Nguy cơ “đóng băng” sân bay lớn nhất Việt Nam vì quá tải nghiêm trọng

Sân bay Tân Sơn Nhất - TPHCM đã đạt hơn 40 triệu khách/năm, vượt công suất thiết kế 15 triệu, quá tải nghiêm trọng cả trên trời, dưới đất và trong nhà ga. Trước nguy cơ “đóng băng” sân bay lớn nhất Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định phải cấp bách “giải cứu”, mở rộng T3. 
Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải nghiêm trọng Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải nghiêm trọng

Sân bay Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế là 25 triệu hành khách/năm, tuy nhiên năm 2018 đạt hơn 40 triệu khách và vượt công suất thiết kế gần 15 triệu, khu bay gần tiệm cận với mức độ chúng ta phải “đóng băng” khai thác. Theo dự báo, đến năm 2025 hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất đạt 65 triệu lượt, đến 2030 nhu cầu thị trường là 85 triệu lượt khách/năm.

Ông Lê Quốc Khánh - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam - cho biết: Từ công tác điều hành bay, sắp xếp thời gian máy bay đến và đi tại Tân Sơn Nhất cho thấy sự quá tải trong giờ cao điểm, máy bay phải xếp hàng lâu.

Trong khi đó, theo ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV): “Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải nghiêm trọng nên phải đưa về khai thác, phải dồn dịch, ưu tiên tất cả cho việc làm thủ tục hàng không nên không thể chăm lo được hết các tiện ích khác tại Tân Sơn Nhất. Đó chính là lí do vừa qua đánh giá 6 Cảng hàng không quốc tế thì Tân Sơn Nhất xếp cuối bảng”.

Chủ tịch ACV cho biết, sân bay Tân Sơn Nhất không đáp ứng được nhu cầu của thị trường và việc mở rộng sân bay chậm trễ thì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ bị “đóng băng” công suất khai thác. “Đến mức nào đó đụng trần thì không thêm được nữa, đóng băng ở con số đó thì ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội.” - ông Lại Xuân Thanh cho hay.

Ở góc độ cơ quan quản lý ngành, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thông tin, hiện Việt Nam có 22 cảng hàng không, 5 hãng hàng không. Ngoài ra, có 68 hãng hàng không nước ngoài bay đến Việt Nam. Theo đánh giá của Hiệp hội hàng không thế giới, hàng không của Việt Nam phát triển nhanh cả về vận tải hành khách và hàng hoá. Tuy nhiên, khi thị trường hàng không phát triển đòi hỏi kết cấu hạ tầng cũng phải đáp ứng theo.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, trong số 22 cảng hàng không-sân bay Việt Nam, hạ tầng thiết yếu đều đáp ứng nhu cầu cơ bản, nhưng chưa đồng đều. Có những sân bay hạ tầng rất tốt, nhưng cũng có những sân bay hạ tầng chưa đáp ứng. Trong đó, Tân Sơn Nhất đang quá tải nghiêm trọng và cần “giải cứu” cấp bách - đây không phải là vấn đề mới mà là vấn đề đã bàn nhiều từ 3 năm trước.

Nguy cơ “đóng băng” sân bay lớn nhất Việt Nam vì quá tải nghiêm trọng - 2
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, vấn đề đặt ra tại Tân Sơn Nhất là phải đầu tư sớm nhà ga T3. Từ năm 2016, Bộ GTVT đã trình quy hoạch T3. Chính phủ đã quyết định sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất thiết kế là 50 triệu hành khách (hiện đã đạt hơn 40 triệu khách/năm - PV).

Về phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay: “Sẽ không làm thêm đường cất hạ cánh. Để giải toả nhanh thì phải bố trí thêm đường lăn. Cùng đó là các vấn đề về sân đỗ máy bay, bãi đỗ xe, đường ra vào, hệ thống giao thông tiếp cận… cũng phải đầu tư đồng bộ. Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ luôn tồn tại song hành với sân bay Long Thành. Do đó, tới đây cần đầu tư đồng bộ  sân bay Tân Sơn Nhất để đảm bảo khai thác hiện đại và bền vững.”.

Đề cập tới tiến độ thi công của nhà ga T3, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, nhà ga T3 phải làm càng sớm càng tốt. Tháng 9/2018, Bộ GTVT đã phê duyệt quy hoạch điều chỉnh Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Bộ GTVT đã giao ACV nghiên cứu dự án tiền khả thi đầu tư dự án nhà ga hành khách T3. Tháng 2/2019 vừa qua đã nghiên cứu xong dự án tiền khả thi. Sau khi hoàn chỉnh xong ACV đã có văn bản trình Bộ và Bộ GTVT đã trình Chính phủ.


Theo Dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục