Nguồn thu thuế tài nguyên, 100% để lại địa phương, nên không thể nói Bộ Tài chính "có động cơ"

Mặc dù khung giá tính thuế tài nguyên có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 rất rộng, có loại tài nguyên giá tính thuế tối đa gấp hơn 1,42 lần giá tối thiểu, nhưng ông Nguyễn Hữu Tân, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế) khẳng định, không thể trục lợi từ chính sách thuế.

Cơ sở dữ liệu giá tính thuế tài nguyên được giao cơ quan thuế thu thập, tổng hợp, phân loại. Thưa ông, liệu có dẫn tới tình trạng trục lợi chính sách khi đưa ra giá tính thuế tài nguyên thấp hơn hoặc cao hơn thực tế?

Khung giá tính thuế tài nguyên do Bộ Tài chính quy định, trong khi đó, nguồn thu từ thuế tài nguyên được để lại 100% cho địa phương (trừ thuế tài nguyên thu từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu, khí), nên Bộ Tài chính không có động cơ nào để đưa ra khung giá tính thuế không sát với thị trường.

Nguồn thu thuế tài nguyên, 100% để lại địa phương, nên không thể nói Bộ Tài chính "có động cơ" ảnh 1

 Ông Nguyễn Hữu Tân, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế)  

Cơ sở dữ liệu giá tính thuế tài nguyên được Tổng cục Thuế xây dựng tập trung, thống nhất và thường xuyên cập nhật để Bộ Tài chính xây dựng khung giá tính thuế tài nguyên, trên cơ sở đó, UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá tính thuế tài nguyên cụ thể phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Nguồn thông tin hình thành cơ sở dữ liệu giá tính thuế tài nguyên được lấy từ tờ khai thuế tài nguyên có sẵn trong hồ sơ khai thuế tài nguyên do người nộp thuế kê khai; tờ khai hải quan xuất khẩu, nhập khẩu đối với loại tài nguyên, khoáng sản tương ứng; báo cáo kế toán, tài chính của doanh nghiệp; giá mua, bán giao dịch của các tài nguyên, khoáng sản đang được niêm yết, mua bán trên thị trường trong nước, quốc tế…, nên bám sát giá thị trường, khó có thể trục lợi.

Nhưng khung giá tính thuế tài nguyên có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 quá rộng, chênh nhau từ 1,3 đến 1,42 lần. Các địa phương vì nguồn thu ngân sách có thể áp giá tính thuế thấp nhất để tận thu, ảnh hưởng đến các địa phương khác, thưa ông?

Theo Luật Khoáng sản, Nhà nước có chiến lược, quy hoạch khoáng sản để phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong từng thời kỳ; bảo đảm khoáng sản được bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả. Thăm dò, khai thác khoáng sản, tài nguyên không chỉ phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch, mà còn gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Khai thác tài nguyên, khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản. Vì thế, không phải địa phương nào có tài nguyên, khoáng sản là tìm mọi cách, trong đó có việc áp mức giá tính thuế tài nguyên thấp nhất, nhằm khuyến khích doanh nghiệp khai thác để tăng thu ngân sách.

Nhưng thực tế vẫn có tình trạng địa phương áp giá tính thuế tài nguyên thấp nhất để thu hút đầu tư, thưa ông?

Tình trạng đó có thể xảy ra trước năm 2010, tức là trước khi Quốc hội ban hành Luật Khoáng sản (sửa đổi), nhưng nhiều năm gần đây, không còn tình trạng này nữa vì khai thác tài nguyên gắn liền với hạ tầng giao thông, đất đai, ô nhiễm môi trường, nên không địa phương nào dại gì hạ giá tính thuế tài nguyên để doanh nghiệp vào khai thác làm hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, ảnh hưởng đến môi trường.

Hiện nay, trước khi cấp phép thăm dò, khai thác đối với những mỏ thuộc thẩm quyền quản lý, các địa phương phải tính toán kỹ khoản thuế tài nguyên và các khoản lợi ích khác so với thiệt hại, chi phí có thể phải bỏ ra để khắc phục. Do vậy, nếu không có lợi ích thực sự thì các địa phương cũng không khuyến khích khai thác. Hơn nữa, Nhà nước hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô, nên không dễ dàng gì thu hút được doanh nghiệp.

Vậy vì sao Bộ Tài chính xây dựng khung thuế suất thuế tài nguyên có độ chênh lệch rất lớn giữa giá tính thuế thấp nhất và cao nhất?

Trữ lượng tài nguyên, khoáng sản ở các mỏ rất khác nhau; tài nguyên, khoáng sản phân bổ khắp nơi, nhưng thường là ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, thậm chí ở những khu vực rừng núi không có cư dân sinh sống, không có đường giao thông, không có nguồn nước tự nhiên.

Chi phí khai thác một đơn vị khoáng sản giữa các nơi có mức độ chênh lệch nhau rất lớn, nếu ban hành khung giá tính thuế tài nguyên hẹp sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên đặc biệt khó khăn.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân ra khơi bám biển, nhưng Thông tư 44/2017/TT-BTC vẫn áp khung giá tính thuế tài nguyên đối với tôm, cua, cá, mực… Phải chăng, đây là sự không thống nhất trong chính sách, thưa ông?

Hải sản tự nhiên thuộc đối tượng chịu thuế theo Luật Thuế tài nguyên, vì vậy, Bộ Tài chính phải ban hành khung giá tính thuế tài nguyên đối tôm, cua, cá, mực… khai thác trên biển. Hiện tại, hoạt động khai thác trên biển được miễn thuế tài nguyên, không chỉ có ngư dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, mà cả doanh nghiệp khai thác, đánh bắt hải sản cũng được miễn thuế tài nguyên vì ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản không chỉ giải quyết việc làm, thu nguồn lợi cho đất nước, mà còn góp phần rất lớn trong bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ.

Việc ban hành khung giá tính thuế tài nguyên đối với hải sản không có gì mâu thuẫn với chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, bởi đây chỉ là kỹ thuật làm luật, vì hoạt động khai thác hải sản tự nhiên được miễn thuế tài nguyên.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục