Nguy cơ từ ủy quyền vô hạn

(ĐTCK) Trong các giao dịch tài khoản, tiền gửi, người mà chúng ta tiếp xúc có thể là chính khách hàng hoặc người được họ ủy quyền. Trở ngại trong di chuyển, tranh thủ thời gian, địa điểm, tránh mệt nhọc về tuổi tác… là muôn vàn lý do khác nhau khiến cho khách hàng sử dụng đến sự ủy quyền. 
Thực tế, nhiều vụ án tranh chấp giữa khách hàng và ngân hàng có liên quan đến yếu tố thời hạn ủy quyền Thực tế, nhiều vụ án tranh chấp giữa khách hàng và ngân hàng có liên quan đến yếu tố thời hạn ủy quyền

Pháp luật cho phép họ có quyền năng này. Chúng ta chấp nhận việc ủy quyền của khách hàng, nhưng đồng thời cũng thừa nhận nhiều rủi ro pháp lý có thể đi kèm. Một trong số đó là vấn đề thời hạn của sự ủy quyền.  

Đó là ngày cuối cùng của tháng 6 và bạn tiếp nhận một yêu cầu rút tiền gửi tiết kiệm trên cơ sở một văn bản ủy quyền của khách hàng. Trong văn bản ủy quyền, khách hàng ghi rõ tên ngân hàng, họ tên của khách hàng, các thông tin đầy đủ khác về giấy tờ nhân thân của khách hàng. Văn bản ủy quyền cũng nêu rõ thông tin chi tiết về thẻ tiết kiệm đang sở hữu và mọi thông tin về người được ủy quyền.

Theo nội dung văn bản ủy quyền, khách hàng cho phép người được ủy quyền rút tiền lãi tiết kiệm theo định kỳ, rút tiền một phần tiền gốc, rút trước hạn thẻ tiết kiệm, hoặc tất toán thẻ tiết kiệm. Tóm lại, mọi quyền năng của khách hàng liên quan đến tiền gửi tiết kiệm được trao hết cho người được ủy quyền.

Văn bản ủy quyền được công chứng, đáp ứng đúng yêu cầu về mặt quy trình của ngân hàng.

Liên quan đến thời hạn ủy quyền, văn bản này ghi như sau: “Văn bản uỷ quyền có hiệu lực kể từ ngày ký đến vô thời hạn”. Ngày ký trên văn bản này là ngày đầu tiên của tháng 6 năm trước.

Vậy trong tình huống này, bạn có cho người được ủy quyền rút tiền gửi tiết kiệm hay không?

Bạn trả lời là “Có!”, cũng dễ hiểu thôi, bởi thực tế thì nội dung thời hạn ủy quyền nêu trên rất quen thuộc với nhiều giao dịch viên. Nội dung này đang tồn tại trong mẫu biểu ủy quyền giao dịch của nhiều ngân hàng. Khi trả lời “Có”, đồng nghĩa với việc bạn hiểu thời hạn của văn bản ủy quyền vẫn còn. Theo bạn thì thời hạn của văn bản ủy quyền này kéo dài vô tận nên hiệu lực của nó vẫn còn tiếp diễn. Như vậy, có cơ sở pháp lý để bạn cho phép người được ủy quyền rút tiền gửi tiết kiệm.

Bạn cũng có thể trả lời “Không” vì cho rằng, hẳn phải là trường hợp bất thường nên tác giả mới đặt câu hỏi như vậy. Bởi lẽ đó, “Không” là câu trả lời phù hợp. Bạn cũng có thể trả lời “Không” vì biết được rằng, Bộ luật Dân sự có quy định nếu văn bản ủy quyền không xác định rõ thời hạn ủy quyền, thì chỉ có hiệu lực trong vòng 12 tháng.

Theo bạn, văn bản ủy quyền này lập từ ngày đầu tháng 6 của năm ngoái nên đã hết hiệu lực khi kết thúc ngày đầu tiên của tháng 6 năm nay. Hoặc cũng có thể lý do dẫn đến đáp án “Không!” vì bạn đã biết đến những vụ án mà ở đó, ngân hàng gặp phải hậu quả pháp lý từ vấn đề thời hạn ủy quyền không rõ ràng.

Khi thực hiện nghiệp vụ tiền gửi tiết kiệm, mọi ngân hàng đều phải tuân thủ theo quy định từ Ngân hàng Nhà nước. Quy chế về tiền gửi tiết kiệm do Ngân hàng Nhà nước ban hành không hướng dẫn chi tiết thủ tục ủy quyền giao dịch.

Ngân hàng Nhà nước nhường nội dung này lại cho các ngân hàng cổ phần tự định đoạt trong quy trình nội bộ của mình. Do vậy, những vấn đề về ủy quyền trong giao dịch tiền gửi tiết kiệm phải dựa trên những quy định chung trong Bộ luật Dân sự.

Bộ luật Dân sự quy định về thời hạn ủy quyền như sau: “Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận, hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền”.

Xét theo quy định trên, có 3 trường hợp để xác định được thời hạn ủy quyền. Trường hợp thứ nhất là theo quy định cụ thể của pháp luật. Trường hợp thứ hai là theo thỏa thuận cụ thể giữa bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền. Trường hợp thứ ba, thời hạn ủy quyền xác định rõ là 1 năm, nếu như không thuộc trường hợp thứ nhất hoặc thứ hai.

Cho đến thời điểm hiện tại, không có quy định pháp luật cụ thể nào về thời hạn ủy quyền trong giao dịch tiền gửi tiết kiệm. Như vậy, một văn bản ủy quyền chỉ có thể có thời hạn kéo dài hơn 1 năm nếu như có thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở nội dung của thỏa thuận về thời hạn ủy quyền.

Giả sử, bạn lựa chọn phương án “Có!” và cho phép người được ủy quyền rút tiền gửi tiết kiệm. Một thời gian sau, khách hàng khiếu nại yêu cầu ngân hàng bồi thường thiệt hại. Họ cho rằng, thực tế thời hạn ủy quyền đã kết thúc sau ngày đầu tiên của tháng 6 năm nay.

Theo quan điểm của khách hàng, nội dung ghi nhận về thời hạn ủy quyền trong văn bản không xác định thời hạn cụ thể. Cách ghi nhận thời hạn ủy quyền như vậy là không rõ ràng. Một thỏa thuận về thời hạn ủy quyền có nội dung không rõ ràng sẽ bị coi như không có thỏa thuận.

Liệu có rủi ro cho ngân hàng khi quan điểm trên của khách hàng được công nhận là có cơ sở pháp lý không?

Qua thực tiễn xét xử của tòa án, nhiều vụ án tranh chấp giữa khách hàng và ngân hàng có liên quan đến yếu tố thời hạn ủy quyền. Trong nhiều bản án, tòa án chỉ công nhận hiệu lực kéo dài quá 1 năm của một văn bản ủy quyền nếu như nội dung về thời hạn ủy quyền không được xác định rõ ràng.

Qua những vụ án này, tòa án duy trì quan điểm cần phải xác định rõ mốc thời gian kết thúc hiệu lực của văn bản ủy quyền. Đó có thể là một ngày tháng năm cụ thể, hoặc một số lượng ngày, tháng, hoặc năm tính từ mốc thời gian bắt đầu hiệu lực của văn bản ủy quyền.

Nội dung một quy định pháp luật nằm trong văn bản pháp luật, nhưng diễn giải và áp dụng nó lại không thuộc quyền năng của bạn. Nhận thức được vấn đề trên, bạn đã có giải pháp để quản lý được rủi ro pháp lý về thời hạn ủy quyền.

(Trích Sách Hiểu nghề - Giữ nghiệp, cuốn 2 - 30 bài học pháp lý Nghiệp vụ dành cho nghề Teller ngân hàng của Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục