc còn học được kỹ năng tranh biện, diễn thuyết, tuyên truyền quần chúng, tổ chức đoàn thể và viết sách báo chính luận... Tất cả những điều đó đều là điều kiện để Người từng bước trở thành một nhà cách mạng chuyên nghiệp và lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc.

Đáng nói là, trong sự thiếu thốn cả về thời gian và điều kiện vật chất, Người vẫn luôn duy trì hoạt động học tập một cách tự giác, đều đặn và hiệu quả. Nhờ ý chí bền bỉ và kế hoạch khoa học, Người không chỉ tự hoàn thiện tri thức chính trị, kiến thức văn hóa, mà còn làm chủ được tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga và nhiều thứ tiếng khác để phục vụ hoạt động cách mạng.

Có thể khẳng định, sự gặp gỡ giữa chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và chủ nghĩa Mác - Lênin hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên hay may mắn, mà là sự “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” trong khát vọng giải phóng của Nguyễn Ái Quốc và chủ nghĩa Mác - Lênin và là kết quả tất yếu của những phẩm chất cá nhân ưu việt cùng sự trải nghiệm thực tiễn hết sức phong phú của bản thân Nguyễn Ái Quốc.

Ảnh hưởng to lớn từ con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là con người của lịch sử, nên những quyết định và bước ngoặt của Người đều tạo ra những thay đổi có tính bước ngoặt của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Sự kiện Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam và chủ trương đặt phong trào giải phóng dân tộc vào quỹ đạo của cách mạng vô sản đã chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo mà dân tộc Việt Nam đã rơi vào trong hơn nửa thế kỷ.

Tin và đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc tiếp thu từ đó lý luận về Đảng Cộng sản với chân lý nổi tiếng “muốn có phong trào cách mạng thì trước hết phải có một Đảng cách mạng”. Vì thế, chính Người sẽ chuẩn bị các điều kiện cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930.

Đi theo chủ nghĩa cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã mở ra một phương hướng phát triển mới cho đất nước. Từ đây, độc lập dân tộc sẽ gắn liền với chủ nghĩa xã hội, việc giải phóng dân tộc phải gắn liền với việc giải phóng giai cấp để đi đến mục tiêu cuối cùng là giải phóng con người. Tóm lại, nếu năm 1911, Nguyễn Tất Thành ra đi trong tư thế của “người tìm đường”, thì đến năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người “nhận đường” và “dẫn đường” của dân tộc Việt Nam. Một thời đại mới trong lịch sử dân tộc - thời đại mang tên Hồ Chí Minh được mở ra.

Nguyễn Ái Quốc trước hết là một người yêu nước, nhưng Nguyễn Ái Quốc cũng là người cộng sản, đấu tranh vì lý tưởng chung của nhân dân lao động trên toàn thế giới. Ở con người ấy có sự kết hợp hài hòa giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế; mục tiêu đấu tranh của Người không chỉ là giải phóng dân tộc Việt Nam, mà còn là giải phóng tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới; Người cũng “luôn vui cái vui, buồn cái buồn của cách mạng ở khắp năm châu”. Vì thế, bước ngoặt lớn trong cuộc đời Người không chỉ tạo ra bước ngoặt trong lịch sử dân tộc, mà còn tác động mạnh đến lịch sử nhân loại.

Việc Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp và Đảng Cộng sản Pháp thể hiện sự liên kết giữa cách mạng chính quốc và thuộc địa để chống chủ nghĩa đế quốc theo đúng quan điểm của Lênin. Với tài năng và nhiệt huyết của mình, Nguyễn Ái Quốc đã góp phần to lớn vào việc hình thành đường lối chống chủ nghĩa thực dân rất đáng tự hào của Đảng Cộng sản Pháp.

Thắng lợi của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác - Lênin và do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã mở ra một giai đoạn phát triển mới cho phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa và làm cho toàn thể nhân loại tin tưởng vào sức mạnh của chính nghĩa. Người cộng sản Nguyễn Ái Quốc, với việc thành lập Hội liên hiệp thuộc địa tại Pháp, đã góp phần thiết lập tình đoàn kết giữa các dân tộc và đem ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin đến với các dân tộc phương Đông, chỉ ra cho họ con đường tự giải phóng. Chính người cộng sản Nguyễn Ái Quốc đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự sụp đổ chủ nghĩa thực dân và kiến tạo một thế giới hòa bình, công bằng, bình đẳng.

Trong lịch sử của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới có không ít nhân vật nổi tiếng, nhưng Hồ Chí Minh là một nhân vật sáng chói nhất, độc đáo nhất và là đại diện xuất sắc nhất của các dân tộc bị áp bức. Vì thế, dù đã hơn thế kỷ trôi qua, nhưng sự kiện Hồ Chí Minh trở thành người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam vẫn là “mốc son” ngời sáng trong lịch sử dân tộc.

Vị thế của đất nước hôm nay và mục tiêu về một “kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc Việt Nam cũng là một trong những hệ quả của sự kiện vĩ đại đó. Biết ơn Người bằng cả trái tim, khối óc, toàn Đảng, toàn dân phải chung sức, đồng lòng bước vào kỷ nguyên mới để xây dựng thành công một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, “sánh vai với các cường quốc năm châu” và góp phần xây đắp một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác như ước nguyện cháy bỏng của người cộng sản vĩ đại Hồ Chí Minh.

PGS-TS. Trần Thị Minh Tuyết
Học viện Báo chí và Tuyên truyền/baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục