Ngay cả khi triển vọng kinh tế toàn cầu đang ổn định, chính sách tài khóa vẫn tiếp tục phải vật lộn với nợ và thâm hụt cao, đồng thời phải đối mặt với những thách thức mới.
Trong báo cáo Giám sát tài khoá mô tả tổng quan về diễn biến tài chính công toàn cầu được công bố hôm thứ Tư (17/4), IMF cho biết ở cả hai nền kinh tế là Mỹ và Trung Quốc, nợ công theo các chính sách hiện hành được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2053.
“Do đó, cách hai nền kinh tế này quản lý chính sách tài khóa có thể có tác động sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu và gây ra rủi ro đáng kể cho các dự báo tài chính cơ bản ở các nền kinh tế khác”, báo cáo cho biết.
Báo cáo cho biết chính sách tài khóa lỏng lẻo và chính sách tiền tệ thắt chặt ở Mỹ đã “góp phần làm tăng lãi suất dài hạn của chính phủ (lãi suất trái phiếu cao hơn) và sự biến động gia tăng của lãi suất ở Mỹ, làm tăng rủi ro ở những nơi khác thông qua hiệu ứng lan tỏa lãi suất”.
Lãi suất cao hơn ở Mỹ sẽ khiến nhiều quốc gia gặp nhiều rắc rối hơn do đồng đô la Mỹ tăng giá so với các đồng tiền khác, khiến hàng hóa định giá bằng đồng đô la trở nên đắt hơn và tăng gánh nặng nợ cho các quốc gia vay bằng đồng đô la Mỹ.
Vitor Gaspar, giám đốc tài chính của IMF cho biết: “Lãi suất cao và không chắc chắn ở Mỹ ảnh hưởng đến chi phí huy động vốn ở những nơi khác trên thế giới…Tác động là khá đáng kể”.
Đối với Trung Quốc, IMF đưa ra cảnh báo rằng sự suy thoái lớn hơn dự kiến ở Trung Quốc – “có khả năng trở nên trầm trọng hơn do việc thắt chặt tài khoá ngoài ý muốn do sự mất cân đối tài chính đáng kể ở chính quyền địa phương” – có thể tạo ra rủi ro cho phần còn lại của thế giới thông qua mức độ thương mại quốc tế, tài chính và đầu tư bên ngoài thấp hơn.
Báo cáo của IMF dự báo thâm hụt cơ bản tổng thể trên toàn cầu sẽ giảm xuống 4,9% GDP toàn cầu trong năm nay từ mức 5,5% vào năm 2023, nhưng có những rủi ro đáng kể đe dọa tài chính công ở nhiều quốc gia.
Báo cáo dự báo Mỹ sẽ ghi nhận mức thâm hụt tài khoá là 7,1% GDP vào năm tới, gấp hơn ba lần mức trung bình là 2% của các nền kinh tế khác. Báo cáo lưu ý rằng vào năm 2023, Mỹ đã có “sự trượt dốc tài chính lớn đáng kể” với mức thâm hụt lên tới 8,8% GDP, tăng từ mức 4,1% vào năm 2022.
Báo cáo cũng chỉ ra các quốc gia Anh và Ý cùng với Mỹ và Trung Quốc là những quốc gia phải đối mặt với rủi ro tài chính nghiêm trọng khi nợ tiếp tục tăng cao. IMF cho biết 4 quốc gia này đang đẩy mức nợ toàn cầu lên gần 100% GDP và họ “cực kỳ cần thực hiện hành động chính sách để giải quyết sự mất cân bằng cơ bản giữa chi tiêu và nguồn thu”.
Bên cạnh đó, IMF cũng lưu ý rằng các cử tri năm nay sẽ đi bầu cử ở 88 nền kinh tế đại diện cho hơn một nửa dân số và GDP thế giới, trong thời điểm được gọi là “năm bầu cử vĩ đại”.
Báo cáo cho biết: “Sự ủng hộ cho việc tăng chi tiêu của chính phủ đã tăng lên trên mọi lĩnh vực chính trị trong nhiều thập kỷ qua, khiến năm nay trở nên đặc biệt khó khăn…Chính sách tài khóa có xu hướng lỏng lẻo hơn và độ trượt giá lớn hơn trong những năm bầu cử”.
“Các điều kiện tài chính vẫn còn nhiều thách thức, trong khi áp lực chi tiêu để giải quyết các thách thức cơ cấu ngày càng trở nên cấp bách hơn. Các quốc gia nên thúc đẩy tăng trưởng dài hạn bằng tổ hợp chính sách tài chính được thiết kế tốt để thúc đẩy đổi mới một cách rộng rãi hơn, bao gồm cả nghiên cứu cơ bản và tạo điều kiện phổ biến công nghệ. Cần có những nỗ lực củng cố tài khóa bền vững để bảo vệ nền tài chính công bền vững và xây dựng lại vùng đệm”, báo cáo cho biết.