Chính sách thuế: Doanh nghiệp mong ổn định và minh bạch

(ĐTCK) Tại “Báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN) năm 2016” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, nhiều DN phản ánh rằng, khó khăn lớn nhất đối với họ là sự thiếu ổn định, đồng bộ và minh bạch của các chính sách thuế.
Các chính sách thuế hiện tại còn gây nhiều khó khăn cho DN khi thực thi Các chính sách thuế hiện tại còn gây nhiều khó khăn cho DN khi thực thi

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho biết, nhiều DN gặp khó do chính sách thuế thay đổi liên tục, bên cạnh việc có quá nhiều công văn hướng dẫn đi kèm, khiến DN không thể nắm bắt hết, nên không tránh khỏi sai sót. Đó là chưa kể, dù có nhiều văn bản hướng dẫn, nhưng một số lĩnh vực lại chưa rõ ràng, hoặc còn chồng chéo.

Chẳng hạn, luật pháp quy định giá mua bán hàng hóa dựa trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất giữa người mua và người bán, song Luật Thuế thu nhập DN và Luật Thuế thu nhập cá nhân lại không cho phép bán dưới giá vốn và yêu cầu người mua chỉ dùng giá mua làm chi phí khấu hao. Hay như Luật Hải quan và Luật Thuế liên quan chưa thống nhất về cách quản lý và theo dõi hoạt động nhập-xuất-tồn kho nguyên vật liệu đối với các công ty gia công, khiến DN lúng túng trong việc thực hiện.

Cũng theo nhiều DN, điều gây phiền hà nhất khi thực hiện các thủ tục hành chính về thuế là biểu mẫu thuế thay đổi liên tục, quy định không rõ ràng, nên DN khó chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và thường bị yêu cầu cung cấp thêm giấy tờ. Điều này khiến DN thêm tốn kém cả về chi phí và thời gian.

Bình luận về các vướng mắc trên, ông Phạm Sỹ Danh, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho rằng, chính sách thuế của Việt Nam vừa thiếu tính ổn định, vừa thiếu sự minh bạch.

“Thông thường, DN FDI tại Việt Nam là một mắt xích trong chuỗi kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia và phải tuân thủ quy trình quản lý, kinh doanh, cũng như các quy chuẩn toàn cầu khác. Do đó, các công ty con sẽ ký hợp đồng dịch vụ với công ty mẹ để sử dụng các hệ thống quản lý, các dịch vụ được đầu tư bởi công ty mẹ. Tuy nhiên, quy định hiện hành không có hướng dẫn cụ thể cho việc xử lý các chi phí liên quan đến hợp đồng dịch vụ ký với công ty mẹ của các công ty trong tập đoàn đa quốc gia, dẫn đến thực tế là khi cơ quan thuế kiểm tra, DN mất rất nhiều thời gian để giải trình, song nhiều khi vẫn không được cơ quan thuế công nhận là chi phí hợp lý của công ty con ở Việt Nam”, ông Danh cho biết.

Theo vị chuyên gia này, điều đó dẫn đến việc, nhiều khi doanh nghiệp có đầy đủ hóa đơn chứng từ cho khoản chi phí, nhưng nếu cơ quan thuế không coi đó là chi phí được trừ, thì khoản chi phí này vẫn bị loại khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tại một ví dụ khác, ông Danh dẫn chứng, trong chính sách thuế thu nhập DN hiện hành, vẫn còn tồn tại một số mức khống chế khác như khống chế về khấu hao tài sản cố định là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, hay khống chế đối với mức chi cho phúc lợi xã hội của nhân viên… Điều này dẫn đến việc, các DN phải phát sinh thêm chi phí tuân thủ khi điều chỉnh sự khác biệt giữa kế toán và thuế.

“Chính sách thuế thiếu tính ổn định và chưa rõ ràng sẽ gây khó khăn cho DN trong việc thực hiện các quy định về thuế. Ngoài ra, nó còn tạo ra sự không thống nhất giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra với các bên có liên quan như kiểm toán độc lập trong việc đánh giá, xử lý các vấn đề”, ông Danh nhận xét.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại TNG dự đoán, mùa quyết toán năm nay sẽ vô cùng “nhộn nhịp”, bởi hàng loạt văn bản thuế cho năm tài chính 2016 bị thay đổi. Ông Thời cho biết,  hiện có 1 nghị định, 8 thông tư hướng dẫn dành riêng cho quyết toán thuế giá trị gia tăng và chế độ hóa đơn chứng từ; quyết toán thuế thu nhập DN có 4 thông tư và 1 quyết định; quyết toán thuế thu nhập cá nhân có 4 thông tư…

Theo ông Thời, mặc dù những văn bản trên được ra đời và điều chỉnh bổ sung đều theo hướng tốt hơn cho DN, nhưng sẽ khiến DN gặp khó khăn khi tuân thủ, nhất là trong bối cảnh đa phần DN vừa và nhỏ, hay siêu nhỏ đều không có bộ máy kế toán chuyên nghiệp, dẫn đến khó cập nhật sự thay đổi chính sách pháp luật, nên nguy cơ làm sai, làm sót hoàn toàn có thể xảy ra.

Để khắc phục tình trạng này, hầu hết các DN thống nhất đề xuất việc xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật thuế cần được thực hiện đồng bộ, rõ ràng, đặc biệt cần được triển khai ổn định trong thực tiễn, để tạo thuận lợi cho các DN trong quá trình thực hiện. Khi có nghị định, thông tư mới, cơ quan thuế cần hướng dẫn DN một cách kịp thời, bên cạnh việc rà soát và tập hợp mang tính hệ thống để DN dễ dàng áp dụng.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục