Nguy và cơ khi “tiền mỏng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thời kỳ tiền rẻ đã chấm dứt nên đáy của thị trường có thể không như đồ thị kỹ thuật chỉ ra, nhưng điểm mua 5 năm mới có một lần cũng đáng quan tâm.
Khi nỗi sợ đã chạm đến cùng cực, nhà đầu tư gan lì nhất cũng không thể gồng nổi, thì cũng là lúc thị trường tạo đáy Khi nỗi sợ đã chạm đến cùng cực, nhà đầu tư gan lì nhất cũng không thể gồng nổi, thì cũng là lúc thị trường tạo đáy

Bẫy tăng giá

Nếu cho cơ hội quay lại quá khứ, liệu ta có mua vào giai đoạn tháng 4/2020 khi dịch Covid-19 đang khiến thị trường rơi mạnh? Có, hẳn nhiều nhà đầu tư trả lời vậy, vì chúng ta biết sau đó thị trường sẽ tăng trở lại.

Đến tháng 10/2022, chúng ta đang chứng kiến một cơ hội mua tương tự, nhưng dòng tiền vẫn rất dè dặt.

Nhìn lại 2 tuần qua, thị trường có 3 lần bull trap, tạo bẫy tăng giá, với nhà đầu tư.

Lần 1 là ngày 30/9, ngay hôm sau, thị trường tiếp tục phá đáy và đánh mất nỗ lực phục hồi.

Lần 2 là ngày 5/10, ngay hôm sau, thị trường bồi thêm 2 phiên giảm sâu, cổ phiếu nằm sàn la liệt.

Lần 3, ngày 10/10 vừa qua cũng bull trap, nhưng thị trường sụt giảm 1 phiên và 3 hôm sau, thị trường phục hồi. Liệu tín hiệu tích cực đã xuất hiện?

Thị trường rơi mạnh là cơ hội hay nguy cơ phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi chúng ta. Khi VN-Index rơi mạnh từ trên 1.500 điểm về vùng 1.000 điểm cùng rất nhiều thông tin tiêu cực ồ ạt xuất hiện, chúng ta cảm thấy tựa như tận thế, rằng thị trường đã hết hấp dẫn, rằng tin xấu sẽ khiến thị trường đi về thời “đồ đá”.

Lịch sử có sự đồng điệu

Về giá cổ phiếu, VN-Index đang cho rất nhiều tín hiệu tương tự thời điểm dịch Covid bắt đầu xuất hiện đầu năm 2020. Nhưng bối cảnh thị trường khi đó rất khác hiện nay, ví dụ thông tin dịch bệnh mang tính ngoại tác, tiền rẻ tràn ngập thị trường. Hiện tại, lãi suất có xu hướng tăng, nhiều doanh nghiệp căng thẳng về dòng tiền, áp lực lạm phát, xung đột Nga - Ukraine...

Mark Twain có câu nói:“Lịch sử không bao giờ lặp lại, nhưng có sự đồng điệu”.

Lý do lịch sử có sự đồng điệu là vì cung và cầu trên thị trường chứng khoán cũng như hành động của hàng triệu nhà đầu tư gần như 100% xuất phát từ cảm xúc. Đó là tâm lý đám đông: hy vọng, mong ước, sợ hãi, ngạo mạn, cái tôi ẩn chứa sau mỗi hành động. Bong bóng dotcom năm 1999, suy thoái tài chính năm 2008, Covid năm 2020, sụt giảm năm 2022 cho thấy, bản năng con người vẫn không có gì thay đổi.

Tâm lý con người qua các giai đoạn cực điểm của thị trường đều giống nhau. Chúng ta đều sợ hãi khi thị trường rơi, mà thật ra chúng ta hoàn toàn có lý khi làm vậy, bởi thị trường thường đi lên thang bộ, mà đi xuống thang máy.

Như bao nhà đầu tư, tôi vốn là F0 mới gia nhập năm 2020 cũng hoảng sợ và đã xử lý toàn bộ phần vay ký quỹ (margin), bán 1/2 danh mục.

Nhưng thị trường chứng khoán có một câu rất hay: “Thị trường không bao giờ rõ ràng. Nó được thiết kế để đánh lừa hầu hết mọi người, tại hầu hết mọi thời điểm”.

Họa vô đơn chí, tin tức tiêu cực liên tục xuất hiện, khiến nhà đầu tư cùng cực. Dù vậy, một thông tin khá thú vị của Công ty Chứng khoán SSI chia sẻ với nhà đầu tư là chỉ báo Long Term Buy - Mua dài hạn. Đây là công cụ được chuyên viên của SSI lập nên dựa trên yếu tố giá, lợi suất thị trường và lãi suất ngân hàng (xem đồ thị).

Công cụ tham khảo xác định điểm mua bán dài hạn của SSI.

Công cụ tham khảo xác định điểm mua bán dài hạn của SSI.

Gần đây, bất chấp mặt bằng lãi suất ngân hàng tăng cao, lợi suất thị trường chứng khoán vẫn cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng, thể hiện ở tín hiệu báo mua màu xanh lên đến đỉnh điểm và bằng với thời đầu Covid.

Cụ thể, vào tháng 4/2020, chỉ báo lần đầu tiên cho tín hiệu đạt đỉnh 13, báo hiệu điểm mua hấp dẫn và chúng ta đã chứng kiến sóng tăng vũ bão, VN-Index từ 650 điểm lên 1.500 điểm trong 2 năm.

Tháng 10/2022, điểm mua 5 năm mới có một lần này lại xuất hiện khi thị trường sụt giảm. Đây là điều rất hiếm khi xảy ra. Tất nhiên, đây là tín hiệu mua dài hạn, nên khi tín hiệu xuất hiện thì thị trường có thể vẫn chưa lên ngay, nhưng là chỉ báo đáng mua, thích hợp với nhà đầu tư dài hạn.

Khi nỗi sợ đã chạm đến cùng cực, nhà đầu tư gan lì nhất cũng không thể gồng nổi, thì cũng là lúc thị trường tạo đáy. Những điều này đã đến chưa?

Tôi vẫn kiên nhẫn quan sát và không rời bỏ thị trường.

Lê Hoàng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục