Nguy cơ đứt gãy nguồn nhân lực du lịch

0:00 / 0:00
0:00
“Cơn cuồng phong” Covid-19 khiến ngành du lịch chạm đáy của đáy. Nguy cơ đứt gãy nguồn nhân lực ngành công nghiệp không khói là hiện hữu nếu không có những chính sách thiết thực, đồng bộ.
Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.

“Chảy máu” nhân sự

Covid-19 khiến ngành kinh tế xanh “đóng băng”, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành tạm đóng cửa, hàng trăm công ty lữ hành quốc tế đã xin thu hồi giấy phép kinh doanh để lấy lại tiền ký quỹ, các khách sạn rao bán hàng loạt. Nhân lực du lịch phần lớn thất nghiệp, tạm nghỉ việc và chật vật tìm việc khác để duy trì cuộc sống.

Nỗi lo lớn nhất của các chủ doanh nghiệp du lịch là việc “chảy máu” nhân sự sẽ khiến ngành kinh tế xanh “hụt hơi” khi dịch bệnh được kiểm soát.

Một vấn đề đáng lo ngại nữa được PGS-TS. Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Du lịch (Trường đại học Văn hóa Hà Nội) chỉ ra là số lượng sinh viên thi vào chuyên ngành du lịch của Trường trong 2 năm qua giảm đáng kể. “Các khóa sinh viên ra trường năm 2020 và 2021 đều gặp khó khăn hoặc không tìm được việc làm đúng chuyên ngành. Các sinh viên đang theo học du lịch khá lo lắng, bởi nhiều công ty tạm dừng hoạt động, khiến việc liên hệ thực tập và tìm việc làm gặp khó khăn”, ông Sáu nói.

Du lịch là ngành đặc thù, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, cần thời gian dài tích lũy kinh nghiệm và đào tạo bằng thực tế trải nghiệm qua công việc. Vì thế, dù rất khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực giữ lại nhân lực tối thiểu, duy trì kết nối, cố gắng trả một phần lương cho nhân viên, tạo điều kiện cho họ được đóng bảo hiểm xã hội…

Theo ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel, cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, việc duy trì lực lượng lao động phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các địa phương, hiệp hội; tiềm lực tài chính của từng doanh nghiệp cũng như độ linh hoạt chuyển đổi công việc thay thế để duy trì lực lượng lao động và quan trọng nhất là từ chính người lao động, khi vừa phải tìm kiếm công việc tạm thời để đảm bảo cuộc sống, nhưng vẫn giữ được đam mê với ngành để có thể trở lại làm việc khi thị trường phục hồi.

Cần chính sách thiết thực, đồng bộ

Theo Outbox Consulting - công ty tư vấn và nghiên cứu giải pháp quản lý điểm đến tại Việt Nam - Covid-19 sẽ khiến thói quen du lịch thay đổi, xuất hiện những xu hướng du lịch mới, trong đó, việc bảo đảm an toàn được đặt lên hàng đầu. Vì thế, khi xây dựng kịch bản phục hồi, các đơn vị kinh doanh du lịch cần tính toán phương án sử dụng, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp.

Trước thực tế “chảy máu” nhân sự ngày càng nghiêm trọng, hầu hết các doanh nghiệp còn trụ lại đang tận dụng thời gian tạm dừng hoạt động để đào tạo nhân lực.

Mới đây, 6 công ty du lịch tại Hà Nội (VietSense Travel, MyTravel, Ascend Travel, AZA Travel, Ánh Dương Tour, Asia Land Travel) đã khởi động lại kế hoạch đào tạo trực tuyến miễn phí cho lực lượng lao động du lịch. Khóa đào tạo không chỉ dành cho nhân sự của các công ty, mà còn cho cả sinh viên du lịch, giúp họ bổ sung kỹ năng thực tế.

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, ông Phùng Quang Thắng cũng cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, Công ty đã tổ chức đào tạo trực tuyến cho gần 60 nhân viên để chuẩn bị cho “chiến dịch du lịch bình thường mới”.

Ở lĩnh vực lưu trú, nhiều đơn vị cũng chuyển hướng đào tạo kỹ năng cho nhân viên. Đơn cử, Khách sạn Mường Thanh Grand Hà Nội tiến hành đào tạo nhân sự quản lý buồng, phòng về kỹ năng tổ chức sự kiện để đón đầu du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện) khi dịch được khống chế.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch nhận định: “Qua đại dịch, có thể thấy, nguồn tài nguyên và tài sản cố định vẫn còn đó, nhưng nguồn nhân lực du lịch - yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng dịch vụ - có thể biến động. Lao động chuyển nghề, bỏ nghề có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp”.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Tuấn khẳng định, giữ chân lao động cũ hiệu quả hơn đào tạo mới, vì thế, cần có chính sách hỗ trợ xác đáng cho ngành du lịch. “Chính sách thiết thực, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương nhằm giữ chân lực lượng lao động trong ngành du lịch đang được đặt ra cấp bách. Việc này không chỉ nhằm hỗ trợ sinh kế trước mắt cho người lao động, mà còn để bảo đảm khả năng bứt tốc của ngành du lịch Việt Nam ở cuộc đua khẳng định vị trí trên thị trường du lịch quốc tế khi Covid-19 được khống chế”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Hồ Hạ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục