Người Trung Quốc chuộng đặt cỗ, lì xì bằng ứng dụng điện thoại dịp Tết

Thay vì lì xì trực tiếp dịp năm mới, hàng trăm triệu người Trung Quốc gửi tiền qua hồng bao điện tử trên ứng dụng trò chuyện WeChat.
Các thiết bị công nghệ được cả giới trẻ lẫn người già Trung Quốc sử dụng. Ảnh: SCMP. Các thiết bị công nghệ được cả giới trẻ lẫn người già Trung Quốc sử dụng. Ảnh: SCMP.

Tết năm nay của Tiffany Chen khác lạ so với mọi năm. Trước đây, cô gái làm việc ở Bắc Kinh thường trở về quê nhà ở Hợp Phì, tỉnh phía đông An Huy để cùng gia đình chuẩn bị mâm cỗ và quây quần đón Tết. Tuy nhiên những năm gần đây, mẹ của Chen bắt đầu cảm thấy chuyện cỗ bàn không còn quan trọng và chán ngán với dầu mỡ, khói bếp. Năm nay, bà quyết định lên Bắc Kinh thăm con gái.

Để ăn mừng năm mới, Chen tìm nhà hàng để đặt chỗ ăn tối nhưng ở đâu cũng đông nghịt người và gia đình cô cũng không muốn ra ngoài vì trời lạnh. Chen sau đó truy cập Eleme, một ứng dụng vận chuyển đồ ăn và gõ cụm từ tìm kiếm "tiệc tất niên".

Việc dễ dàng gọi đồ ăn mang tới là một trong nhiều hình thức cho thấy công nghệ đang thay đổi cách người Trung Quốc đón Tết và sự thay đổi này được tất cả các thế hệ chấp nhận chứ không chỉ những người trẻ lớn lên cùng công nghệ trong 25 năm qua.

Những người sử dụng dịch vụ như Eleme có rất nhiều lựa chọn, từ vịt quay Bắc Kinh đến lẩu hay đồ nướng để ăn Tết. Ví dụ, một bữa lẩu ở chuỗi nhà hàng Hadilao có giá 499 nhân dân tệ (71 USD) cho 5-7 người. 

Việc gọi món ăn chỉ bằng cách lướt ngón tay trên điện thoại di động đã trở thành một xu hướng ở Trung Quốc, thay thế truyền thống tự nấu cơm tại nhà ở một số gia đình. Các nhà bán lẻ bắt đầu thâm nhập vào thị trường này khi nhận thấy nhu cầu tăng cao. Quảng cáo ngập tràn mạng xã hội từ những tuần trước Tết. 

Một quảng cáo trên WeChat viết: "Bạn có muốn bố mẹ không phải mệt mỏi vì nấu nướng ở nhà? Bạn không đặt được nhà hàng và không muốn phải dọn dẹp sau khi ăn? Tại sao không đặt cỗ Tết mang tới tận nhà? Những vấn đề trên sẽ không còn nữa".

Tại nhà ga Thâm Quyến tấp nập một tuần trước năm mới Kỷ Hợi, một người cha vội vã bắt chuyến tàu, một tay xách hành lý, tay kia cầm một chiếc loa bluetooth. Anh Yan Jianlong quê ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. Anh làm công việc thiết kế ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông để nuôi sống gia đình. Năm nay, thay vì mua đặc sản địa phương làm quà, anh muốn mua một món đồ công nghệ gì đó cho cậu con trai 10 tuổi.

"Tôi nghe nói thằng bé bây giờ thích những thứ quà này", Yan nói. "Thằng bé hát và chiếc loa có thể kết nối với điện thoại của nó".

 Những đồ chơi tự động được bày bán tại nhà ga Thâm Quyến dịp Tết. Ảnh:SCMP.

Nhiều người khác cùng chung quan điểm. Chen Zhiyang, làm việc ở một cửa hiệu bán điện thoại di động, tai nghe và đồ chơi điện tử tại nhà ga, cho biết những đồ chơi tự động như thiết bị bay không người lái là mặt hàng được ưa chuộng nhất Tết.

Một truyền thống quan trọng khác đó là lì xì trẻ em cũng không thoát khỏi làn sóng công nghệ. Ứng dụng trò chuyện WeChat, do tập đoàn Tencent phát triển, có chức năng gửi tiền trực tiếp trong những hồng bao điện tử đính kèm với tin nhắn.

Dữ liệu do Tencent cung cấp cho thấy tỷ lệ sử dụng chức năng này tăng lên hàng năm kể từ khi ra mắt vào năm 2014. Năm 2018, có 688 triệu người gửi lì xì vào đêm Giao thừa qua WeChat, tăng 15% so với năm trước đó.

Một bức ảnh đang lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc chứng minh rõ nhất sự thay đổi của thời thế, trong đó, hai đứa bé đeo những tấm bảng in mã QR trên cổ. "Nhiều người không còn mang theo tiền mặt nữa. Để không ảnh hưởng đến việc con bạn nhận lì xì ngày Tết, xin hãy đọc những tấm bảng này", dòng chữ trên bảng viết.

Mã QR trên kết nối người dùng đến một cửa hàng tại tỉnh Phúc Kiến.

 Ông bố trẻ mua quà công nghệ tặng con khi về Tết ở nhà ga Thâm Quyến. Ảnh:SCMP.

Thời đại công nghệ khiến truyền thống đoàn viên của gia đình thậm chí cũng biến đổi. Mọi người trò chuyện với nhau bằng video và gửi lời chúc mừng năm mới dễ dàng dù họ ở cách nhau bao xa.

Wang Xiaoya cho hay Tết năm nay cô sang thăm một người bạn ở Brazil nhưng không có cảm giác mình bỏ bê gia đình vì thường xuyên trò chuyện trực tuyến với mẹ và ông bà suốt Tết.

Công nghệ không chỉ phục vụ giới trẻ. Bà của Wang cũng đã học cách dùng điện thoại thông minh. "Nó thực sự khiến gia đình và bạn bè dễ dàng thân thiết hơn", Wang nói.

Trên mạng xã hội, có những câu hỏi đặt ra rằng liệu công nghệ có làm biến đổi không khí Tết, và liệu có làm cho mọi người trở nên lười biếng và thu mình lại hay không.

"Tôi nghĩ những gì công nghệ thay đổi chỉ là thủ tục", Chen nói. "Vấn đề không phải bạn đón Tết thế nào, ăn ở nhà, ra ngoài hay gọi đồ ăn, cốt lõi là bạn đón Tết cùng ai".


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục