Nguy cơ vỡ nợ của những trái phiếu rủi ro nhất ở châu Âu đang gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở châu Âu đang trong tình thế rủi ro trong bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy chu kỳ vỡ nợ tại khu vực này đang gia tăng.
Nguy cơ vỡ nợ của những trái phiếu rủi ro nhất ở châu Âu đang gia tăng

Công ty mẹ của Thames Water Ltd. trong tuần này đã không thể thực hiện các khoản thanh toán đến hạn đối với lô trái phiếu trị giá 400 triệu bảng Anh (504 triệu USD). Trước đó, sự sụt giảm giá trái phiếu của Altice France vào tháng trước sau khi ban lãnh đạo thông báo với các nhà đầu tư rằng họ sẽ phải tham gia vào “các giao dịch chiết khấu” để giúp công ty cắt giảm nợ đã phát đi tín hiệu cảnh báo trên thị trường.

Chênh lệch lợi suất của các khoản nợ được xếp hạng CCC đang mở rộng

Chênh lệch lợi suất của các khoản nợ được xếp hạng CCC đang mở rộng

Trong hai tuần qua, chêch lệch lợi suất của khoản nợ rủi ro nhất châu Âu (trái phiếu xếp hạng CCC) đã đạt mức cao nhất kể từ khi Covid-19 đóng cửa toàn bộ ngành công nghiệp và cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro hơn một thập kỷ trước. Ở Mỹ, chêch lệch lợi suất mở rộng nhưng ở quy mô ít căng thẳng hơn.

Trong nhiều năm, các nhà quản lý tài sản đã mua trái phiếu có xếp hạng thấp để tăng lợi nhuận vì thời kỳ tiền rẻ từ các ngân hàng trung ương khiến các doanh nghiệp ít có khả năng vỡ nợ. Sau đợt tăng lãi suất nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, một số công ty bắt đầu gặp khó khăn khi phải tái cấp vốn cho các khoản vay của mình ở mức đắt hơn đáng kể. Kết quả là nguy cơ dẫn tới sụt giảm số tiền có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp cho khoản vay ngày càng lớn.

Raphael Thuin, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường vốn tại Tikehau Capital cho biết: “Sẽ có một số khó khăn phía trước. Sẽ phải mất 18 đến 24 tháng để việc tăng lãi suất có hiệu lực. Bây giờ chúng ta đang ở trong thời kỳ đó”.

Với việc các ngân hàng trung ương đã làm thị trường thất vọng về những kỳ vọng liên quan tới một loạt đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã cảnh báo vào tuần trước rằng nguy cơ chênh lệch lợi suất tăng lên kể từ quý IV/2023 và việc tài trợ cho các doanh nghiệp rủi ro hơn có thể đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự suy giảm đáng kể trong tâm lý rủi ro của nhà đầu tư.

Đó là một vấn đề tiềm ẩn đối với người đi vay vì các ngân hàng -nguồn cho vay truyền thống ở châu Âu - đã làm giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng trong tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp vào năm ngoái. Fitch Ratings dự đoán tỷ lệ vỡ nợ đối với trái phiếu lợi suất cao sẽ tăng lên 4% ở châu Âu trong năm nay từ mức 1,7% vào năm 2023, với các nguyên nhân chính là do đòn bẩy, nợ đáo hạn và hoạt động kinh doanh giảm sút.

Một trong những đặc điểm đáng chú ý của việc chênh lệch lợi suất của trái phiếu được xếp hạng CCC ở châu Âu và Mỹ mở rộng cho thấy thực tế là sự chênh lệch giữa các loại nợ lãi suất cao được xếp hạng tốt hơn vẫn tương đối chặt chẽ, khi các nhà đầu tư tránh xa những danh mục rủi ro nhất.

Steven Fawn, người đứng đầu bộ phận tín dụng toàn cầu tại Amundi Asset Management cho biết: “CCC là các công ty hoạt động kém hiệu quả nhất”.

Theo Bloomberg Intelligence, mức nợ được xếp hạng CCC trở xuống chỉ chiếm 8% chỉ số lợi suất cao của châu Âu, cho thấy vấn đề này sẽ không trở nên phổ biến.

Heema Patel, chiến lược gia tín dụng của Bloomberg Intelligence cho biết: “Trường hợp xấu nhất của chúng tôi là tất cả các khoản tín dụng có xếp hạng CCC và thấp hơn đều vỡ nợ, thì tỷ lệ vỡ nợ ‘chỉ số lợi suất cao’ vẫn không vượt quá 2,4%...Vì vậy, có vẻ như chỉ số CCC đang bị quá bán”.

Nicolas Jullien, nhà quản lý danh mục đầu tư lợi suất cao tại Candriam SA cho biết: “Sau một thập kỷ tiền rẻ và lãi suất âm, một số cơ cấu vốn là không bền vững”.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục