Nguy cơ thất bại của Trung Quốc nếu 'chiến tranh lạnh' với Mỹ

Mỹ nắm ưu thế rất lớn về kinh tế, quân sự và mạng lưới đồng minh, có thể khiến Trung Quốc thảm bại trong "Chiến tranh Lạnh kiểu mới".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị APEC ở Papua New Guinea. Ảnh: AFP. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị APEC ở Papua New Guinea. Ảnh: AFP.

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea hôm 18/11 kết thúc mà không có một tuyên bố chung của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên được đưa ra.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 29 năm APEC không ra được văn kiện này và giới phân tích đánh giá những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là nguyên nhân quan trọng.

Dự thảo tuyên bố chung của APEC lần này rơi vào bế tắc sau khi hội nghị bị phủ bóng bởi "khẩu chiến" giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.

Pence mỉa mai sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc là "vành đai siết chặt và con đường một chiều", cảnh báo các nước có thể "sập bẫy nợ" nếu tham gia các dự án trong sáng kiến này.

Ông Tập lại bác bỏ cáo buộc cho rằng Trung Quốc đang thực thi chính sách "ngoại giao ngân phiếu" trong khu vực, đồng thời phê phán chủ nghĩa bảo hộ thương mại "Nước Mỹ trên hết", cho rằng đây là "hướng đi thiển cận và chắc chắn sẽ thất bại".

"Những ngôn từ trong bài phát biểu của các lãnh đạo rất đáng quan ngại vì nó cho thấy chúng ta đang tiến gần tới trò chơi địa chính trị được ăn cả, ngã về không ở châu Á – Thái Bình Dương", Jonathan Pryke, chuyên gia tại Viện Lowy, bình luận. "Hy vọng về việc Mỹ - Trung tìm thấy tiếng nói chung ngày càng trở nên xa vời".

Kunihiko Miyake, giáo sư Đại học Ritsumeikan, thì cho rằng đây là một phần trong "cuộc đấu giành quyền lãnh đạo" giữa Washington và Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. "Cuộc đấu này sẽ còn kéo dài và sẽ là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, dù chúng ta có gọi nó là gì đi nữa", giáo sư Miyake nói với Bloomberg.

Trong một bài viết trên The Hill, Harry J. Kazianis, giám đốc Nghiên cứu Quốc phòng tại Trung tâm An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết cuộc "Chiến tranh Lạnh kiểu mới" giữa Mỹ và Trung Quốc đã được giới khoa học chính trị và sử gia dự đoán từ lâu.

Hai nước từng trải qua nhiều lần căng thẳng trong lịch sử, nhưng quan hệ thương mại hai chiều trị giá hơn 700 tỷ USD mỗi năm đã giúp ngăn chặn thảm họa này hủy hoại quan hệ song phương.

Nhưng tấm khiên đó ngày càng suy yếu và gần như sụp đổ dưới thời Tổng thống Donald Trump, người muốn Trung Quốc phải trả giá vì những "hành vi thương mại bất công" và tung đòn áp thuế vào nước này, châm ngòi cho chiến tranh thương mại khốc liệt.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson hồi đầu tháng cảnh báo rằng nếu Bắc Kinh và Washington không giải quyết được những bất đồng chiến lược, một "tấm màn sắt kinh tế" sẽ được dựng lên ngăn trở dòng chảy công nghệ, nguồn vốn và đầu tư mà hai bên có được sau nhiều thập kỷ toàn cầu hóa.

Kazianis cho rằng khi xem xét một cách khách quan tất cả những yếu tố làm nên sức mạnh quốc gia, Trung Quốc tốt hơn hết là không nên tham gia vào cuộc đấu địa chính trị dài hơi với Mỹ, dù đã xây dựng được một nền kinh tế khổng lồ và hiện đại hóa được lực lượng quân sự. Có nhiều lý do khiến Bắc Kinh sẽ thảm bại nếu lao vào "Chiến tranh Lạnh" với Washington.

Theo chuyên gia này, bài học lịch sử cho thấy một trong những yếu tố then chốt quyết định thắng thua trong bất cứ cuộc chiến tranh lạnh nào chính là đồng minh.

Trong khi Mỹ duy trì một mạng lưới đồng minh rộng khắp trên thế giới và trong khu vực, Trung Quốc gần như không có quốc gia nào được coi là đồng minh thực sự, ngoại trừ Triều Tiên.

Mạng lưới đồng minh và đối tác giúp Washington xây dựng những mối quan hệ về kinh tế và ngoại giao với các nước châu Á – Thái Bình Dương sâu rộng hơn bất cứ quốc gia nào khác.

Mối quan hệ này được duy trì qua nhiều đời tổng thống Mỹ và thường được Washington mô tả là "không có đối thủ và không thể bị thách thức".

Phát biểu trong hội nghị Cấp cao Đông Á vừa diễn ra ở Singapore, Phó tổng thống Pence tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực, trong bối cảnh nhiều nước ở châu Á – Thái Bình Dương hoài nghi về nguy cơ Mỹ "rút lui" trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Pence tuyên bố Mỹ sẽ thúc đẩy tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do, nơi "tất cả quốc gia lớn, nhỏ đều được thịnh vượng và phát triển, được đảm bảo chủ quyền lãnh thổ, tin vào các giá trị và phát triển mạnh mẽ cùng nhau", cũng là nơi không có chỗ cho "đế chế và gây hấn".

 Phó tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại hội nghị APEC ở Papua New Guinea. Ảnh: CNN.

Về mặt quân sự và an ninh, hệ thống đồng minh toàn cầu giúp Mỹ thiết lập căn cứ quân sự ở những nơi trọng yếu, trong đó có các căn cứ ở Nhật Bản, Hàn Quốc án ngữ đường tiến ra Thái Bình Dương của Trung Quốc.

Hai quốc gia Đông Á này cũng có tiềm lực quân sự và kinh tế rất mạnh, sẵn sàng hỗ trợ Mỹ trong bất cứ cuộc cạnh tranh địa chính trị nào. Ngoài ra, Mỹ còn là thành viên của NATO, khối quân sự vốn xem bất cứ cuộc tấn công nào vào một thành viên là đòn tấn công vào cả khối.

Mỹ còn giữ ưu thế mang tính quyết định về huấn luyện và năng lực tác chiến trước quân đội hùng hậu nhưng thiếu kinh nghiệm thực chiến của Trung Quốc.

Quân đội Trung Quốc chưa tham gia cuộc chiến nào trong gần ba thập kỷ qua, trong khi quân đội Mỹ tham gia vào một loạt xung đột trên toàn cầu kể từ sau vụ khủng bố 11/9 và thường xuyên củng cố học thuyết quân sự của mình sau mỗi cuộc chiến.

Về mặt kinh tế, Mỹ vẫn sở hữu những yếu tố cơ bản mạnh hơn so với Trung Quốc. Dù một số học giả nhận định rằng kinh tế Trung Quốc sẽ vượt mặt Mỹ trong 10 năm tới về GDP, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định đây chỉ là một ảo tưởng.

Kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nợ, điều có thể trở nên trầm trọng hơn khi các đòn áp thuế của Mỹ sẽ gây tổn thương nặng nề đến tăng trưởng kinh tế vốn dựa rất lớn vào xuất khẩu của nước này.

Yếu tố cuối cùng khiến Trung Quốc gặp nhiều bất lợi trong chiến tranh lạnh với Mỹ chính là nhân khẩu học. Chính sách một con được thi hành nghiêm ngặt nhiều thập kỷ qua đã dẫn tới việc nước này có tới 241 triệu người già vào năm ngoái và dự kiến tăng lên 487 triệu vào năm 2050, chiếm tới 35% dân số.

Tình trạng dân số già hóa sẽ tạo gánh nặng khổng lồ lên nền kinh tế vốn đang dựa rất lớn vào lực lượng lao động giá rẻ của Trung Quốc. Chính phủ nước này cũng sẽ phải dành nguồn lực khổng lồ để đảm bảo phúc lợi cho người già, trong khi lực lượng ở độ tuổi lao động suy giảm đáng kể.

Kazianis cho rằng Mỹ còn nắm trong tay nhiều lợi thế nữa để cạnh tranh với Trung Quốc trong "Chiến tranh Lạnh mới", như việc thống trị thị trường năng lượng, các thương hiệu toàn cầu và khả năng thu hút nhân tài vượt trội. "Mỹ rõ ràng vẫn còn nhiều vấn đề nội tại như nợ công và sự chia rẽ chính trị, nhưng Trung Quốc sẽ vô vọng nếu tham gia Chiến tranh lạnh với nước này", ông viết.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục