Ngưỡng 900 điểm: Những cái bẫy ngọt ngào

(ĐTCK) Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng phân tích cá nhân Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, các mã vốn hóa lớn đang tác động mạnh tới chỉ số VN-Index. Với nhiều mã đã đạt và vượt mức giá mục tiêu đầu tư, có khả năng bong bóng sẽ hình thành trên chính các mã đó và dẫn đến hệ quả là tạo ra bong bóng trên chỉ số. 
Ngưỡng 900 điểm: Những cái bẫy ngọt ngào

Với lực đỡ của các cổ phiếu bluechips, thị trường vẫn đang trong chuỗi ngày tăng điểm. Nhiều ý kiến cho rằng, ngưỡng 900 điểm sẽ là kháng cự của thị trường trong giai đoạn hiện tại. Quan điểm của ông như thế nào?

Mốc 900 điểm của VN-Index có thể là ngưỡng kháng cự, hoặc không. Vấn đề là chỉ số đang được một vài cổ phiếu vốn hóa lớn đẩy lên, trong khi nhiều cổ phiếu khác không cùng xu hướng này.

Theo đó, trong tuần qua (giá đóng cửa ngày 17/11 so với đóng cửa ngày 10/11), chỉ số VN-Index tăng khoảng 2,6%, nhưng chỉ có khoảng 87/346 mã cổ phiếu tăng mạnh hơn mức này. Trong 87 mã đó, có 15 cổ phiếu có vốn hóa 10.000 tỷ đồng trở lên (tổng vốn hóa nhóm này chiếm khoảng 47% vốn hóa toàn sàn HOSE), và một số mã vốn hóa vượt trội trên thị trường tăng giá hơn 5% như VNM (+5,4%), VIC (+8,2%), FPT (+8,6%).

Trong những mã vốn hóa lớn kể trên, việc VNM và FPT tăng giá từ đầu tháng 11 đến nay đều liên quan đến yếu tố SCIC thoái vốn và dường như nhiều nhà đầu tư không để ý rằng, 2 cổ phiếu này đều đạt đến mức giá mục tiêu 1 năm mà một số công ty chứng khoán lớn đưa ra. Trong khi đó, giá cổ phiếu VIC, cùng nhiều mã khác trong Top 15 kể trên, đều đã vượt dự phóng.

Nhìn chung, nhiều mã vốn hóa lớn, có tầm ảnh hưởng mạnh tới chỉ số VN-Index, đã đạt hay vượt giá mục tiêu đầu tư (không phải mục tiêu đầu cơ). Do đó, khi các mã trên tiếp tục tăng giá, có thể tạo ra bong bóng trên chính các mã này và dẫn đến hệ quả là tạo ra bong bóng trên chỉ số. Hiện tại, các bong bóng mới xuất hiện, nên chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng.

Việc cơ cấu lại danh mục đầu tư luôn là chiến lược hợp lý tại mỗi vùng kháng cự tâm lý quan trọng. Theo ông, trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên lựa chọn nhóm cổ phiếu nào?

Tôi nghĩ, giờ tiếp tục đua những mã vốn hóa lớn, nhất là Top 15 nói trên thì hơi rủi ro, ở đây bao gồm cả kỳ vọng lợi nhuận không còn cao. Nhà đầu tư hãy thử đánh giá các mã vốn hóa lớn khác mà chưa “chạy” thời gian qua.

Ngưỡng 900 điểm: Những cái bẫy ngọt ngào ảnh 1

 Ông Hoàng Thạch Lân.

Về ngành, ngân hàng có lẽ vẫn nên được quan tâm hàng đầu, hàng tiêu dùng và bất động sản nhà ở thì kỳ vọng vào tính mùa vụ, dầu khí cũng nên quan tâm nhiều hơn khi giá dầu đang trụ ở mức cao hơn hẳn so với nửa đầu năm nay.

Tuy nhiên, về cổ phiếu cụ thể thì tùy vào “gu” từng nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư thích hàng cơ bản thì nên ưu tiên cho largecap, hoặc midcap có quy mô tiệm cận largecap. Nhà đầu tư nào thích đầu cơ thì cứ theo dõi tin tức và phân tích biểu đồ, tìm điểm mua phá vỡ trend mà đi lên, hay thậm chí có thể bắt đáy.

Nhiều doanh nghiệp có vấn đề trong sản xuất kinh doanh, nhưng giá cổ phiếu giảm mạnh như VNS, DRC, CSM, HT1, VSC… nên cũng có thể trở nên hợp lý, thậm chí hấp dẫn.

Sau một thời gian dài “trụ hạng”, một phần trong nhóm cổ phiếu lớn bắt đầu có dấu hiệu “đuối sức”. Liệu đây có phải là cơ hội để dòng tiền tìm đến các cổ phiếu vừa và nhỏ, cũng như các cổ phiếu đầu cơ hay không, theo ông?

Nhiều ý kiến cho rằng, trong một chu kỳ, thị trường thường bắt đầu đi lên bởi cổ phiếu vốn hóa lớn, sau đó dòng tiền chuyển qua cổ phiếu vốn hóa vừa và phân phối đỉnh ở vốn hóa nhỏ. Nói cách khác, thị trường tăng nhờ các cổ phiếu hàng đầu, có thực lực, tài chính, coi như đặt nền móng cho sự tăng trưởng. Sau đó nhà đầu tư bắt đầu chú ý tới các cổ phiếu nhỏ hơn và hàng đầu cơ cũng nhân cơ hội này mà đi lên.

Theo tôi, trong ngắn hạn, dòng tiền vẫn chưa rời nhóm vốn hóa lớn mà chỉ là đổi “trụ”. Những cổ phiếu đã đuối sức sẽ bắt đầu đi ngang hoặc giảm nhẹ. Dòng tiền tìm tới các cổ phiếu vốn hóa lớn tại nhóm ngân hàng, bất động sản hay các ngành công nghiệp khác hiện đang chậm chân hơn.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa cũng cần được lưu ý, nhất là những mã tiệm cận nhóm vốn hóa lớn. Riêng với cổ phiếu vốn hóa nhỏ, tôi cho rằng cần lựa chọn rất thận trọng, vì nhiều doanh nghiệp đang tồn tại vấn đề về tài chính, hoặc hoạt động sản xuất – kinh doanh không tích cực, chưa kể rủi ro bị đội lái thao túng giá.

Ông đánh giá như thế nào về cơ hội thị trường từ nay đến cuối năm?

Tôi cho rằng, thị trường vẫn đang ở vị thế tăng, dù có nhiều ý kiến e ngại mức độ tăng nóng và thiên vị của chỉ số. Nguyên nhân là bởi thị trường chứng khoán vẫn đang được hưởng lợi trực tiếp lẫn gián tiếp từ kinh tế vĩ mô ổn định và nhất là việc nới lỏng tín dụng.

Về triển vọng ngành, thị trường vẫn đang thụ hưởng hương vị ngọt ngào từ nhóm ngân hàng, với mọi dự báo đều lạc quan từ lợi nhuận, cho đến xử lý nợ xấu. Ngành dầu khí gần đây cũng đem lại kỳ vọng lớn hơn cho nhà đầu tư, khi giá dầu Brent tăng mạnh lên hơn 60 USD/thùng, trong khi nhiều nhóm ngành lớn khác chuẩn bị bước vào mùa vụ cao điểm cuối năm.

Trong ngắn hạn, rủi ro tác động lên chỉ số có lẽ sẽ đến từ yếu tố bên ngoài, dù ít có khả năng. Còn rủi ro nội tại, chẳng hạn định giá cổ phiếu vốn hóa lớn đã ở mức cao và có thể tạo ra bong bóng sẽ chỉ đến trong năm sau. 

Hoàng Anh thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục