Hạ tầng quá tải khiến Tân Sơn Nhất mất nhiều thiện cảm về chất lượng dịch vụ

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chỉ đạt số điểm chất lượng dịch vụ bình quân là 3,96 điểm trên 5 điểm tối đa nằm giữa mức trung bình và mức khá.
Quá tải về hạ tầng là lý do khiến sân bay Tân Sơn Nhất không giành được nhiều thiện cảm của hành khách. Quá tải về hạ tầng là lý do khiến sân bay Tân Sơn Nhất không giành được nhiều thiện cảm của hành khách.

Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố  kết quả khảo sát Mức độ hài lòng của hành khách về chất lượng dịch vụ năm 2018 tại 6 cảng hàng không quốc tế (CHKQT) lớn nhất nước là Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Cát Bi (các Nhà ga Quốc tế, Nội địa).

Cuộc khảo sát được Cục Hàng không Việt Nam thực hiện từ tháng 10/2018 đến tháng 12/2018 với tổng cộng 25.000 phiếu khảo sát được thu về dựa trên 25 tiêu chí đánh giá về sự hài lòng của hành khách đối với 7 khu vực của cảng hàng không bao gồm: các khu vực nhà ga đi, khu vực làm thủ tục hàng không, khu vực soi chiếu an ninh, khu vực công an xuát nhập cảnh, phòng chờ ra tàu bay, nhà ga đến và phương tiện giao thông công cộng.

Từ bộ 25 tiêu chí này, Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra thang đánh giá với 5 mức bao gồm: điểm 5 (Tốt- Excellent), điểm 4 (Khá-Good) Điểm 3 (Trung bình-Fair), điểm 2 (Kém-Bad) và điểm 1 (Rất kém-Very Bad).

Kết quả khảo sát cho thấy mức độ hài lòng cho toàn bộ các tiêu chí dao động từ mức điểm trung bình 3,87 đến 4,4 tương đương với mức độ trung bình cao và trên khá. Điểm trung bình cao nhất là 4,4 cho 2 tiêu chí “ Thái độ nhân viên thủ tục ” và “Chất lượng phục vụ khách hàng của nhân viên thủ tục ” tại khu vực làm thủ tục hàng không.

Tiêu chí “Biển chỉ dẫn” tại khu vực làm thủ tục đứng thứ ba với 4,36 điểm và tiếp đó là các tiêu chí “Không gian” của nhà ga đi là 4,35, đứng thứ 5 là 4,3 là điểm của tiêu chí “Không gian (rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ, bố trí hợp lý” tại khu vực phòng chờ ra tàu bay. Tiếp theo là các tiêu chí cùng thang điểm 4,29 là “Số lượng xe đẩy” tại nhà ga đi và “hệ thống biển báo, biển hiệu” tại nhà ga đến. Điểm trung bình thấp nhất là 3,87 và 3,88 cho tiêu chí “Chất lượng wifi” tại nhà ga đi và khu vực phòng chờ ra tàu bay.

Về tỷ lệ lựa chọn đánh giá, Cục Hàng không Việt Nam cho biết là tỷ lệ đánh giá điểm 5 (Tốt- Excellent) chiếm 30% trên tổng số các tiêu chí được đánh giá. Điểm 4 (Khá-Good) chiếm 32,4%. Điểm 3 (Trung bình-Fair) chiếm 23,9 %, điểm 2 (Kém-Bad) chiếm 9,5% và điểm 1 (Rất kém-Very Bad) chiếm 4,2%.

Kết quả khảo sát cho thấy, ở tất cả các tiêu chí, hành khách đều đánh giá chất lượng dịch vụ tại Cảng HKQT Cát Bi đứng vị trí cao nhất với điểm trung bình đạt 4,56 điểm, tiếp theo là Cảng HKQT Cam Ranh đạt 4,31 điểm, Cảng HKQT Đà Nẵng đạt 4,23 điểm, Cảng HKQT Nội Bài đạt 4,22 điểm, Cảng HKQT Phú Quốc đạt 4,04 điểm, cuối cùng là Cảng HKQT Tân Sơn Nhất với số điểm là 3,96 điểm.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, chất lượng dịch vụ tại Cảng HKQT Cát Bi được hành khách đánh giá cao nhất trong 6 Cảng HKQT được khảo sát và tiếp đó là các Cảng HKQT Cam Ranh và Cảng HKQT Đà Nẵng. Có thể thấy đây là các Cảng HKQT có sự đầu tư mới trong năm 2018 với việc đưa các Nhà ga hành khách quốc tế vào khai thác, sử dụng. Trong khi đó, việc CHKQT Tân Sơn Nhất đứng đội sổ cũng dễ hiểu vì năm 2018, lượng hành khách qua Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đạt trên 38 triệu khách, tăng 6,4% so năm 2017 trong khi công suất thiết kế chỉ có 25 triệu khách. 

Mặc dù vậy, điểm trung bình tất cả các tiêu chí năm 2018 của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đạt 3,96 điểm, không thay đổi so năm 2017. Đây là điểm đáng ghi nhận trong bối cảnh quá tải tại Cảng HKQT này. 

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục