Theo dữ liệu từ BNP Paribas, trong tháng 6, nguồn cung trái phiếu chính phủ ròng có khả năng tăng lên 340 tỷ USD đối với Mỹ, các nước khu vực đồng euro và Anh, khi các ngân hàng trung ương tiếp tục cắt giảm lượng nắm giữ trái phiếu.
Mặc dù các nhà phân tích kỳ vọng thị trường sẽ hấp thụ nguồn cung, nhưng điều này có khả năng làm tăng thêm áp lực lên lợi suất và khiến các nhà đầu tư đang hy vọng rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ thúc đẩy thị trường trái phiếu hồi phục trong năm nay.
Camille de Courcel, Trưởng bộ phận chiến lược lãi suất G10 khu vực châu Âu tại BNP Paribas cho biết: “Chúng tôi vẫn còn rất nhiều nguồn cung cần được hấp thụ”, đồng thời cho biết thêm rằng khu vực đồng euro sẽ chứng kiến tháng phát hành ròng trái phiếu chính phủ cao thứ hai trong năm nay trong tháng 6.
“Chúng tôi rất lưu tâm đến những rủi ro lợi suất tăng cao khi chúng ta bước vào tháng 6, đặc biệt là ở châu Âu”, bà nhấn mạnh.
Các chính phủ thị trường phát triển vẫn đang vay những khoản lớn để giúp nền kinh tế phục hồi sau những cú sốc của đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine. Các cuộc bầu cử ở Mỹ, Anh và Quốc hội Liên minh châu Âu trong năm nay đang tạo thêm áp lực buộc phải tiếp tục chi tiêu.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương đang giảm lượng nắm giữ trái phiếu trong quá trình thắt chặt định lượng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cho phép 95 tỷ USD trái phiếu chính phủ và trái phiếu đảm bảo bằng thế chấp đáo hạn mà không cần thay thế mỗi tháng, mặc dù điều đó sẽ chậm lại từ tháng 6, trong khi Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đang tích cực bán trái phiếu ra thị trường.
Michael Weidner, đồng giám đốc thu nhập cố định toàn cầu tại Lazard Asset Management cho biết: “Nhiều nhà đầu tư hiện đang bị thu hút bởi lợi suất cao hơn sau nhiều năm lợi nhuận gần như bằng 0, cũng như khả năng giá trái phiếu sẽ tăng khi các ngân hàng trung ương bắt đầu chu kỳ nới lỏng”.
Nguồn cung ròng tăng cao trong tháng 6 chủ yếu là do trái phiếu đáo hạn giảm, nên các nhà đầu tư sẽ có ít tiền mặt hơn để tái đầu tư vào thị trường sơ cấp nếu tiền gốc không được hoàn lại.
Bên cạnh đó, mối lo ngại của nhà đầu tư về việc vay nợ của chính phủ có xu hướng tập trung vào sự gia tăng nợ dài hạn trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Mỹ với trái phiếu Kho bạc của nước này được xem là một trong những tài sản an toàn nhất thế giới.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) của Mỹ cho biết trong một báo cáo tháng 3 rằng họ dự kiến nợ công của Mỹ sẽ tăng lên 166% GDP vào năm 2054 từ mức 99% trong năm nay.
“Tại một thời điểm nào đó, nếu chúng ta tiếp tục thấy thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng trên toàn cầu ở mức này, thì các nhà đầu tư yêu cầu phần bù rủi ro cao hơn khi cho vay, đặc biệt là đối với các khoản vay có kỳ hạn dài hơn.
Nhưng trong thời gian tới, giữa việc các ngân hàng trung ương tiếp tục là người mua cuối cùng ở một mức độ nào đó cũng như những lo ngại về tốc độ tăng trưởng chậm lại và nhu cầu các ngân hàng trung ương phải nới lỏng chính sách..., điều đó đang thúc đẩy các nhà đầu tư xem xét lại vị thế”, Michael Goosay, người đứng đầu toàn cầu về thu nhập cố định tại Primary Asset cho biết.